31/08/2024 10:08 GMT+7

Công ty bầu Đức là 'chủ nợ' nghìn tỉ của công ty cũ

Bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, công ty của bầu Đức khẳng định dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ đối tác...

Không chỉ vay nợ, công ty bầu Đức còn là chủ nợ nghìn tỉ công ty khác - Ảnh 1.

Công ty của bầu Đức lãi lớn song vẫn bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục - Ảnh: HAG

Công ty bầu Đức lãi 500 tỉ, vì sao kiểm toán vẫn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

Tại báo cáo tài chính bán niên 2024, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) - nơi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm chủ tịch - ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.795 tỉ đồng, giảm hơn 11% so với cùng kỳ.

Nhờ giá vốn giảm, lợi nhuận gộp trong kỳ của HAGL tăng từ 628 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái lên hơn 980 tỉ đồng năm nay. Kết quả, lãi ròng trong 6 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp đạt hơn 500 tỉ đồng, tăng gần 30% cùng kỳ.

Mức lợi nhuận này giúp HAGL thu hẹp mức lỗ lũy kế từ hơn 1.669 tỉ đồng đầu năm nay chỉ còn 957 tỉ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 này.

Dù vậy, khoản lỗ lũy kế lớn này vẫn là vấn đề cần nhấn mạnh khi kiểm toán E&Y soát xét báo cáo.

Theo kiểm toán, ngoài lỗ lũy kế lớn, nợ ngắn hạn của HAGL cũng vượt quá tài sản ngắn hạn với hơn 350 tỉ đồng.

Các điều kiện này cùng một số vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn, kiểm toán nhấn mạnh.

Khoản dư nợ vay nêu trên chỉ bao gồm vay ngắn hạn và vay dài hạn được thể hiện trong báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai

Giải trình về ý kiến của kiểm toán gửi Ủy ban Chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Thắng - tổng giám đốc HAGL, cho biết tập đoàn đã lập kế hoạch kinh doanh cho 1 năm tiếp theo.

Trong đó, dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thanh lý tài sản, thu hồi các khoản cho vay từ các đối tác.

Ngoài ra HAGL còn cho biết có dòng tiền từ đi vay các ngân hàng thương mại và tiền từ các dự án đang triển khai.

Tập đoàn vẫn đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Đồng thời công ty đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn.

"Hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2024", tổng giám đốc HAGL cho hay.

Ngoài đi vay nợ, HAGL cũng là chủ nợ lớn của công ty khác

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, nợ trái phiếu vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu khoản vay của công ty bầu Đức.

Tại thời điểm cuối tháng 6-2024, HAGL còn nợ BIDV 4.248 tỉ đồng qua kênh trái phiếu, giảm 423 tỉ đồng so với đầu năm. Ngoài ra, công ty này có các khoản vay LPBank hơn 1.528 tỉ đồng, tăng gấp đôi đầu năm.

Ngược lại, số nợ tại TPBank và Sacombank lại có xu hướng giảm đáng kể, chỉ còn lần lượt 459 tỉ đồng và 278 tỉ đồng.

Không chỉ đi vay nợ nhiều, thực tế công ty bầu Đức cũng đang có 1 khoản cho vay khá lớn tại HAGL Agrico. Công ty này trước đây là Công ty cổ phần cao su Hoàng Anh Gia Lai, sau đó chuyển nhượng cho công ty của ông Trần Bá Dương - chủ tịch Thaco.

Sau thời gian chồng chéo mối quan hệ, đến tháng 8-2022, HAGL Agrico do ông Trần Bá Dương làm chủ tịch và Hoàng Anh Gia Lai do bầu Đức làm chủ tịch đã cam kết tách bạch tài sản cầm cố và nghĩa vụ trả nợ BIDV.

Tại thời điểm cuối tháng 6-2024, báo cáo tài chính của HAGL Agrico vẫn ghi nhận đang vay nợ HAG của bầu Đức 1.123 tỉ đồng.

Không chỉ vay nợ, công ty bầu Đức còn là chủ nợ nghìn tỉ công ty khác - Ảnh 2.Chưa bán được tài sản, công ty bầu Đức 'khất' nợ trái phiếu hơn 4.000 tỉ

CTCP Hoàng Anh Gia Lai cho biết chậm thanh toán trái phiếu vì chưa thu đủ nguồn tiền từ khoản nợ của HAGL Agrico và chưa thanh lý được một số tài sản…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên