Nhiều nhà thầu dự án cao ốc, căn hộ... mong sớm được “sáng đèn” như những công trình hạ tầng quan trọng được thi công trong thời gian giãn cách. Trong ảnh: thi công cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và TP Thủ Đức (TP.HCM) trưa 30-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 30-9, đoàn lãnh đạo của TP.HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên dẫn đầu, cùng với Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi và Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã đến khảo sát hai công trình trọng điểm là cầu Thủ Thiêm 2 và xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tiếng máy tại Thủ Thiêm
Từ thời điểm khởi công công trình vào tháng 4-2017, đến nay khối lượng thi công cầu Thủ Thiêm 2 đạt hơn 85%. Cầu đã hợp long, nối nhịp hai bờ TP Thủ Đức và Q.1. Thời gian qua chủ đầu tư cùng nhà thầu đã triển khai thi công liên tục 3 ca/ngày, kể cả lễ tết và giai đoạn giãn cách do dịch.
Nhà thầu sẽ tăng tốc thi công, dự kiến đến ngày 10-10 hoàn tất công tác cáp dây văng nhịp chính. Một lãnh đạo Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, đại diện chủ đầu tư, cam kết đảm bảo tiến độ, đến ngày 30-4-2022 sẽ hoàn thành công trình và đưa vào khai thác.
Tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông), xác định đây là công trình giao thông trọng điểm, phải hoàn thành đồng bộ với cầu Thủ Thiêm 2 và phục vụ mục tiêu đưa 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm vào đấu giá nhằm tạo nguồn thu cho TP.HCM trong giai đoạn sớm nhất. Do đó, Ban giao thông đã báo cáo và được TP cho phép thi công trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua.
Theo ông Phúc, tập thể 100 cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã áp dụng mô hình "3 tại chỗ", bám công trường, đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, hai gói thầu XL1, XL2 cùng các gói thầu hạ tầng kỹ thuật chính đã hoàn thành.
"Dự kiến 15-10, dự án sẽ hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của 6 lô đất này, sau đó có thể đấu giá nhằm tạo nguồn thu sớm nhất cho TP. Hạ tầng kỹ thuật bao gồm 6 tuyến đường bao quanh với chiều dài khoảng 1,4km kết hợp với các hạ tầng như điện nước, chiếu sáng, cây xanh…", ông Phúc nói.
Trao đổi tại buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ, kỹ sư, lãnh đạo các dự án trong việc thực hiện các yêu cầu của TP dù dịch bệnh phức tạp. "Sự nỗ lực của các anh em đến giờ này đã giúp các dự án trọng điểm của TP đảm bảo tiến độ", ông Nên chia sẻ.
Cầu Thủ Thiêm 2 dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công trình nhộn nhịp trở lại
Ghi nhận trong ngày 30-9, các công nhân và kỹ sư tại công trình xây dựng cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) vẫn hối hả làm việc. Một kỹ sư cho biết từ khi dịch bùng phát, kỹ sư và công nhân tại công trường có giảm đi nhưng vẫn có 15 - 20 người làm việc và luôn mang khẩu trang, thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn chống dịch.
Tại công trình hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), một nhóm công nhân đang miệt mài làm việc. Máy cẩu cỡ lớn liên tục vận chuyển các dầm sắt đặt phía trên hầm chui có độ sâu phía dưới gần 10m, để chuẩn bị đổ lớp bêtông trong những ngày sắp tới.
Theo ông Lương Minh Phúc, 2 công trình này cùng với công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm là 3 dự án được thi công trong thời gian giãn cách xã hội để đảm bảo tiến độ. Còn 40 gói thầu thuộc 22 dự án giao thông trọng điểm tạm dừng sẽ lần lượt thi công trở lại từ 28-9 đến 15-10.
Theo ông Phúc, khó khăn nhất là việc vận chuyển nguyên liệu, vật tư, các linh kiện đúc sẵn từ các tỉnh thành lân cận. "Vấn đề nhân lực quay lại các công trường cũng là việc mà TP sẽ quan tâm giải quyết. Hiện nay chỉ có 30 - 50% quân số tại chỗ. Hy vọng sau khi TP nới lỏng giãn cách, lao động sẽ quay lại để tăng tốc thi công", ông Phúc cho hay.
Theo ông Phúc, chủ đầu tư cùng với nhà thầu sẽ phấn đấu hoàn thành 11 gói thầu và dự án trong thời gian tới, trong đó 9 gói thầu và dự án xong trước
31-12 như dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương), cầu vượt ở bến xe Miền Đông mới, hoàn thành cầu Hang Ngoài (hạng mục cầu)… Hai gói thầu và dự án hoàn thành trước Tết Nguyên đán gồm: xây dựng mới cầu Bưng - nhánh 1, sửa chữa và nâng cấp tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh).
Ông Nguyễn Văn Thành, cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ VN), cho hay tận dụng thời gian giãn cách, công trình sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang gấp rút thi công để đảm bảo tiến độ đề ra, dù có nhiều khó khăn nhưng tiến độ vẫn đảm bảo.
"Các nhà thầu đang tăng tốc thi công, cao tốc sẽ được sửa xong vào tháng 11-2021. Chúng tôi cũng gấp rút chuẩn bị thủ tục, hoàn thiện hồ sơ cho các dự án mới, trong đó có các dự án nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 1", ông Thành nói.
Giãn cách nhưng tiếng máy vẫn không tắt trên công trường dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chờ tín hiệu với dự án mới
Sở GTVT TP.HCM cho biết đã xây dựng danh mục 35 công trình giao thông quan trọng kêu gọi đầu tư theo hình thức (PPP) giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phải kể đến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; vành đai 3; nhóm dự án về đường trên cao (số 1, số 5, trục Bắc Nam); nhóm dự án cầu: Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Quới - Rạch Chiếc; nhóm dự án metro theo quy hoạch…
Theo ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, việc thi công trở lại các dự án giao thông là tín hiệu khả quan. Đặc biệt, sau thời gian dịch COVID-19, TP.HCM cần mời các chuyên gia, nhà đầu tư tham gia góp ý về kế hoạch kêu gọi và huy động nguồn vốn tư nhân vào xây dựng hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng TP nói riêng.
Thêm gần 50 dự án thi công trở lại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Công Bằng, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết với một số công trình được cấp phép thi công trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chủ đầu tư cùng với nhà thầu đã nỗ lực triển khai phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Dù gặp nhiều khó khăn như vận chuyển nguyên vật liệu, nhân công thiếu hụt... nhưng một số dự án đạt kết quả khả quan.
Sau khi TP.HCM ban hành tiêu chí về phòng chống dịch an toàn đối với ngành giao thông, các chủ đầu tư đã đăng ký đồng loạt thi công trở lại gần 50 dự án, chưa kể nhiều công trình bảo trì và duy tu thường xuyên. "Sở sẽ phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và phối hợp với sở GTVT các địa phương lân cận đưa người lao động trở lại, vận chuyển vật liệu thuận lợi nhất", ông Bằng nói.
* Ông Ngô Quang Phúc (tổng giám đốc Tập đoàn Phú Đông):
Khó tập hợp đủ lao động
Việc TP.HCM công bố kế hoạch từng bước mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội từ đầu tháng 10 là một tín hiệu tích cực và cũng là niềm mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, trong đó có DN trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Các DN sẽ có những chuẩn bị để sớm trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau những ngày gần như tê liệt vừa qua.
Tuy nhiên, DN không thể nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường được. Trong đó, khó khăn nhất với ngành xây dựng là thiếu công nhân do nhiều công nhân đã bỏ về quê vì thiếu việc làm trong thời gian giãn cách; công nhân ngành xây dựng, bất động sản cũng không thuộc đối tượng ưu tiên tiêm chủng nên đa số chưa được tiêm hoặc chỉ tiêm một mũi. Chưa hết, nguyên vật liệu của ngành xây dựng đều lấy từ các địa phương lân cận nhưng hoạt động vận chuyển chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể chi phí bị đội lên...
TR.MẠNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận