01/07/2017 09:05 GMT+7

Công trình trọng điểm thi công ì ạch

NGỌC ẨN - HỒNG LY
NGỌC ẨN - HỒNG LY

TTO - Sau 12 năm triển khai, dự án trọng điểm nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch (P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) dài 5,4km đã đội vốn từ 273,2 tỉ đồng lên 680 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa biết khi nào làm xong vì vướng giải tỏa.

*** Error ***
Đơn vị thi công để máy móc, vật tư trên đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình, TP.HCM) chờ thi công - Ảnh: Hồng Ly

Tương tự, dự án xây cầu Phước Lộc (nối xã Phước Kiển và xã Phước Lộc, H.Nhà Bè) dài 710m, thực hiện từ cuối năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa biết thời hạn hoàn thành vì phải chờ giải tỏa.

Công trình ngổn ngang

Giữa tháng 6-2017, chúng tôi ghi nhận tại đường Phạm Văn Bạch đoạn từ kênh Hi Vọng đến đường Huỳnh Văn Nghệ nhà cửa thòi ra thụt vào, vì xen kẽ giữa những nhà đã giải tỏa lùi vào bên trong 5-7m vẫn còn những nhà chưa giải tỏa. Còn ở hai bên đường, đơn vị thi công để ống cống thoát nước, gạch đá và xe xúc đất ngổn ngang.

Cũng trên đường này, đoạn từ đường Huỳnh Văn Nghệ đến đường Cống Lở người dân chiếm dụng mặt bằng đã giải tỏa trống để buôn bán.

Mặt đường nhựa ở đây nham nhở, ổ voi, ổ gà chằng chịt nên bụi bay mịt mù khi xe cộ chạy qua. Riêng đoạn từ giao lộ Trần Thái Tông đến kênh Hi Vọng chỉ mới giải tỏa vài hộ dân, còn lại phần lớn nhà dân chưa giải tỏa.

Tại công trình cầu Phước Lộc (H.Nhà Bè) không một bóng công nhân. Những trụ cầu, nhịp cầu xây dở dang nằm chơi vơi giữa rạch Cây Khô. Sắt, thép trên trụ cầu đã hoen gỉ, còn ở hai đầu cầu cây cỏ mọc um tùm, che khuất nhà dân.

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (chủ đầu tư dự án), do không có mặt bằng để thi công nên nhà thầu đã rút công nhân và thiết bị khỏi công trường cách đây gần ba năm.

Chưa có cầu mới, người dân đi lại trên cầu Phước Lộc cũ. Theo một cán bộ Khu quản lý giao thông đô thị số 4, cầu cũ cấm ôtô lưu thông, nên ôtô và xe cứu thương phải đi đường vòng 7km chở người bệnh ở xã Phước Kiển vào các bệnh viện trong trung tâm TP.

Xử lý ra sao?

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư dự án đường Phạm Văn Bạch), có 574 hộ dân ở Q.Tân Bình bị giải tỏa để làm đường, nhưng đến nay mới có 443 hộ nhận tiền bồi thường, còn lại 131 hộ chưa nhận.

Dự án làm đường Phạm Văn Bạch được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Trong đó quy định địa phương vận động người dân giảm 50% đơn giá bồi thường đất ở, nhưng đến nay còn nhiều hộ không đồng ý với việc giảm giá bồi thường đến 50% và đề nghị được hỗ trợ thêm.

Trong một cuộc họp với Sở GTVT TP, Q.Tân Bình hứa sẽ bàn giao mặt bằng để làm đường Phạm Văn Bạch vào quý 2 năm nay, nhưng mới đây quận lại dời thời điểm bàn giao mặt bằng vào quý 3.

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết đã làm việc với Q.Tân Bình để thúc đẩy tiến độ đền bù giải tỏa.

Theo ông Cường, dự án làm đường Phạm Văn Bạch là dự án trọng điểm của TP, nên rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc tháo gỡ những khó khăn để dự án được triển khai nhanh và sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Còn việc chậm chi trả tiền đền bù giải tỏa ở dự án cầu Phước Lộc cho người dân, ông Nguyễn Thanh Tuấn, phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (chủ đầu tư dự án), cho biết từ năm 2013 và 2014 UBND H.Nhà Bè đã trình Hội đồng thẩm định bồi thường TP để phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ 84 hộ dân bị giải tỏa ở xã Phước Kiển và xã Phước Lộc.

Tuy nhiên cuối năm 2013, khi Luật đất đai được ban hành thì phải chờ các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đến tháng 5-2015, ban bồi thường triển khai công tác bồi thường cho dân nhưng do có vướng mắc trong việc trình, thẩm định nên đến nay đơn giá bồi thường vẫn chưa được phê duyệt.

“Nếu đơn giá bồi thường được phê duyệt sớm, công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng thực hiện trong quý 3 năm nay thì Khu quản lý giao thông đô thị số 4 sẽ triển khai thi công tiếp gói thầu số 1 và các gói thầu còn lại trong quý 4 năm nay. Dự kiến công trình cầu Phước Lộc sẽ thi công xong trong 18 tháng” - ông Tuấn cho biết.

Nơi khiếu nại giá, nơi chờ tiền đền bù

Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch bị chậm tiến độ do một số hộ dân chưa đồng ý di dời còn đang khiếu nại về tiền đền bù.

Ông Nguyễn Duy Cải, người dân tại đây, cho biết giá đền bù năm 2008 là 25,8 triệu đồng/m2 đất.

Sau này, Q.Tân Bình đưa ra phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm đường nên giảm 50% chi phí đền bù giải tỏa cho người dân, tiền đền bù chỉ còn 12,9 triệu đồng/m2 đất nên nhiều người chưa đồng ý.

Ngoài ra, ông Cải còn nêu lý do: “Hiện tại là năm 2017, nhưng đền bù cho dân vẫn áp dụng giá đất năm 2010 và giá xây dựng năm 2008 là không thỏa đáng nên chúng tôi không nhận tiền đền bù”.

Còn ở dự án xây cầu Phước Lộc dở dang, nhiều bà con ở xã Phước Kiển cho biết người dân đã đồng ý ký giấy giao mặt bằng gần hai năm nay, nhưng địa phương chưa chi tiền đền bù nên dân chưa thể dời đi nơi khác.

NGỌC ẨN - HỒNG LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên