Các học sinh ở Thượng Hải, Trung Quốc, được tiêm ngừa COVID-19 ngày 5-9 - Ảnh: REUTERS
Ngày 13-9, Hãng tin Bloomberg cho biết theo thỏa thuận, Công ty Providence của Canada sẽ cấp quyền sản xuất vắc xin sử dụng công nghệ mRNA cho Công ty Everest tại khu vực Trung Quốc và các nước khác như Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Trong 670 triệu USD mà công ty Trung Quốc phải trả bao gồm 100 triệu USD trả trước bằng tiền mặt, 100 triệu USD từ chia sẻ lợi nhuận, 300 triệu USD trả bằng cổ phiếu để phát triển sản phẩm sử dụng công nghệ mRNA…
Trung Quốc rất ít sử dụng vắc xin công nghệ mRNA và hầu hết người dân nước này (1,4 tỉ dân) được tiêm bằng vắc xin nội địa từ Công ty Sinopharm và Sinovac Biotech.
Trong một diễn biến khác, thỏa thuận của công ty dược Fosun mua vắc xin công nghệ mRNA từ Hãng dược BioNTech của Đức để tiêm trong nước đến nay vẫn chưa được chính quyền Trung Quốc chấp thuận. Điều này cho thấy việc đưa vắc xin công nghệ nào vào Trung Quốc không dễ dàng.
Ông Kerry Blanchard, giám đốc điều hành của Everest, cho biết nếu được thông qua, loại vắc xin mà công ty này mua lại công nghệ có thể sẽ được dùng để tiêm bổ sung tại Trung Quốc. Thỏa thuận với Providence có thể giúp vắc xin này được coi là "vắc xin Trung Quốc", một lợi thế so với việc Fosun chỉ sản xuất và phân phối vắc xin của BioNTech.
Ngoài ra, tại những nước mà Everest được cấp quyền, nhu cầu tiêm ngừa COVID-19 vẫn rất lớn. "Tôi nghĩ đó là một giả định hợp lý rằng phần lớn người trưởng thành sẽ cần tiêm bổ sung vào một thời điểm nào đó và người càng lớn tuổi thì miễn dịch sẽ càng giảm. Người ta sẽ cần ít nhất một liều bổ sung", ông Blanchard nói.
Tuy nhiên, ông Blanchard cho biết loại vắc xin công nghệ mRNA này chỉ mới hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1 ở Canada và dự kiến bắt đầu giai đoạn 3 vào đầu năm sau. Chưa rõ hiệu quả bảo vệ của vắc xin này như thế nào dù ông Blanchard cho rằng khả năng tạo miễn dịch của nó "bằng hoặc tốt hơn vắc xin của Pfizer và Moderna".
"Chúng tôi tin rằng vắc xin sản xuất nội địa là cách tiếp cận đúng và đó là cách chúng tôi sẽ theo đuổi. Tôi tin khả năng chuyển giao công nghệ hoàn toàn sang Trung Quốc là điều quan trọng", lãnh đạo của Everest nói.
Trong khi đó ở Trung Quốc, loại vắc xin công nghệ mRNA do Hãng dược Walvax Biotechnology phát triển đang thử nghiệm giai đoạn 3 và dự kiến công bố dữ liệu về hiệu quả vào cuối năm nay. Ngoài ra, Hãng dược Sinopharm cho biết đang phát triển vắc xin công nghệ này có khả năng chống lại các biến thể của virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận