23/09/2024 07:47 GMT+7

Công ty cũ bắt cam kết không làm việc cho công ty đối thủ sau nghỉ việc, có đúng luật?

Năm 2019, tôi ký hợp đồng lao động với công ty A, kèm phụ lục. Trong đó công ty yêu cầu nếu nghỉ việc thì không được làm việc cho công ty khác trong cùng ngành (tạm gọi là "đối thủ") trong 2 năm.

Tháng 12-2023, tôi nghỉ việc ở công ty A để về quê có việc gia đình, trong thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động cũng có điều khoản là phải tuân thủ phụ lục đã kể trên.

Hiện tôi đã quay lại TP.HCM, tìm được việc như mong muốn tại công ty B, nhưng công ty lại cùng ngành sản xuất với công ty A dù không phải là đối thủ trực tiếp.

Công ty A biết được và đã gọi điện thoại yêu cầu tôi tuân thủ phụ lục và thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đã ký trước đó, nếu không sẽ kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Xin hỏi công ty A làm vậy có đúng luật không? Theo tôi hiểu, khi đã chấm dứt hợp đồng lao động thì mọi ràng buộc với công ty A cũng sẽ tự động chấm dứt theo, và như vậy công ty A không có quyền yêu cầu tôi không được làm cho công ty B hay bất kỳ công ty nào cùng ngành sản xuất.

Một bạn đọc hỏi.

- Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:

Công ty cũ bắt cam kết không làm việc cho công ty đối thủ sau nghỉ việc, có đúng luật? - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Hoài Vũ

Hành vi của công ty A là không đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ, khoản 1 điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc".

Điểm a khoản 1 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: "Người lao động có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử" và khoản 1 điều 10 quy định: "Người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm".

Khoản 1 điều 4 Luật Việc làm năm 2013 quy định tại nguyên tắc về việc làm: "Bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc" và khoản 6 điều 9 quy định cấm các hành vi "cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động".

(Lưu ý về áp dụng pháp luật: tại thời điểm năm 2019, bạn ký hợp đồng lao động với công ty A thì Bộ luật Lao động năm 2012 đang có hiệu lực pháp luật).

Đồng thời, phụ lục bạn ký là đi kèm hợp đồng lao động, trên cơ sở tuân theo quy định của Bộ luật Lao động chứ không phải là một thỏa thuận dân sự cho nên căn cứ quy định nêu trên thì phụ lục này vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.

Mặt khác, để khởi kiện yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì công ty A buộc phải chứng minh thiệt hại, lỗi, mối quan hệ nhân quả từ việc bạn làm cho công ty B là gây thiệt hại thực tế cho công ty A. Cho nên trong trường hợp này, bạn có thể hoàn toàn yên tâm làm việc cho công ty B.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Công ty cũ bắt cam kết không làm việc cho công ty đối thủ sau nghỉ việc, có đúng luật? - Ảnh 2.

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected]

Cam kết không làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc có đúng luật? - Ảnh 2.Định cư nước ngoài 40 năm, mất giấy khai sinh, xin cấp hộ chiếu Việt Nam được không?

Tôi định cư ở Mỹ 40 năm. Bây giờ chỉ còn giấy khai sinh bản tiếng Anh đã được công chứng. Bố tôi đã làm mất bản khai sinh tiếng Việt. Tôi có thể xin hộ chiếu Việt Nam không?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên