Hiện đã có 2 hãng luật Mỹ đệ đơn kiện tập thể đối với Kingold Jewelry - Ảnh: REUTERS
Tuyên bố đại diện nhà đầu tư, hai hãng luật Mỹ ngày 1-7 cùng đệ đơn kiện tập thể đối với Kingold Jewelry (công ty Trung Quốc có trụ sở ở Vũ Hán) làm giả 83 tấn vàng để vay trót lọt 2,8 tỉ USD.
Trong các thông cáo riêng rẽ, hãng luật Rosen và hãng luật Bragar Eagel & Squire (Mỹ) đều cho biết đã đệ đơn kiện tập thể đối với Kingold Jewelry.
Theo Rosen, đơn kiện của họ nhằm đòi bồi thường cho các nhà đầu tư của Kingold dựa trên luật chứng khoán liên bang Mỹ. Những cá nhân có thể đăng ký để Rosen đại diện là các nhà đầu tư vào Kingold từ ngày 15-3-2018 đến 28-6-2020.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức muốn làm nguyên đơn đứng đầu phải đăng ký trước ngày 31-8-2020. Nguyên đơn đứng đầu có vai trò đại diện những nguyên đơn khác trong tập thể thực hiện vụ kiện.
Trong khi đó, đơn kiện của Bragar Eagel & Squire đã được đệ lên Tòa án quận Đông New York (Mỹ) với các điều kiện tương tự như Rosen.
Kingold là một trong những nhà sản xuất trang sức vàng lớn nhất Trung Quốc, có trụ sở tại thành phố Vũ Hán và đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán điện tử NASDAQ của Mỹ.
Công ty này bị cáo buộc đã dùng 83 tấn vàng giả tự sản xuất để vay khoảng 2,8 tỉ USD từ 14 tổ chức tài chính tại Trung Quốc. Theo Caixin Global ngày 29-6, lượng vàng giả của Kingold thực chất là hợp kim đồng mạ vàng.
Kingold đã bị gạch tên khỏi sàn giao dịch vàng Thượng Hải.
Cũng trong ngày 29-6, cổ phiếu của Kingold đã giảm giá 0,27 USD/cổ phiếu, tương đương với 24% và chốt hạ ở mức 0,85 USD/cổ phiếu.
Phía Kingold đã bác bỏ việc dùng vàng giả để vay mượn các tổ chức như công ty ủy thác Dân sinh Trung Quốc, ngân hàng Hoài Phong, công ty ủy thác Đông Hoản và ngân hàng Trương Gia Khẩu.
Vụ việc được cho là đã vỡ lở từ đầu năm nay kể từ khi Kingold tuyên bố vỡ nợ với công ty ủy thác Đông Hoản. Phía Đông Hoản đã tá hỏa sau khi thanh lý tài sản thế chấp của Kingold và phát hiện các thỏi vàng là giả.
Đa số khoản vay của Kingold được cho là đổ vào bong bóng nhà ở của Trung Quốc, một số khoản đầu tư trong đó còn bị tin chắc không thể thành công.
Ngoài ra, Kingold đã mua lại Tri-Ring, một công ty sở hữu nhiều khu đất tại Vũ Hán và Thâm Quyến, bằng tiền vay mượn.
Sau vụ việc, giới quan sát đã bắt đầu đặt câu hỏi về việc liệu còn có những "khối" vàng của Trung Quốc thực chất là giả hay không.
Theo Small Caps, đây không phải vụ bê bối đầu tiên về vấn đề này tại Trung Quốc. Năm 2016, lượng vàng dùng để thế chấp cho 19 tổ chức tài chính tại tỉnh Thiểm Tây nước này cũng bị lật tẩy là vàng giả, với lõi là Vonfram.
Cổ đông đa số của Kingold là ông Jia Zhihong, một cựu quân nhân có thế lực tại Trung Quốc.
Ông Jia từng phục vụ trong quân ngũ tại Vũ Hán và Quảng Châu. Ông có thời quản lý các mỏ khai thác vàng cho quân đội Trung Quốc.
Kingold ban đầu là một nhà máy sản xuất vàng tại Vũ Hán, liên kết với ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Theo chuyên trang đầu tư Small Caps của Úc, các bình luận xoay quanh vụ việc đều cho rằng chính quan hệ của ông Jia với quân đội đã chống lưng cho Kingold.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận