Trong vụ chạy án của tướng Đỗ Hữu Ca, hàng loạt công ty "ma" tại Quảng Ninh và Hải Phòng do Trương Xuân Đước thành lập đã biến mất một cách bí ẩn khi vụ án được khởi tố là một trong những ví dụ điển hình về các công ty "ma".
Theo các chuyên gia, thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng nhưng khâu hậu kiểm buông lỏng, cùng với sự tiếp tay của cán bộ quản lý các cơ quan liên quan đã giúp nhiều đối tượng có cơ hội thành lập công ty "ma".
Lập công ty 'ma' để chiếm đoạt tiền thuế
Trong quá trình điều tra vụ án "mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", Công an tỉnh Quảng Ninh xác định Trương Xuân Đước cùng một số người khác thành lập các công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều địa điểm ở Quảng Ninh và Hải Phòng, những nơi Trương Xuân Đước chọn làm địa chỉ thành lập các công ty, khi đến thực tế đều thấy không có bất kỳ hoạt động nào từ biển hiệu cũng như nhân viên làm việc.
Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp, cho biết công ty "ma" - được hiểu là chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có hoạt động kinh doanh - được lập ra để gian lận thuế, mua bán hóa đơn VAT...
Hệ quả không chỉ làm thất thoát ngân sách nhà nước mà còn gây ảnh hưởng xấu, tạo sự bất bình đẳng với doanh nghiệp làm ăn chân chính.
"Thủ tục thành lập doanh nghiệp vô cùng thông thoáng, đơn giản, dễ dàng và chi phí thấp... Tuy nhiên, cơ chế hậu kiểm của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp sau khi thành lập xem hoạt động, sản xuất kinh doanh ra sao, sức khỏe doanh nghiệp thế nào lại chưa thật hiệu quả, thực chất.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đối tượng lợi dụng để thành lập các công ty "ma" nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT", ông Phụng nói.
Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho hay chi phí để thuê dịch vụ làm thủ tục thành lập một doanh nghiệp cũng khá rẻ, dao động chỉ từ 1,5 - 3,5 triệu đồng, tùy nơi. Chỉ sau ba ngày là xong. Hiện thủ tục đăng ký hóa đơn cũng rất nhanh.
Không chỉ thế, một người có thể mở được nhiều doanh nghiệp. Chị N.V.L., nhân viên tư vấn về thành lập doanh nghiệp của một công ty luật ở Hà Nội, cho biết nhiều trường hợp vợ làm giám đốc doanh nghiệp còn chồng làm nhân viên và ngược lại. Chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng là mở được doanh nghiệp và trở thành giám đốc ngay.
Có gia đình, ai cũng làm giám đốc. Anh V.V.D., phó giám đốc một công ty tư vấn về pháp lý doanh nghiệp tại Hà Nội, cho biết vừa tư vấn thủ tục mở công ty trách nhiệm hữu hạn cho một khách hàng. Ông này đã gần 70 tuổi, được con đưa đi làm thủ tục.
"Ông làm giám đốc, còn bà và con trai, con dâu là nhân viên. Hiện tại con trai và con dâu của ông cũng đang làm giám đốc của hai doanh nghiệp khác", anh V.V.D. kể.
Có trường hợp còn thuê xe ôm, giúp việc, lái xe làm giám đốc để mua bán trái phép hóa đơn VAT. Được gắn mác to như vậy nhưng thực chất các giám đốc được thuê tại các công ty "ma" chỉ đóng vai trò bù nhìn, đến tháng nhận lương mà hoàn toàn không ý thức được hành vi tiếp tay gian lận thuế của mình.
Theo các chuyên gia về thuế, không chỉ thành lập doanh nghiệp "ma" mà thời gian qua có tình trạng mua lại pháp nhân rồi biến pháp nhân này thành công ty "ma" để mua bán hóa đơn VAT. Có trường hợp sử dụng căn cước công dân của người khác, giả chữ ký giám đốc để quản lý hồ sơ pháp nhân, con dấu công ty.
Trên các diễn đàn về kế toán có thể gặp không ít lời rao về việc cần mua lại các doanh nghiệp "xác chết", công ty "ngắc ngoải". Mà mua xong người mua có dùng vào mục đích bất hợp pháp thì không ai biết được.
"Mảnh đất màu mỡ" không được giám sát
Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, cho biết theo quy định hiện hành, pháp luật không hạn chế số lượng công ty mà một người có thể làm giám đốc nếu họ không thuộc trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhưng mấu chốt chính là mục đích thành lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh nghiêm túc, theo đúng pháp luật hay để mua bán hóa đơn, trốn thuế... "Do đó, cơ quan chức năng cần có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh", ông Đức kiến nghị.
TS Nguyễn Ngọc Tú, nguyên tổng biên tập tạp chí Thuế, cũng thừa nhận tình trạng này khi cho rằng việc cấp phép thành lập doanh nghiệp rất mở nhưng sau đó lại không quản lý. Nói cách khác, Sở KH-ĐT chỉ cấp phép thành lập doanh nghiệp, trong khi cơ quan thuế chỉ quản lý mã số thuế, hóa đơn.
Bên cạnh đó, do số lượng doanh nghiệp khá lớn, với 860.000 doanh nghiệp, trong khi lực lượng thanh tra kiểm tra của cơ quan thuế khá mỏng, lại chưa có chức năng điều tra, khởi tố... dẫn đến việc quản lý hậu thành lập doanh nghiệp gần như bị buông lỏng. Thời gian qua hầu hết các đường dây công ty "ma", lập ra để mua bán hóa đơn do cơ quan công an phát hiện.
Chưa kể số vụ bị phát hiện rất ít so với số vụ vi phạm, do vậy nhiều đối tượng vẫn tận dụng kẽ hở để chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Từ những vụ việc trên, theo ông Tú, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng nên rà soát và sửa đổi về Luật thuế VAT và nên xem lại chính sách hoàn thuế.
"Mục tiêu cuối cùng của việc thành lập các doanh nghiệp "ma", các đường dây mua bán hóa đơn đó là chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Mỗi năm số tiền hoàn thuế VAT lên đến 100.000 - 150.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 10% thu ngân sách cả nước trong một năm nhưng chính sách thuế VAT lại có rất nhiều kẽ hở, nhất là ở khâu hoàn thuế dẫn đến nhiều đối tượng làm ăn phi pháp xem đây là mảnh đất màu mỡ để khai thác trong bao nhiêu năm qua", ông Tú nói.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng chính sách quản lý hóa đơn đã có rất nhiều thay đổi, từ hóa đơn quyển mua của cơ quan thuế đến hóa đơn tự in, đặt in, rồi hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế...
Tuy nhiên, đối tượng phạm tội cũng thiên biến vạn hóa, thậm chí xây dựng cả hệ sinh thái trải dài nhiều quận, nhiều tỉnh thành để mua bán lòng vòng nhằm hợp thức hóa đầu vào - đầu ra để qua mặt cơ quan thuế mà câu chuyện ThuDucHouse mới đây là một ví dụ.
"Với hóa đơn điện tử, cơ quan thuế dễ dàng truy lại các hóa đơn đầu vào - đầu ra, nhưng từ những vụ gian lận hoàn thuế VAT gần đây cho thấy hóa đơn là thật nhưng giao dịch giả vì trên thực tế không có mua bán hàng hóa.
"Qua đây có thể thấy rằng bên cạnh áp dụng nguyên tắc "doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm" như lâu nay, cơ quan thuế cũng cần lập một đội chuyên nghiệp để rà soát những đường dây mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của Nhà nước", ông Sơn đề nghị.
Cần tăng cường hậu kiểm
Trong năm 2023, Cục thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết sẽ tiếp tục trình Bộ Tài chính có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký doanh nghiệp nhằm chống việc mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép, trục lợi tiền hoàn thuế VAT.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp thay đổi người đại diện; hồ sơ tạm ngừng, nghỉ kinh doanh; hồ sơ liên quan đến tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong dữ liệu lịch sử, cần có cơ chế giám sát khi cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Luật thuế VAT ban hành đến nay đã hơn 20 năm, bối cảnh đã rất khác thời điểm ban hành nên đã đến lúc đặt vấn đề về sửa đổi Luật thuế VAT, thậm chí phải gấp rút sửa đổi vì nếu không thất thoát sẽ rất lớn.
Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng đề xuất nên bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của cá nhân với doanh nghiệp do cá nhân lập ra. Đây là vấn đề cơ bản nhất sẽ hạn chế được tình trạng mở công ty ra để mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế.
Mặt khác, rất cần thiết bổ sung cho cơ quan thuế chức năng điều tra về thuế để xử lý và ngăn chặn kịp thời trường hợp gian lận trốn thuế, lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn bất hợp pháp...
Bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đề nghị các ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, cơ quan thuế cũng cần tăng cường công tác hậu kiểm, giám sát hóa đơn chứng từ đầu ra, đầu vào nếu có nghi vấn tiến hành kiểm tra xác định hành vi của các đối tượng, xem xét trụ sở, địa điểm kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp.
Hóa đơn điện tử cũng bị làm giả
Tại cuộc làm việc về công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 vừa được tổ chức hôm 22-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã xuất hiện tình trạng làm giả hóa đơn điện tử.
Trong thực tế, hóa đơn điện tử nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, có doanh nghiệp giao dịch xong, phát hành hóa đơn điện tử thì dừng hoạt động hoặc bỏ trốn ngay.
Do đó, theo các chuyên gia, cơ quan thuế cần xây dựng các bài toán để cảnh báo, nhận diện trường hợp gian lận.
Ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng bất kỳ hình thức nào, hóa đơn điện tử hay giấy đều có gian lận. Nhưng hóa đơn điện tử sẽ lưu vết trên hệ thống. Cơ quan thuế sẽ có biện pháp quản lý rủi ro, sẽ sử dụng các biện pháp phân tích dữ liệu lớn, phân tích xu thế, sử dụng trí tuệ nhân tạo... để phát hiện nhanh và xử lý triệt để vấn đề gian lận hóa đơn.
Mua doanh nghiệp "chết" để mua bán hóa đơn
TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án mua bán trái phép hóa đơn với trị giá lên đến 775 tỉ đồng. Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Hào (sinh năm 1983, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cầm đầu nhóm đường dây mua bán trái phép hóa đơn từ năm 2020.
Bị cáo và anh trai là Nguyễn Văn Hồng mua lại 12 doanh nghiệp với giá từ 19 - 25 triệu đồng/công ty và biến các pháp nhân này thành công ty "ma" để mua bán hóa đơn VAT bất hợp pháp. Chỉ chưa đầy hai năm, Hào đã dùng 12 pháp nhân này để mua bán trái phép hơn 2.400 tờ hóa đơn. Hào hưởng lợi 2 - 4%, tương đương 22 tỉ đồng.
Cục Thuế TP Hà Nội thông tin trong năm 2022 đã rà soát, xử lý 107 doanh nghiệp sử dụng bất hợp pháp hóa đơn với số lượng hóa đơn là 379. Giá trị tiền hàng là hơn 180 tỉ đồng, tiền thuế 18 tỉ đồng. Tổng số thuế truy thu và phạt là 27,2 tỉ đồng.
Cơ quan này cũng phối hợp chuyển thông tin sang cơ quan công an 191 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro trong sử dụng hóa đơn với tổng số 2.289 số hóa đơn có giá trị mua vào 1.305 tỉ đồng, thuế VAT mua vào 130 tỉ đồng.
Có sự tiếp tay của cán bộ thuế
Trong vụ Thuduc House trước đó, Cục Thuế TP.HCM xác định Thuduc House và công ty con là Thuduc House Wood Trading đã liên kết với Công ty TNHH thương mại - xây dựng ALP để lập ra các hợp đồng giả tạo, nhằm mục đích che giấu giao dịch xuất khẩu giữa ALP với phía nước ngoài.
Mục đích của việc này là nhằm trục lợi số tiền hoàn thuế VAT của Nhà nước, có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Cục Thuế TP.HCM ban hành quyết định truy thu 396,5 tỉ đồng, bao gồm tiền hoàn thuế VAT và tiền chậm nộp đối với Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House). Trong các vụ án này, không thể thiếu bóng dáng các cán bộ của cơ quan quản lý liên quan.
Chẳng hạn, trong 34 bị can của vụ Thuduc House, có 3 bị can là cán bộ các chi cục thuế tại TP.HCM bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ, gồm: Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3) và Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5).
Theo kết luận điều tra, các bị can này đã nhận tiền và tiếp tay cho một số đối tượng trong đường dây lập, sử dụng 17 công ty "ma" để xuất hóa đơn VAT khống nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận