Công ty có vốn 500 tỉ đồng
Trước đề xuất của Công ty CP An Viên B.P, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Bình Phước, các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Trường hợp có nội dung mâu thuẫn giữa 2 quy hoạch thì đề xuất phương án xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng.
Phó thủ tướng cũng giao Công ty CP An Viên B.P chủ động làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để được hướng dẫn về thủ tục cấp phép khai thác bô xít và chế biến alumin theo quy định.
Công ty CP An Viên B.P được thành lập vào tháng 12-2008, có trụ sở chính tại số 632 quốc lộ 14, khu phố Phú Tân, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Ngoài ra công ty này cũng có văn phòng đại diện tại phố Hồ Xuân Hương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Người đại diện pháp luật, đồng thời đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc công ty hiện nay là ông Phan Thành Nam, sinh năm 1977, thường trú tại Hà Nội.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đến ngày 4-5-2024 Công ty CP An Viên B.P đã đổi tên thành Công ty CP khai tuyển quặng Bình Phước, tuy nhiên người đại diện pháp luật và cổ đông góp vốn vào công ty không đổi.
Lo ngại dự án kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người dân
Liên quan đến đề xuất khai thác bô xít tại tỉnh Bình Phước, thời gian qua UBND tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương có cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho địa phương liên quan đến việc quy hoạch các mỏ bô xít trên địa bàn với diện tích rộng, thời gian triển khai lâu, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo quy hoạch, giai đoạn từ nay đến 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 2 dự án thăm dò, khai thác bô xít.
Đó là mỏ bô xít Thống Nhất quy mô khai thác 34.132ha tại các huyện Bù Đăng, Đồng Phú và Bù Gia Mập.
Mỏ Thọ Sơn cũng có diện tích khai thác rộng lớn, bao gồm: 15.890ha tại huyện Bù Đăng, 15.115,4ha tại khu vực Nghĩa Hòa và 10.820ha tại khu vực sóc Bom Bo.
Trước khi Công ty CP An Viên B.P đề xuất khai thác bô xít và chế biến alumin tại Bình Phước, tại khu vực Tây Nguyên đã có 2 dự án khai thác bô xít và chế biến alumin quy mô lớn đã được triển khai.
Đó là Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) có vốn đầu tư ban đầu khoảng 12.000 tỉ đồng và dự án Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) vốn đầu tư ban đầu khoảng 11.300 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận