Chiều 24-12 (giờ New York, Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng. Theo quy định tại điều 64 của công ước, lễ mở ký sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội trong năm 2025, do đó sẽ có tên gọi "Công ước Hà Nội".
Công ước Hà Nội: Hình mẫu cho các khuôn khổ tương lai về công nghệ số
Theo Bộ Ngoại giao, đây là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam, bởi lần đầu tiên một địa điểm của nước ta được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu cho một lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.
"Có thể nói đây là thành quả xứng đáng sau gần 5 năm Việt Nam cùng các quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác nỗ lực đàm phán không mệt mỏi", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định khi trả lời báo chí ngày 25-12.
Với tư cách là văn kiện đầu tiên về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc sau 20 năm, công ước này đã mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia với nhiều ý nghĩa quan trọng.
Đầu tiên, theo phó thủ tướng, Công ước Hà Nội sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầu tiên ở cấp độ toàn cầu cho không gian mạng, khẳng định yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng.
Nội dung công ước thể hiện cả quan điểm và lợi ích của nước phát triển lẫn đang phát triển như Việt Nam, vốn gặp bất lợi trong quản trị công nghệ toàn cầu.
Chính vì vậy, Công ước Hà Nội sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, công ước đã khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong điều phối nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tội phạm mạng, thể hiện rõ qua việc công ước đã được thông qua bằng đồng thuận.
"Sự ra đời của công ước có thể trở thành hình mẫu cho các khuôn khổ quốc tế trong tương lai về công nghệ số như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI)", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Niềm tin dành cho Việt Nam
Chia sẻ thêm, phó thủ tướng cho biết ngay từ đầu, Việt Nam đã quan tâm và ủng hộ khởi động đàm phán công ước, đồng thời kiên trì quan điểm thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế về không gian mạng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Xuyên suốt 8 kỳ họp của ủy ban chuyên trách, Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động và có những đóng góp thực chất cho nội dung công ước.
Có thể nói, với tinh thần thiện chí, xây dựng, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, Việt Nam được Liên hợp quốc và các quốc gia đối tác tin tưởng, đánh giá cao trong toàn bộ tiến trình.
"Vì vậy, khi đề xuất trở thành nước chủ nhà đăng cai lễ ký công ước lịch sử này trong năm 2025, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ tích cực, rộng rãi từ bạn bè quốc tế.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Công an, cơ quan chủ trì lễ ký công ước tích cực làm việc với Liên hợp quốc để tổ chức sự kiện quan trọng này", ông Bùi Thanh Sơn nói thêm.
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai lễ ký một công ước của Liên hợp quốc, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung.
Khi được hỏi về ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, phó thủ tướng nhận định việc Việt Nam chủ động đề xuất đăng cai lễ ký một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đồng thời, việc này cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đề cao luật pháp quốc tế, chủ trương chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Địa danh Hà Nội sẽ được nhiều người nhớ đến
"Với việc các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức lễ ký công ước, từ nay địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ 21", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện công ước, góp phần định hình khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu vì một tương lai số an toàn, hợp tác và bao trùm trong thời gian tới.
Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận