16/12/2014 09:05 GMT+7

​Công ty Nga bán được nhiều vũ khí

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Trong bối cảnh doanh số bán vũ khí của Mỹ đang giảm thì doanh số của Nga tăng mạnh do nhu cầu trong nước.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trao đổi với ông Oleg Sienko (bìa phải), tổng giám đốc Tập đoàn quốc phòng Nga Uralvagonzavod, trong một cuộc triển lãm vũ khí tháng 9-2013 - Ảnh: AFP

Dù vậy, các công ty của phương Tây vẫn chiếm phần lớn thị trường vũ khí toàn cầu.

Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) hôm qua đã công bố báo cáo về tình hình mua bán vũ khí trên thế giới năm 2013. Báo cáo cho thấy thiết bị và dịch vụ của 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới đạt 402 tỉ USD năm ngoái, giảm 2% so với năm 2012.

Trong số này có 38 công ty đặt ở Mỹ, một công ty ở Canada và 30 công ty ở Tây Âu. Các công ty phương Tây chiếm đến 85% thị phần buôn bán vũ khí toàn cầu năm 2013.

Nhiều thách thức đối với Nga

Báo cáo cho biết doanh số của các công ty sản xuất vũ khí của Nga tiếp tục tăng lên bất chấp chi tiêu quốc phòng toàn cầu giảm xuống. AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI nói: “Việc các công ty của Nga tăng doanh số đáng kể trong cả năm 2012 và 2013 phần lớn là do sự đầu tư không ngừng nghỉ của Chính phủ Nga vào việc mua sắm khí tài trong suốt những năm 2000”.

Nói cách khác, chính nhu cầu trong nước cao đã đẩy doanh số của các công ty quốc phòng Nga tăng mạnh. Hiện Nga là nước chi tiêu cho quốc phòng lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Báo cáo hồi tháng 4 của SIPRI cũng nói Matxcơva đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu cho quân sự kể từ năm 2004. “Nga đang rất nghiêm túc trong việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của họ” - ông Wezeman nói. CNN Money nói Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch chi tới hơn 20.000 tỉ rúp (700 tỉ USD) hiện đại hóa vũ khí vào năm 2025.

Công ty Nga tăng hạng

So với năm 2012, doanh số các công ty Nga tăng 20% trong năm 2013.

Tập đoàn vũ khí lớn nhất Nga là Almaz Antei đứng ở vị trí 12 trong danh sách 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới năm ngoái, tăng từ vị trí 14 của năm 2012. Doanh số của Almaz Antei tăng 34%.

Nhưng công ty Nga có doanh số tăng mạnh nhất năm ngoái là Tập đoàn Tactical Missiles với con số 118%.

Giới quan sát cũng cho rằng xung đột ở Ukraine đã giúp Nga tăng doanh số bán vũ khí.

CNN Money dẫn lời giám đốc của nghiên cứu là ông Aude Fleurant nói: “Còn quá sớm để kết luận nhưng xung đột ở Ukraine dường như có tác động đến một số đơn hàng cụ thể, đặc biệt là đạn dược thông thường”. Matxcơva luôn lặp lại tuyên bố không liên quan đến tình hình ở Ukraine.

Tuy nhiên, theo Hãng tin DPA, ngành công nghiệp vũ khí của Nga cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc hiện đại hóa cơ sở sản xuất và nhân lực hay như các thách thức trong việc duy trì được chương trình quốc phòng lớn từ tàu ngầm hạt nhân đến máy bay chiến đấu.

Các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây gần đây đối với Nga cũng có thể gây tác động đến các công ty quốc phòng của Nga.

Phương Tây vẫn chiếm ưu thế

Mặc dù doanh số bị giảm nhưng các công ty Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu với sáu công ty trong top 10. Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đứng đầu với doanh số 35,5 tỉ USD, theo sau đó là tập đoàn đồng hương Boeing.

Các chuyên gia nói việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq cũng là một trong những lý do chính khiến doanh số bán vũ khí của các công ty Mỹ giảm 4,5%. SIPRI nói việc cắt giảm ngân sách của Washington cũng ảnh hưởng đến các công ty vũ khí của Mỹ.

Ít nhất bốn công ty của nước này đã rời khỏi danh sách các công ty quốc phòng lớn nhất thế giới năm 2012. Sự tụt giảm tương tự cũng diễn ra ở các nước thành viên NATO.

Thêm vào đó, nhiều gương mặt mới đang nổi lên được đưa vào báo cáo. Các công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Brazil và ngay cả Singapore hay Hàn Quốc giờ đây nằm trong nhóm 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.

Trang tin DW của Đức dẫn lời ông Aude Fleurant nhận định: “Trước tiên, hẳn phải có lý do chính trị trong việc tạo dựng năng lực khí tài trong nước. Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ hay Hàn Quốc đều lập ra những chính sách cụ thể để phát triển năng lực sản xuất vũ khí nội địa”.

Trung Quốc đã vắng mặt trong danh sách các nước có công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của SIPRI. Đó không phải là vì năng lực của Trung Quốc không đủ mà theo SIPRI là do Bắc Kinh không cung cấp các số liệu đáng tin cậy về ngành vũ khí nội địa.

Về chi tiêu cho quốc phòng, Trung Quốc đứng thứ hai  thế giới sau Mỹ. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc là nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới và nếu được tính thì ít nhất chín công ty Trung Quốc sẽ lọt vào top 100.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục