Nghị quyết nằm trên giấy
Mặc dù nghị quyết của Hội đồng Xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam yêu cầu các công ty XSKT thành viên phải thu hồi vé số bán thừa. Nhiều lãnh đạo công ty XSKT ở miền Tây cũng khẳng định đã làm quyết liệt, có văn bản gửi các đại lý và thường xuyên nhắc nhỡ các đại lý nhận vé số ế từ người bán dạo.
Nhưng thực tế trái ngược, nghị quyết chỉ nằm trên giấy. Một đại lý vé số cho biết trước đây tỉ lệ tiêu thụ vé số của nhiều công ty cũng chừng 50%, công ty nào vươn lên 70 - 80% là quá hay. Vậy mà bây giờ, tỉ lệ tiêu thụ vé số của 21 công ty XSKT miền Nam gần như đạt đỉnh 100%.
Một đại lý vé số tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ cho rằng một số công ty xổ số có tỉ lệ tiêu thụ hơn 99%, nhưng thực tế con số này chỉ 80% vé số là được người chơi vé số mua. Số còn lại do người bán dạo, đại lý cấp 2 và 3 "ôm" lại dò lúc ế khách.
Người bán dạo không dám trả vé ế vì lỡ trả, đại lý nhận nhưng hôm sau họ sẽ cắt vé, đồng nghĩa với mất thu nhập.
"Đại lý cấp 2 không dám trả đại lý cấp 1, vì sợ cắt vé cho đại lý khác. Còn đại lý cấp 1 với công ty xổ số cũng vậy. Ai cũng "thủ", cho nên theo hệ thống từ trên xuống bán không hết thì tự xử lý nên người bán dạo sẽ còn khổ dài dài", đại lý này phân tích.
Tràn xuống đường, đủ kiểu chèo kéo
Do áp lực không cho trả vé số ế nên người bán vé số dạo ở miền Tây tìm mọi cách để bán hết vé số, trong đó có việc tràn xuống lòng đường đứng bán, nhất là tại các ngã tư đèn đỏ, gây mất an toàn giao thông.
Tại quận Ninh Kiều, cứ khoảng hơn 3h chiều trên đường 30-4 (gần Trường Đại học Cần Thơ) kéo dài đến qua cầu Đầu Sấu, Đường 3-2 luôn có hàng chục người bán vé số xuống lòng đường chào mời người mua vé số.
Thậm chí có người lớn tuổi bắt ghế ngồi dưới lòng đường để người qua lại dễ thấy mà mua ủng hộ.
Tình trạng này cũng diễn ra ở Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau…
Tại Sóc Trăng, từ sáng đã có nhiều người để bàn vé số dưới lòng đường Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng. Càng về chiều, số người bán vé số tụ tập càng đông.
Chưa đầy 1km (đoạn từ vòng xoay Trần Hưng Đạo đến Bưu Điện), nhưng có tới hàng chục người bán vé số dạo. Hôm nào không có lực lượng chức năng tuần tra, người bán vé số tràn xuống lòng, người mua vô tư dừng xe giữa đường, rất mất an toàn giao thông và mỹ quan.
Chị Mỹ Thuận (TP Sóc Trăng) cho biết rất thông cảm với người bán vé số, vì cuộc sống mưu sinh, áp lực không cho trả lại vé ế, nhưng việc tràn xuống lòng đường, khu vực chờ đèn đỏ… để bán vé số rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Anh Tuấn Kiệt (TP Cà Mau) cho biết đôi khi "bực mình" với cách mời mua vé số của một số người đi bán dạo. "Tui thấy bà con đi bán cực khổ rất thương cảm, thường mua ủng hộ người già. Nhưng cách mời chào quá nhiệt tình đôi khi không hay lắm. Có hôm tui ngồi ăn dĩa cơm ở quán, phải lắc đầu từ chối mua ít nhất 10 lần, ăn mất ngon luôn, muốn quẹo cổ.
Bây giờ ở đâu cũng bị mời mua vé số. Dừng xe nghe điện thoại cũng bị chỉa vé số vào mặt. Đổ xăng, lúc móc túi trả tiền cũng bị vé số dí. Nhiều người đến miền Tây du lịch, cũng mất vui vì chuyện này", anh Kiệt cho biết.
Cần tăng hoa hồng cho người bán dạo
Theo ông Trần Khắc Tâm, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, việc hỗ trợ cho người bán vé số là điều cần thiết để những người lao động này có thể trang trải sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Vì phía sau lưng họ nhiều khi là cả gia đình. Hơn nữa hầu hết những người bán vé số đều có hoàn cảnh khó khăn.
"Các công ty xổ số nên tăng phần hoa hồng cho người bán vé số dạo. Bởi đây là một trong những kênh phân phối vé số chính của họ. Những người này vất vả, đội nắng gió để vé số được đến tay người có nhu cầu. Vì vậy, người bán vé số cần được hưởng thành quả tốt hơn và nhận được sự chăm sóc, ưu đãi tốt hơn từ phía doanh nghiệp"- ông Tâm nói.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hải - giám đốc Công ty TNHH một thành viên XSKT Cà Mau - cho hay ông đã nắm thông tin người bán không được trả vé số ế.
"Chúng tôi rất thông cảm với người bán vé số dạo nên cũng tính tới phương án mua bảo hiểm y tế cho họ. Nhưng đây là vấn đề rất khó thực hiện, bởi cần phải có thời gian và còn nhiều đơn vị khác nữa. Nếu chúng tôi đột phá làm, sẽ bị xuất toán ngay", ông Hải cho biết.
Xây dựng chuẩn mực trong việc bán vé số
Theo ông Trần Khắc Tâm, người bán vé số cũng cần có trách nhiệm hơn đối với công việc mình đang làm. Lâu nay, đâu đó vẫn có phản ánh về việc một số người bán vé số có hành động chèo kéo khách mua.
Điều này phần nào cũng gây ra sự khó chịu cho du khách, người dân. Cho nên cần phải xây dựng một sự chuẩn mực trong việc bán vé số của người bán dạo. Tuyệt đối không chèo kéo khách mua, không tạo ra sự phiền hà, khó chịu cho khách.
Để làm được điều này chính người bán vé số phải tự nâng cao được ý thức của mình. Bên cạnh đó, các công ty vé số cũng phải tuyên truyền đến họ. Việc này chắc không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, với sự tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu", việc này sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận