Chiều 10-12, Viettel Post tổ chức buổi workshop thông tin về lễ khai trương Công viên Logistics Viettel tại tỉnh Lạng Sơn vào sáng mai 11-12.
Đau xót khi nông sản gánh nhiều chi phí
Công viên Logistics Viettel rộng trên 143ha, tổng đầu tư gần 3.300 tỉ đồng, cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 5km, nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí nông sản...
Theo ông Hoàng Trung Thành - tổng giám đốc Viettel Post, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có yêu cầu khắt khe, thời gian đi cùng lợi nhuận.
Nếu vận chuyển trong thời tiết nắng nóng 35 - 40 độ C thì thời gian bảo quản giảm xuống, thông quan chậm sẽ giảm giá trị sản phẩm.
Qua thống kê, tổng thời gian chờ bến bãi rồi khai báo ở Việt Nam thường mất từ 2-3 ngày và sang Trung Quốc cũng 2-3 ngày, tổng cộng phải 4-5 ngày.
Ông chia sẻ rất đau xót khi nông sản Việt gánh quá nhiều chi phí.
Ví dụ, xe chở sầu riêng trồng từ Tây Nguyên hay Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị 2-3 tỉ đồng/xe hàng phải chịu chi phí logistics 70 - 100 triệu đồng/xe.
Xe chở thanh long, dưa hấu khi mất giá chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng/xe cũng gánh chi phí logistics tương tự.
"Chi phí logistics chúng ta đang bỏ ra rất lớn, do vậy Viettel rất muốn cùng các doanh nghiệp chung tay giải quyết vấn đề", ông nói.
Cũng theo ông, chi phí cất lấy hàng hóa ở Công viên Logistics Viettel giảm rất nhiều khi áp dụng công nghệ, robot, xe tự hành, quản lý vận tải, cổng thông minh, chẳng hạn chi phí lưu trữ giảm 30-40%.
“Công viên Logistics Viettel có thể xử lý thông quan đến 1.500 xe/ngày, góp phần nâng cao năng lực thông quan tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn gấp đôi so với hiện tại”, ông nói.
Drone giao hàng tự động
Sau Công viên Logistics Lạng Sơn, tổng công ty này dự tính có thêm các trung tâm logistics ở nơi có cửa khẩu đường bộ, vùng nuôi trồng, khu công nghiệp trọng điểm hoặc trung tâm giao dịch, phân phối nông sản ở Hà Nội, Hưng Yên…
Lãnh đạo Viettel Post tiết lộ thêm tổng công ty đang phối hợp với đối tác phía Trung Quốc để hợp tác công nghệ, tính toán phương án kinh doanh, thúc đẩy trung tâm triển lãm, giao dịch và livestream nông sản.
Công viên Logistics Lạng Sơn đã quy hoạch khoảng 8ha để làm ga đường sắt trong tương lai, hỗ trợ khi lượng hàng hóa tăng đột biến. Ngoài bến bãi, công viên còn có các khu ký túc xá, nhà hàng, hệ thống gara bảo dưỡng.
Còn ông Lê Tuấn Anh - phó tổng giám đốc Viettel Post - cho hay Công viên Logistics Viettel có cổng thông minh (smart gate) phân luồng xe, xử lý hình ảnh và nhận diện biển số xe, mã container, sinh trắc học tài xế bằng AI, tăng tốc độ xử lý phương tiện và thông quan hàng.
Còn khu xử lý hàng thương mại điện tử và hàng chuyển phát nhanh sử dụng robot tự hành (AGV). Đặc biệt, các drone giao hàng tự động cũng được áp dụng.
Đơn vị này sẽ phối hợp kết nối phần cứng, phần mềm giúp các lực lượng như biên phòng, hải quan, kiểm dịch kiểm soát thông tin, đảm bảo an ninh mạng, bí mật dữ liệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận