Như thế chưa đủ, nếu chỉ dừng ở đó, không khéo một ngày rất gần Đà Lạt trở thành "công xưởng" trồng hoa như ngành dệt may, da giày... một thời gia công từ nguyên phụ liệu nước ngoài.
Khả năng Đà Lạt trở thành "công xưởng" trồng hoa là có thật. Bởi muốn đẩy mạnh xuất khẩu hoa, người trồng hoa phải tuân thủ cuộc chơi, đặc biệt là bản quyền về giống hoa. Không thể lấy giống "copy" hoặc nhập tiểu ngạch để trồng hoa xuất khẩu.
Nhưng ngặt nỗi do không có giống tốt, không nắm về bản quyền và công nghệ, thời gian qua người trồng hoa Đà Lạt phải liên kết, các đối tác nước ngoài cung cấp giống và kỹ thuật, nông dân chỉ trồng theo yêu cầu và bán ngay tại vườn. Hầu hết hoa xuất khẩu đều được thực hiện theo hình thức "gia công" này.
Như vậy, nếu tăng thêm lượng hoa xuất khẩu mà không tự chủ về giống cũng có nghĩa mở rộng diện tích trồng hoa gia công ở Đà Lạt.
"Công xưởng" trồng hoa phình ra, nhưng người trồng hoa không được hưởng lợi nhuận tương ứng.
Chưa hết, khi lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, Đà Lạt không thể đa dạng nguồn xuất khẩu khi thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.
Cần nhắc lại là phía nước ngoài khi nắm bản quyền về giống và công nghệ cũng đồng thời chi phối luôn cả thị trường xuất khẩu.
Lâm Đồng đang nỗ lực thay đổi tập quán sản xuất của người trồng hoa, bắt đầu từ thói quen sử dụng giống hoa có bản quyền.
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, vùng hoa Đà Lạt phải nhập hơn 50 triệu USD giống hoa/năm.
Trong hai năm 2018 - 2019, Lâm Đồng nhập gần 500.000 cây giống có bản quyền của 22 chủng loại rau hoa từ các nước như Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Đây là những đầu tư ban đầu, bước đi đầu tiên để tạo thói quen sử dụng giống có bản quyền của nông dân Đà Lạt, thúc đẩy người trồng hoa làm quen và tuân thủ luật chơi quốc tế.
Nhưng ngay lúc này cũng cần tính ngay tới việc phải làm chủ về công nghệ sản xuất giống, khép kín khâu trồng hoa từ giống đến thành phẩm.
Làm được việc này cần nhiều thời gian, nhưng đó là con đường ngắn nhất để người trồng hoa Đà Lạt chi phối được thị trường xuất khẩu thay vì phải đi làm thuê, làm gia công.
Cách nào để sớm làm chủ được công nghệ? Chuyên gia người Hà Lan Siebe Van Wijk - tổng giám đốc Công ty TNHH Fresh Studio Innovations Asia, người 15 năm trực tiếp làm việc với nông dân Đà Lạt - gợi ý một kinh nghiệm, đó là cơ quan chức năng cần tìm cách kéo các công ty sinh học uy tín trên thế giới lại gần với nông dân Đà Lạt, tạo điều kiện để họ hiểu nhau và tạo ra những bộ giống phù hợp.
Đây là kinh nghiệm mà Hà Lan đã áp dụng thành công, dù khởi điểm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Lan cũng không thuận lợi hơn Đà Lạt.
Đừng để Đà Lạt trở thành "công xưởng" trồng hoa, ở đó người trồng hoa chỉ đủ ăn hoặc khấm khá. Hãy tạo cơ hội để nông dân Đà Lạt làm chủ thị trường xuất khẩu hoa, làm giàu từ hoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận