Tôi là nhân viên công ty cổ phần BK... (ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Công ty BK... hiện tại đang nợ lương rất nhiều nhân viên từ 3-5 tháng lương. Các sếp chỉ hứa hẹn mà không có phương án giải quyết rõ ràng. Nay tôi xin quý báo tư vấn giúp tôi cách để đòi được lương!
Bạn đọc [email protected] gửi câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Đối với trường hợp người lao động bị công ty BK.. nợ lương đến 5 tháng.
Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương như sau: Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Trường hợp của các bạn tại công ty BK... có thể chọn các cách sau để bảo vệ quyền lợi mình:
- Gửi đơn yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty BK... yêu cầu giải quyết tiền lương.
- Gửi đơn khiếu nại đến chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội để được giải quyết.
- Gửi đơn đề nghị hòa giải viên lao động để giải quyết tranh chấp lao động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày chậm trả lương (bằng văn bản và kèm theo các hồ sơ tài liệu có liên quan) theo quy định tại khoản 1, điều 190 Bộ luật Lao động 2019.
- Hội đồng trọng tài lao động: Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết.
Theo điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019, cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua hòa giải viên lao động. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.
Thời hiệu yêu cầu: 9 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.
Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu tòa án giải quyết.
+ Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập.
+ Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
- Việc khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền: Theo quy định tại khoản 1, điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi hòa giải viên lao động, sau đó mới được khởi kiện tại tòa án. Căn cứ khoản 3, điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp là 1 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, việc khởi kiện tranh chấp lao động tại tòa án được thực hiện bằng văn bản và theo quy trình tố tụng dân sự.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận