Theo khảo sát, hiện nay, nhiều khách hàng vay tiêu dùng phải chịu lãi suất lên đến 50%, song số lượng không nhiều. Lãi suất cho vay trung bình của các công ty tài chính thường trên dưới 35%/năm.
"Khách hàng chi tiêu thẻ tín dụng của các ngân hàng thì lãi suất cho vay đã 35%/năm. Chúng tôi cho vay trên dưới 40%/năm - nếu so sánh về lãi vay tín chấp- rõ ràng không cao hơn nhiều so với ngân hàng", ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Huy động nguồn vốn FE Credit so sánh.
Trên thực tế, lãi suất cho vay tại các công ty tài chính hiện nay cũng đang phân hóa rất mạnh. Có những khách hàng vay vốn với lãi suất 25-40%, thậm chí 0%, song cũng có khách hàng phải vay với lãi suất 40-55%/năm.
Bà Vương Thủy Tiên, thành viên Hội đồng thành viên Công ty tài chính Home Cedit cho hay, lãi suất cho vay ở mức nào phụ thuộc rất lớn vào bản thân của từng khách hàng. Nếu khách hàng tốt, có lịch sử tín dụng tốt, chứng minh được nguồn thu nhập trả nợ, tỷ lệ trả trước khi mua trả góp cao… thì công ty tài chính sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi, cạnh tranh với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng đó có "điểm đen" tín dụng, không chứng minh được năng lực trả nợ… thì lãi suất cho vay sẽ bị tính ở mức cao.
Đây cũng là mức lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến tại châu Âu, Mỹ. Thậm chí, tại Mỹ, một số công ty còn cho vay "nóng" trong ngày hoặc vay với tài sản đảm bảo là giấy tờ xe với lãi 200-400%/năm. Tại Anh, một số khoản vay có dư nợ nhỏ, ngắn hạn thậm chí còn có mức lãi suất lên tới 500%/năm. Tất nhiên, không nhiều khách hàng bị áp dụng mức lãi suất cho vay này, song điều này cho thấy, hầu hết các nước đều áp lãi vay tiêu dùng dựa vào mức độ rủi ro.
Tại Việt Nam, số lượng khách hàng bị công ty tài chính áp lãi suất trên 50%/năm không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng khách hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận