Kiến nghị trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến của các bộ ngành tại buổi họp ngày 14-3 về căn cứ, cơ sở pháp lý ban hành nghị quyết của Chính phủ về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty Metro số 1.
Công ty Metro số 1 đứng trước nguy cơ ngưng hoạt động
Theo UBND TP, việc giải quyết kinh phí đảm bảo hoạt động cho Công ty Metro số 1 hiện nay rất cấp bách. Từ tháng 8-2021, công ty đã sử dụng hết kinh phí tạm ứng từ nguồn vốn điều lệ ban đầu là 14 tỉ đồng.
Từ đó đến nay, người lao động công ty vẫn chưa được thanh toán lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội, tổng các khoản nợ tính đến nay khoảng 6,7 tỉ đồng. Số người lao động nghỉ việc từ tháng 8-2021 là 21/36 người. Trong khi, số nhân sự cần tuyển dụng để vận hành, bảo trì metro số 1 vào cuối năm 2023 là 706 người.
Các nhà thầu xây lắp metro số 1 có khả năng sẽ khiếu kiện chủ đầu tư do không cung cấp được nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo hợp đồng. Do không có kinh phí để trả các khoản điện, nước, viễn thông, dịch vụ bảo vệ… nên công ty phải ngừng sử dụng trụ sở tạm do TP bố trí và phải sử dụng tạm phòng họp của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP để duy trì nơi làm việc.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các cấp sớm xem xét giải quyết kinh phí cho công ty để không ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho vận hành, khai thác metro số 1.
Chậm kinh phí sẽ ảnh hưởng kế hoạch vận hành metro số 1
Công ty Metro số 1 là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND TP làm chủ sở hữu. Theo đề án thành lập được Thủ tướng chấp thuận, giai đoạn 2015-2017, công ty chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho quản lý vận hành, bảo dưỡng metro số 1 khi hoàn thành. TP sẽ bố trí ngân sách cho công ty để đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ (ngoài các nguồn tài trợ - nếu có).
Từ năm 2018 trở đi, công ty quản lý vận hành khai thác dự án metro số 1.
Về khó khăn vướng mắc, UBND TP cho biết vào thời điểm lập, trình hồ sơ thành lập công ty, metro số 1 có thời gian hoàn thành vào năm 2018. Nhưng thời gian thực hiện dự án kéo dài và mới đây Thủ tướng đã ban hành quyết định điều chỉnh hoàn thành vào cuối quý 4-2023.
Ngoài ra, do các quy định pháp luật thay đổi kể từ khi có Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và nghị định 91/2015 đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, TP.HCM không thể bố trí vốn từ ngân sách cho công ty ở giai đoạn chuẩn bị vận hành metro số 1 theo như đề án thành lập.
Để công ty không phải dừng hoạt động và đảm bảo tốt công tác chuẩn bị vận hành, khai thác metro số 1, UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty (268 tỉ đồng - PV).
Trường hợp việc trình Chính phủ ban hành nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ có phát sinh khó khăn, vướng mắc, TP kiến nghị Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh một số nội dung liên quan về việc thành lập công ty.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận