Một công ty vận chuyển – tức shipping – tại Trung Quốc đã cho nhân viên đi vòng quanh các thành phố trong các bộ khung trợ lực chất đầy hàng hóa trên lưng, một cảnh tượng cực kỳ quen thuộc với cộng đồng game thủ đã từng chơi hay biết qua tựa game Death Stranding.
Được mệnh danh là game “mô phỏng đi bộ”, “shipping trá hình”, đây là một ứng nghiệm khác, trong rất nhiều lời tiên tri của “đấng” Hideo Kojima về những xu hướng xảy ra ngoài đời thực đã trước đó xuất hiện trong các game ông sáng tạo ra – bên cạnh sự giám sát công dân của nhà nước, tính tự động hóa ngày càng cao trong thực chiến.
Nhưng nếu còn lạ lẫm, Death Stranding là một game hậu tận thế lấy bối cảnh một nước Mỹ hoang tàn, chia cắt, một hiện thực dường như ít nhiều đã và đang xảy ra trong nhiều tháng qua giữa đại dịch covid-19. Người chơi có nhiệm vụ nối liền những mảnh ghép này lại, tìm ra câu trả lời để cứu thế giới khỏi thảm trạng, đồng thời gieo hy vọng một tương lai… tương đối sáng sủa hơn. Nhưng cốt truyện đan xen của game không chỉ dừng lại ở đây…
Trong tựa game Death Stranding, dường như đội ngũ của đấng Kojima và chính ông đã nhìn thấu vào bản chất rời rạc, xa cách của thế giới hiện đại, và nâng tầm nó lên tới mức cực đoan – cả lãng mạn hóa nữa.
Công ty giao thức ăn Ele.me, trực thuộc Alibaba, rõ là đang gắn các bộ khung trợ lực vào đội ngũ nhân viên giao hàng của mình, như tới… 70% những gì xảy ra trong Death Stranding. Chứng kiến điều này, rất nhiều fan cứng và mềm của Kojima đã hăng hái tham gia thảo luận trên mạng, cũng như khen ngợi “đấng”.
Dù vậy, dù Death Stranding đã truyền cảm hứng cho rất nhiều dân cosplay bởi thiết kế khoa học giả tưởng đặc trưng (thậm chí còn có dân cosplay mang vào các chức năng mới, liên quan tới đại dịch covid-19), ý tưởng sử dụng khung trợ lực để vận chuyển không phải hoàn toàn mới hay tiên trị gì đáng sợ cả.
Là một người Nhật, xứ sở cơ giới và máy móc hóa cực đoan, Kojima chắc chắn biết rõ cảm hứng của mình hơn ai hết. Chưa kể, Kōbō Abe mà Kojima chọn để lý giải chủ đề chính của tựa game, cũng đưa một tiền đề sâu sắc và cô đọng hơn nhiều: thứ đầu tiên con người tạo ra là cây gậy, như để tạo khoảng cách giữa họ với những gì nguy hiểm; nhưng món thứ hai con người phát minh ra là sợi dây, để giữ lại những thứ quan trọng, để kéo chúng lại gần hơn.
Dù vậy, cảnh tượng của công ty Ele.me hoàn toàn có thể là một chiêu trò PR. Và, vẫn là vấn đề “fan” tới đâu, fan chân chính của Kojima chắc hẳn không dám mong mọi điều ông tiên tri đều sẽ thành hiện thực. Bởi lẽ khi đó, thế giới mà chúng ta chẳng may lọt vào sẽ… cực kỳ bất ổn, u ám, và... rợn tóc gáy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận