Phóng to |
Trường mầm non Tiên Sa đang được chính quyền quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) đề nghị chuyển đổi mô hình từ công lập sang tư thục - Ảnh: Đoàn Cường |
Mặc dù Nhà nước không có chủ trương cho phép chuyển đổi trường mầm non từ công lập sang tư thục, thế nhưng các cơ quan liên quan ở TP Đà Nẵng vẫn âm thầm “bật đèn xanh” để Công ty CP Lương thực Đà Nẵng lần lượt tư thục hóa trường mầm non này đến trường mầm non khác, khiến việc dạy và học liên tục bị xáo trộn.
Liên tiếp “xã hội hóa” trường công
Chiều 6-12, toàn bộ tập thể lãnh đạo, giáo viên (gồm 39 người) của Trường mầm non Tiên Sa đều tỏ ra bất ngờ khi nghe tin từ lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu thông báo việc Công ty CP Lương thực Đà Nẵng sẽ tham gia đầu tư vào trường. Cô Đỗ Thị Kim Hà, chủ tịch công đoàn, bức xúc: “Nhà trường đang hoạt động ổn định chứ có hư hỏng, xuống cấp gì đâu mà phải xã hội hóa”.
Phải hết sức thận trọng Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Anh - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết TP chưa nhận được công văn đề xuất nào từ Q.Hải Châu về việc chuyển đổi mô hình đối với Trường mầm non Tiên Sa. “Quan điểm của tôi là hết sức thận trọng vì đụng chạm đến nhiều người, trong đó có quyền lợi của rất nhiều phụ huynh học sinh cũng như đội ngũ giáo viên” - ông Anh nói. |
Còn cô Cái Thị Nhuận, hiệu trưởng trường, cho rằng: “Mấy hôm nay nghe tin chuyển đổi mô hình hoạt động của trường đã khiến cán bộ, giáo viên hết sức lo lắng. Việc chuyển đổi, xã hội hóa này không những làm đảo lộn trong đội ngũ cán bộ - giáo viên mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm học sinh, phụ huynh trong địa phương. Đó là một việc làm không nên có”.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trước đó, ông Phạm Tấn Củng - tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Đà Nẵng - có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng và Q.Hải Châu xin “góp sức lực và tài lực cho chương trình xã hội hóa giáo dục” bằng việc “được phép tham gia đầu tư Trường mầm non Tiên Sa”, sau khi biết chính quyền Đà Nẵng đang triển khai chương trình xã hội hóa giáo dục đối với một số trường mầm non trên địa bàn quận. Ngày 26-11, Quận ủy Hải Châu đã có văn bản gửi UBND Q.Hải Châu thông báo chủ trương về việc thống nhất để Công ty CP Lương thực Đà Nẵng được phép xã hội hóa Trường mầm non Tiên Sa.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, mà trước đó năm 2012 UBND Q.Hải Châu đã cho phép xã hội hóa Trường mầm non công lập 29-3 (143/14 đường Nguyễn Chí Thanh) và đơn vị tham gia không ai khác chính là Công ty CP Lương thực Đà Nẵng. Tháng 8-2013, Q.Hải Châu có quyết định chuyển đổi Trường mầm non 29-3 từ loại hình công lập sang tư thục. Lập tức, hàng trăm cán bộ, giáo viên lẫn phụ huynh của trường này đã kịch liệt phản đối. Giáo viên (thuộc diện biên chế) chưa biết đi về đâu, còn phụ huynh thì “méo mặt” vì tiền học... tăng lên gấp đôi (2,5 triệu đồng/tháng/học sinh) so với trước đó. Sự việc căng thẳng đến mức lãnh đạo TP Đà Nẵng phải can thiệp, giải hòa bằng cách chuyển một số cán bộ trong diện biên chế về các trường công lập lân cận, trong đó có Trường mầm non Tiên Sa.
Làm theo quy định nào?
Giải thích lý do chuyển đổi Trường mầm non Tiên Sa từ công lập sang tư thục, ông Lê Anh - chủ tịch UBND Q.Hải Châu - cho hay hiện nay cơ sở Trường mầm non công lập Tiên Sa đã hư hỏng, xuống cấp. Nhà nước lại không đủ nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nên UBND quận mới có chủ trương đồng ý cho Công ty CP Lương thực Đà Nẵng đầu tư xã hội hóa để có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại hơn. Hiện công ty chưa làm đề án đầu tư xây dựng, khi nào có đề án thì UBND quận mới trình UBND TP phê duyệt.
Theo thông tư số 11 ngày 8-5-2009 của Bộ GD-ĐT (quy định về trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non phổ thông bán công, dân lập sang tư thục) thì việc chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non sang tư thục chỉ tiến hành đối với các loại hình bán công và dân lập mà hoàn toàn không nói đến việc cho phép chuyển đổi hệ mầm non từ mô hình công lập sang tư thục. Không những thế, việc chuyển đổi hệ mầm non từ bán công, dân lập sang tư thục (nếu có) đều phải trình qua HĐND cùng cấp mới được phép chuyển đổi.
Thế nhưng trên thực tế, việc xã hội hóa đối với hai trường mầm non ở Đà Nẵng đều rơi vào trường công lập - những cơ sở giáo dục đang rất có uy tín trên địa bàn. Bà Phan Thị Thuận Nhi, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, phản ứng gay gắt: “Nhiều năm làm công tác quản lý, tôi chưa thấy địa phương nào trong cả nước cho phép đầu tư xã hội hóa trường mầm non công lập sang loại hình trường tư thục”.
Ông Lê Trung Chinh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho rằng về phân cấp Sở GD-ĐT không quản lý hệ mầm non. Tuy nhiên quan điểm của sở là tất cả phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước, không nên chuyển đổi các trường mầm non từ công lập sang tư thục. Hiện các trường mầm non công lập ở Đà Nẵng đang rất tốt cả về dạy chuyên môn lẫn cơ sở vật chất. Nếu muốn xã hội hóa thì nhà đầu tư nên tìm các khu đất còn trống rồi xây trường chất lượng cao thu hút học sinh, như vậy sở ủng hộ ngay. Ngoài ra, hiện chưa có hướng dẫn nào trong việc chuyển đổi các trường công sang tư nên không biết giải quyết như thế nào đối với người lao động khi chuyển đổi mô hình.
Chỉ hơn 40 triệu đồng thuê đất mỗi năm Theo hợp đồng thuê đất được ký giữa Công ty CP Lương thực Đà Nẵng với UBND TP Đà Nẵng đối với Trường mầm non 29-3 (rộng 809m2, tại địa chỉ K143/14 Nguyễn Chí Thanh, P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu), đơn giá thuê là 52.920 đồng/m2/năm, thời gian thuê đất là 49 năm. Tính ra mỗi năm Công ty CP Lương thực Đà Nẵng chỉ trả cho Nhà nước chưa đầy 43 triệu đồng tiền thuê đất. Tiền thân của Công ty CP Lương thực Đà Nẵng (đóng tại tầng 16 tòa nhà 02 Quang Trung, TP Đà Nẵng) là Công ty Lương thực Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập năm 1992. Năm 2000, công ty này đổi tên thành Công ty Lương thực Đà Nẵng với chức năng, nhiệm vụ quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh các đơn vị trên địa bàn TP Đà Nẵng. Năm 2004, Bộ NN&PTNT có quyết định về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước Công ty Lương thực Đà Nẵng thành Công ty CP Lương thực Đà Nẵng, trên cơ sở sáp nhập Công ty Lương thực Quảng Ngãi vào Công ty Lương thực Đà Nẵng với tổng vốn điều lệ 50 tỉ đồng. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này có tổng cộng 18 ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó có ngành nghề giáo dục mầm non (đăng ký bổ sung lần thứ 17 vào cuối năm 2010). Chiều 8-12, Tuổi Trẻ đã tìm cách liên lạc với ông Phạm Tấn Củng - tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Đà Nẵng, tuy nhiên ông Củng từ chối trả lời với lý do đang đi ra khỏi thành phố. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận