TTCT - Bóng mây bao phủ là lối nói sáo mòn về diễn biến u ám của một sự kiện sắp hoặc đương diễn ra. Với COP29, không có mây đen kéo tới, chỉ có mùi dầu hỏa thấm đẫm, theo nghĩa đen. Một giếng dầu ở Baku, Azerbaijan. Ảnh: Vano Shlamov/AFPChủ nhà của Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần này là Baku, thủ đô Azerbaijan, quốc gia đã phát triển dựa vào dầu mỏ từ giữa thế kỷ 19, và nhiên liệu hóa thạch hiện chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu. The Guardian mô tả điều đầu tiên hơn 100 nguyên thủ quốc gia và chính phủ nhận thấy khi đến Baku đầu tuần qua (11-11) có thể là mùi dầu hỏa đậm đặc trong không khí, được gió đưa vào đất liền từ "những ngọn lửa bùng lên từ các nhà máy lọc dầu chiếu sáng bầu trời đêm" và những giàn khoan dầu nhỏ "gật gù lên xuống như thể đang rút tài nguyên từ lòng đất". Đây chính là lời nhắc nhở rõ ràng nhất về câu hỏi cốt lõi mà các phái đoàn đến COP29 để quyết định: liệu hành tinh sẽ tiếp tục bị tàn phá để các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch kiếm lợi nhuận, hay chọn một con đường khác. Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra với một "tham số" mới: Nhà Trắng sắp đổi chủ, mà người sẽ ngồi vào đó nổi tiếng là "yêu dầu" và phủ nhận biến đổi khí hậu.Bi quan vì Trump"Nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể có ý nghĩa gì đối với hành động ứng phó với biến đổi khí hậu" (Scientific American); "Thế giới từ giờ sẽ đi về đâu" (The New York Times); "Chiến thắng của Trump là một mất mát bi thảm cho tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu" (MIT Technology Review); "Rủi ro về khí hậu chưa bao giờ cao hơn thế" (Grist). Những dòng tít liên tục xuất hiện trong vòng 24 tiếng kể từ khi ông Trump tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.Nhiều cảnh báo và quan ngại thật ra đã được đưa ra từ trước, giờ chỉ cần nhắc lại, bỏ đi mệnh đề điều kiện "nếu Trump thắng". Phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ các chuyên gia khí hậu và nhà khoa học - những người lo ngại rằng ông sẽ hủy bỏ các mục tiêu về biến đổi khí hậu; giảm bớt hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho năng lượng sạch và xe điện; cắt giảm các quy định nhằm hạn chế phát thải và ô nhiễm; mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch; và một lần nữa rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 như đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên. "Kết quả từ cuộc bầu cử này sẽ được coi là một đòn giáng mạnh vào hành động khí hậu toàn cầu" - Christiana Figueres, cựu trưởng ban khí hậu của LHQ, người góp phần quan trọng trong việc đạt được Thỏa thuận Paris, nhận định.Những mối lo vừa kể đều dựa trên nhiều hành động trước, trong và sau quá trình trở lại Nhà Trắng của ông Trump, người từng nhiều lần gọi biến đổi khí hậu là "trò lừa". Vận động bỏ nhiên liệu hóa thạch tại COP29. Ảnh: Reuters"Di sản" trong nhiệm kỳ trước của ông, chỉ nêu những cái đáng kể nhất, bao gồm: rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2020 (ông Biden đưa Mỹ trở lại từ năm 2021); hủy khoảng 125 quy định về môi trường và khí hậu; và mở cửa cho khai thác dầu khí gần khu bảo tồn động vật hoang dã ở Bắc Cực. Khi tranh cử, ông cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch, gỡ bỏ các quy định môi trường, cũng như loại bỏ hỗ trợ liên bang cho năng lượng sạch và hô to "khẩu hiệu" của ngành dầu khí "drill, baby, drill" (khoan, khoan nữa, khoan mãi). Và trong phát biểu chiến thắng hôm 6-11, ông tái khẳng định nước Mỹ có nhiều "vàng lỏng" - tức tiềm năng dầu khí nội địa - hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.Đáng lo nhất trong các tuyên bố trước đây của ông Trump là ý định sẽ hủy bỏ Đạo luật giảm lạm phát (IRA), khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Mỹ vào hành động khí hậu. IRA là một thành tựu lập pháp quan trọng của chính quyền ông Joe Biden, nhưng lại được ông Trump gọi là "Green New Scam" (Trò lừa đảo xanh, giễu nhại khái niệm Green New Deal, tức chính sách kinh tế xanh mới). Với Trump, IRA là một trò lừa mà ông sẽ "vinh dự nếu có thể hủy bỏ ngay lập tức".Nếu thành hiện thực, những thay đổi dưới triều ông Trump sắp tới được cho là sẽ đẩy nhanh tác động của biến đổi khí hậu và góp thêm khoảng 4 tỉ tấn khí nhà kính (bằng tổng lượng phát thải hằng năm của Liên minh châu Âu và Nhật Bản cộng lại) vào bầu khí quyển vào năm 2030, theo phân tích của trang Carbon Brief.Ai ngồi Nhà Trắng mặc ai"Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ được coi là một đòn giáng lớn vào hành động khí hậu toàn cầu, nhưng nó không và sẽ không thể ngăn chặn những thay đổi đang diễn ra để phi carbon hóa nền kinh tế và đạt các mục tiêu của Thỏa thuận Paris" - Christiana Figueres, cựu trưởng ban khí hậu của Liên Hiệp Quốc và là đồng sáng lập của nhóm tư vấn Global Optimism, tuyên bố.Tương tự, trong thông cáo chính thức của Climate Action Network, mạng lưới hành động vì khí hậu với hơn 1.900 thành viên là các tổ chức khắp thế giới hôm 6-11, giám đốc điều hành Tasneem Essop nhấn mạnh: cuộc khủng hoảng khí hậu không quan tâm ai ngồi trong Nhà Trắng. "Nếu có thể suy từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump thì sẽ có hỗn loạn và bất ổn, nhưng phong trào khí hậu sẽ kiên cường và tiếp tục đấu tranh. Thế giới sẽ tiếp tục hành động".Trên thực tế, số giấy phép khai thác dầu khí được cấp dưới chính quyền Biden tăng 20% so với nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, và cả ông lẫn Biden đều không có mặt tại COP29. Một nhà đàm phán châu Âu cho biết Mỹ luôn là một đối tác khó khăn trong các cuộc đàm phán về tài chính khí hậu. "Chính ông Biden cũng không thực hiện đúng cam kết về tài chính khí hậu" - người này nói với Reuters.Ảnh: ReutersEssop cho rằng quá trình chuyển đổi năng lượng là tất yếu và đang tăng tốc tại nhiều quốc gia và cả trên khắp nước Mỹ. "Mặc dù việc Trump dự định rút khỏi Thỏa thuận Paris có thể gây lo ngại ban đầu tại COP29, phần lớn thế giới đều nhận thức rằng hành động vì khí hậu không phụ thuộc vào việc ai nắm quyền ở Mỹ. Có thể mọi thứ sẽ lại diễn ra như đã thấy trước đây: các quốc gia khác sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo nếu Mỹ trốn tránh trách nhiệm và rút lui" - ông khẳng định. Mọi ánh mắt đang hướng về EU.Một bộ trưởng khí hậu từ khu vực Mỹ Latin cho rằng mặc dù sự trở lại của ông Trump là một bước lùi cho nỗ lực khí hậu toàn cầu, việc triển khai năng lượng tái tạo đang thu hút hàng ngàn tỉ đô la đầu tư và sẽ tiếp tục bất kể các động thái chính trị của ông. "Kết quả bầu cử như một cái tát vào mặt tiến trình khí hậu, nhưng nó sẽ không ngăn cản sự thúc đẩy toàn cầu về năng lượng sạch" - ông nói với Reuters.Gần như tất cả lo ngại chỉ nằm ở thì tương lai. Chẳng hạn với số phận được cho là leo lắt của IRA, thực tế không dễ để ông Trump cho đạo luật này "bay màu". Theo phân tích của Grist, bãi bỏ IRA cần sự ủng hộ từ Quốc hội. Cho đến hết tuần qua (10-11), Đảng Cộng hòa đã chiếm đa số ở Thượng viện và nhiều khả năng sẽ kiểm soát luôn Hạ viện. Ngay cả thế, ông Trump sẽ phải thực sự cân nhắc bởi "có tới 165 tỉ đô la trong khoản tài trợ của luật này đang đổ vào các khu vực bầu cử của Đảng Cộng hòa", tác giả Tik Root viết. Trang Axios bình rằng với ông Trump, nếu muốn sẽ có cách. Chẳng hạn như thực hiện các bước đơn phương để làm chậm việc chi tiêu và sử dụng quyền lực quy định liên bang để cản trở thêm quá trình triển khai. Tất nhiên đây cũng chỉ là phỏng đoán.Gạt kết quả bầu bán ở Mỹ sang một bên, COP29 sẽ diễn ra trong bối cảnh nào? Lượng phát thải khí nhà kính vẫn đang gia tăng và tác động của biến đổi khí hậu đã bắt đầu rõ ràng hơn trên toàn cầu. Chỉ một tuần trước hội nghị, lũ lụt ở Tây Ban Nha đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong khi các đám cháy rừng, hạn hán và bão ngày càng diễn ra thường xuyên. Năm ngoái là năm nóng nhất trong lịch sử và năm nay có khả năng còn nóng hơn. Ngoài ra, trước thềm COP29, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cảnh báo rằng mục tiêu của Thỏa thuận Paris về việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ này sẽ "không còn khả thi trong vài năm tới" nếu chỉ áp dụng các chính sách hiện tại. UNEP dự đoán rằng với mức đầu tư hiện tại, nhiệt độ có thể tăng tới 3,1 độ vào năm 2100. Điều 6 của Thỏa thuận Paris được coi là cơ chế quan trọng để cung cấp tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển thông qua trao đổi tín chỉ carbon với hai tùy chọn: hai quốc gia tự thiết lập các điều khoản trong thỏa thuận song phương về giao dịch tín chỉ carbon (điều 6.2) và các quốc gia và công ty bắt đầu giao dịch tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải của mình thông qua hệ thống trung tâm do Liên Hiệp Quốc quản lý (điều 6.4).Tại COP29, các quan chức hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận liên quan đến điều 6: thiết lập các biện pháp kiểm soát cho thỏa thuận song phương và đưa vào hoạt động hệ thống thị trường trung tâm do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Một trong các biện pháp kiểm soát cụ thể là đảm bảo các quốc gia đang mua và bán những khoản giảm phát thải thực sự.Một nhóm chuyên gia do Liên Hiệp Quốc chọn đã xây dựng khung cho hệ thống thương mại đa phương nhằm đảm bảo tín chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ bản. Các quốc gia tại COP29 có thể quyết định phê chuẩn tiêu chuẩn này, tiếp tục thảo luận thêm hoặc từ chối hẳn. Sau COP29, nhóm chuyên gia kỹ thuật sẽ tiếp tục họp để thống nhất các phương pháp tạo tín chỉ carbon, chẳng hạn như thông qua dự án bếp tiết kiệm năng lượng hay trồng rừng. Nếu các điểm chính được giải quyết trong năm nay, hệ thống này có thể sẽ khởi động sớm nhất vào năm 2025 bất kể các thay đổi từ Mỹ.Thị trường trao đổi tín chỉ carbon giảm từ 1,9 tỉ đô la năm 2022 xuống còn 723 triệu đô la năm 2023, sau khi một loạt báo cáo từ giới khoa học và truyền thông phát hiện nhiều chương trình, dự án bù đắp carbon không có tác động gì tới giảm thiểu khủng hoảng khí hậu và mất đa dạng sinh học. Tháng 10, Kenneth Newcombe, cựu CEO Công ty C-Quest Capital, bị tòa án ở New York truy tố tội lừa đảo vì làm giả dữ liệu cắt giảm phát thải để đổi lấy hàng triệu tín chỉ carbon và hơn 100 triệu USD tiền đầu tư. Tags: Dầu khí
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.