Công viên Lam Sơn phía trên ga ngầm Nhà hát TP (tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) ngày 25-4-2020 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cây trồng ở đây sẽ là loại cây bản địa của TP.HCM, có rễ cây ăn ngang để bảo đảm không ảnh hưởng đến hầm metro phía dưới.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, công viên Lam Sơn trước Nhà hát TP sẽ được thiết kế thành công viên văn hóa kết nối với không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và trục đường thương mại Lê Lợi kéo dài đến chợ Bến Thành.
"Sở được giao nhiệm vụ tái lập công viên Lam Sơn với quy mô diện tích tương đương trước đây (gần 2.200m2 - PV), chắc chắn sẽ đẹp hơn, thiết kế hoành tráng hơn công viên cũ", ông Nhã trao đổi.
Theo đó, công viên sẽ có những không gian trống, mở để sử dụng đa năng như triển lãm văn hóa, hình ảnh, đi dạo. Thiết kế sẽ giản đơn, mộc mạc, tránh tối đa những chi tiết rườm rà, rối mắt. Công viên sẽ không có những tượng đài cố định, chỉ có những phù điêu có thể di chuyển để tùy nghi bố trí không gian cho sự kiện. Cây trồng ở đây sẽ là loại cây bản địa của TP.HCM, có rễ cây ăn ngang để bảo đảm không ảnh hưởng đến hầm metro phía dưới.
Công viên Lam Sơn là điểm đầu của trục đường Lê Lợi, giao nhau với phố đi bộ Nguyễn Huệ tại khu vực đài phun nước, kéo dài dọc theo đường Lê Lợi kết nối với khu vực chợ Bến Thành hình thành một trục thương mại.
Tuy là điểm khởi đầu trục đường thương mại, do vị trí tách biệt so với phần chính (đường Lê Lợi), công viên Lam Sơn sẽ mang chủ đề công viên văn hóa, phù hợp với vị trí trước Nhà hát TP và quy mô khiêm tốn của không gian nơi đây.
Công trường Lam Sơn trước Nhà hát TP (ảnh chụp ngày 5-7-1992) - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Công viên Lam Sơn, bùng binh cây liễu ngày 21-7-2014, thời điểm bắt đầu thi công ga Nhà hát TP - Ảnh: Q.Đ.
Trục đường Lê Lợi trong tương lai sẽ là tuyến phố thương mại, dự kiến con đường này sẽ được mở rộng hai bên để có không gian dành cho người đi bộ, xe lưu thông ở giữa.
Theo ông Nhã, đây là một kết nối hài hòa giữa các không gian văn hóa, chính trị, thương mại ở khu vực trung tâm TP. Phố đi bộ Nguyễn Huệ chạy từ bờ sông Sài Gòn đến trước mặt tòa nhà trụ sở UBND TP có tượng đài Bác Hồ là không gian dành chủ yếu cho các hoạt động chính trị. Đường Lê Lợi trước Nhà hát TP là công viên Lam Sơn dành cho các hoạt động văn hóa. Trục Lê Lợi từ đài phun nước đến chợ Bến Thành sẽ là trục đường thương mại.
Đài phun nước tại ngã tư hai tuyến đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi vừa được xây dựng lại là điểm giao thoa giữa ba chủ điểm của khu trung tâm TP: chính trị - văn hóa - thương mại. Trước khi TP.HCM xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, nơi này được gọi dân dã là "bùng binh cây liễu".
Bùng binh cây liễu với hồ nước nhân tạo tròn xoay và đài phun nước hai tầng - giống như một đài hoa xinh xắn, được xây dựng khoảng năm 1942. Hàng cây liễu bao quanh hồ nước trở thành ký ức thân thương của bao thế hệ người Sài Gòn. Năm 2016, khi xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, bùng binh này không còn. Đến đầu năm 2019, đài phun nước hình tròn tại giao lộ này được xây dựng lại tạo thành một điểm nhấn thú vị cho những người Sài Gòn hoài cổ.
Ngoài việc kết nối trên mặt đất, công viên Lam Sơn trước Nhà hát TP còn là một điểm kết nối trong tổng thể không gian trên mặt đất và không gian ngầm khu vực này. Từ công viên, người dân có thể xuống nhà ga metro qua hai cửa hầm ở gần đó hoặc qua các tầng hầm của những công trình xung quanh.
Đón nhiều tin vui từ metro số 1
Tầng hầm B1 nơi có hệ thống thiết bị phòng phục vụ hành khách, sảnh đợi... đã hoàn thiện. Nếu đúng như kế hoạch, thời điểm này người dân có thể xuống ga Nhà hát TP tham quan để góp ý giúp cho TP có các điều chỉnh về tiện ích, thiết bị. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết sẽ tổ chức cho người dân tham quan vào thời điểm khác.
Ông Lê Thành Lê - chỉ huy trưởng công trường gói thầu CP1b - cho biết ga Nhà hát TP được thiết kế 4 tầng hầm, bắt đầu thi công từ tháng 7-2014. Ngoài tầng B1 đã cơ bản hoàn thành thì tầng B3 cũng đã làm xong. Tầng B2, B4 là sân ga cho tàu chạy, nhà thầu đang gấp rút lắp đặt thiết bị, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thiện. "Trong thời gian dịch Covid-19, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn từ nhân công đến cung cấp vật tư từ nước ngoài về. Đến thời điểm này, rất vui vì nhà thầu đã nỗ lực vượt tiến độ kế hoạch ban đầu", ông Lê nói.
Ông Takuzo Sato - giám đốc dự án gói thầu CP1b - cho hay nhà thầu rất vui khi hoàn thiện tầng B1 nhà ga trước thời điểm 30-4, một ngày lễ lớn của đất nước Việt Nam.
Theo ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP, thời gian qua dù đang dịch COVID-19 nhưng gần 2.600 kỹ sư, công nhân vẫn hối hả làm việc trên công trường. Tính đến nay toàn bộ dự án đã đạt 72% khối lượng công việc. Tuyến metro số 1 đã lộ rõ hình hài. Sắp tới đây, khi đoàn tàu được nhập về nước, người dân TP có thể nhìn thấy tàu chạy kiểm tra kỹ thuật ở đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về depot Long Bình (Q.9).
Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, đoàn tàu metro số 1 sản xuất tại Nhật Bản đã được kiểm tra kỹ thuật lần cuối và chờ xuống cảng chuyển về Việt Nam. "Khi tàu xuống cảng, khoảng 83 chuyên gia nước ngoài sẽ đi cùng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên các chuyên gia và tàu chưa thể tới Việt Nam" - ông Cường cho biết.
Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) đến nay đã hoàn thành, lắp đặt ray và các thiết bị chạy tàu. Các trạm biến áp tại Tân Cảng, Bình Thái đã được lắp đặt xong. Các nhà thầu đang tiếp tục thử nghiệm thiết bị chuẩn bị cho việc tiếp nhận nguồn điện chính thức từ lưới điện quốc gia để thử nghiệm hệ thống và vận hành kỹ thuật cho dự án.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), được khởi công từ tháng 8-2012 với tổng mức đầu tư 43.600 tỉ đồng. Dự kiến hết năm 2020, tổng tiến độ hoàn thành 85% và đưa metro vào khai thác cuối năm 2021.
ĐỨC PHÚ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận