“Công viên mini” của học sinh tại thôn Suối Máu, Hàm Tân, Bình Thuận - Ảnh: PHAN TUYẾT |
Có mặt tại khu vui chơi của bé, gọi là góc vận động hay “công viên mini”, chúng tôi thật sự bất ngờ và vô cùng thích thú bởi những món đồ chơi các cô làm không chỉ đẹp, tinh tế mà còn vô cùng phong phú.
Điều bất ngờ nữa là nguyên vật liệu làm nên những món đồ chơi này hoàn toàn từ đồ phế thải người ta bỏ đi. Các cô giáo đã đi xin, gom góp về để sáng tạo ra đồ chơi.
Đó là con đường từ những miếng gỗ nhỏ; cà kheo cho bé đi làm bằng hai hộp sữa, bên trong bỏ ximăng trộn cát và cột thêm hai sợi dây; xích đu làm bằng vỏ xe máy cũ; những chiếc vòng đẹp mắt để trẻ ném vào chai được bẻ bằng những cọng thép cũ dán giấy màu bên ngoài; chiếc thang dây được cưa ghép bằng những đoạn tre nhỏ...
Sau hiệu lệnh của cô giáo, 30 đứa trẻ ào ra “công viên mini” như bầy ong vỡ tổ. Các bé nhanh chóng chọn cho mình món đồ chơi thích nhất. Dù thế, chúng luôn biết nhường nhịn nhau.
Nhìn những khuôn mặt háo hức, những nụ cười tươi vui hớn hở của học sinh, các cô nhìn nhau hạnh phúc. Cô Lệ Minh nói: “Thông qua các hoạt động, trò chơi, chúng tôi rèn luyện cho các bé một số kỹ năng sống và tăng cường thể lực cho học sinh”.
Chẳng hạn, trò chơi con đường lắt léo, đi cà kheo rèn cho bé sự khéo léo trong vận động, biết xếp hàng chỗ đông người. Trò chơi với các túi cát sẽ luyện cho bé có đôi tay thêm rắn chắc, dạy bé biết san sẻ, yêu thương bạn bè...
Được hỏi: “Các cô dạy cả ngày vất vả như thế, làm đồ dùng dạy học vào lúc nào?”, cô Minh cười: “Còn lúc nào ngoài những buổi tối và thứ bảy, chủ nhật, một số ngày nghỉ lễ”. Cô nói một năm nhà trường cũng cung cấp một số đồ dùng dạy học, nhưng học sinh vẫn thích đồ chơi của các cô làm hơn, bởi vừa gần gũi, vừa đẹp, lại thực tế, và hằng tháng được các cô thay đổi một lần nên các em đỡ chán.
Anh Nguyễn Văn Long, trưởng thôn Suối Máu, bày tỏ: “Người tộc Rai ở đây cuộc sống còn nghèo khổ. Phần lớn họ đi làm nương rẫy suốt ngày, nhưng giao con cho giáo viên nơi này thì rất yên tâm, vì các cháu được chăm sóc và dạy dỗ rất tốt”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận