Sau 7 ngày, tôi đề nghị nhận lại căn cước công dân thì công ty không cho, với lý do tôi lưu trú tại công ty, giữ căn cước công dân để công an kiểm tra và đó là quy định của công ty.
Sau 2 tuần, tôi đề nghị trả lại căn cước công dân và không lưu trú tại công ty nhưng họ vẫn không cho. Tôi không biết phải làm thế nào để lấy lại căn cước và việc công ty giữ căn cước của tôi như vậy có đúng quy định pháp luật không?
Một bạn đọc hỏi.
- Luật sư Đỗ Hoàng Minh (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Về khái niệm giấy tờ tùy thân:
- Điều 1 nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan công an có thẩm quyền cấp.
- Khoản 1 điều 20 Luật Căn cước công dân 2014 quy định thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.
- Theo tinh thần của nghị định 136/2007/NĐ-CP trước đây quy định hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.
Như vậy, hiện nay chỉ có chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu được xác định là giấy tờ tùy thân chính. Riêng chứng minh nhân dân sẽ hết hiệu lực toàn bộ vào ngày 31-12-2024 và được thay thế bởi thẻ căn cước công dân/thẻ căn cước.
Về quy định trong pháp luật lao động đối với giấy tờ tùy thân:
- Khoản 1 điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Khoản 3, điều 165 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động:
Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.
Như vậy, việc công ty bảo vệ đó, mà cụ thể là phòng nhân sự/hành chính của công ty đó đang giữ căn cước công dân của bạn là hành vi vi phạm pháp luật lao động dù với bất kỳ lý do gì, trừ khi được bạn đồng ý.
Làm thế nào để lấy lại căn cước công dân của bạn?
Để nhận lại căn cước công dân, bạn trực tiếp yêu cầu phòng/ban đang giữ căn cước hoàn trả cho bạn căn cứ các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Nếu họ vẫn không trả, bạn có quyền gửi văn bản đến người đại diện theo pháp luật của công ty (tổng giám đốc/giám đốc) để đề nghị họ xem xét, yêu cầu bộ phận đang giữ giấy tờ hoàn trả cho bạn.
Nếu trong vòng 1 tuần mà họ vẫn không giải quyết, bạn làm văn bản gửi đến phòng quản lý lao động thuộc UBND cấp huyện nơi công ty đó có trụ sở. Cán bộ phòng quản lý lao động sẽ mời đại diện công ty và bạn lên làm việc và yêu cầu công ty trả căn cước công dân cho bạn.
Nếu công ty vẫn không đáp ứng yêu cầu của bạn cũng như yêu cầu của phòng quản lý lao động thì cán bộ phòng sẽ báo cáo qua thanh tra lao động để kiểm tra đơn vị đó và xử phạt vi phạm hành chính về lao động, đồng thời sẽ giải quyết yêu cầu nhận lại căn cước công dân của bạn.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận