Cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM do Sở Ngoại vụ TP.HCM cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Công ty Xi măng INSEE đồng hành.
Báo Tuổi Trẻ cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa "mổ xẻ" dư địa văn hóa xã hội của TP.HCM để đi tìm biểu tượng phù hợp.
Đủ dư địa để dựng biểu tượng hữu nghị
Hiện TP.HCM có một số công trình truyền thống được xem là biểu tượng của TP. Tuy nhiên theo KTS Nguyễn Trương Quý, TP.HCM đang cần một biểu tượng mới.
"Những công trình đó có giá trị nhiều mặt, ít nhiều làm nên khía cạnh biểu tượng nhất định ở một giai đoạn nào đó. Nhưng ở đâu cũng thế, luôn cần kiến tạo những biểu tượng mới để tương thích với cuộc sống đang diễn ra và kết nối mọi người nhiều hơn", KTS Nguyễn Trương Quý nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp thì cho rằng TP.HCM có đủ các yếu tố và cơ sở để xây dựng một biểu tượng thể hiện tinh thần hữu nghị và mở rộng với các TP khác trong ngoại giao, thương mại, văn hóa.
Bởi lẽ "từ khi thành lập đến nay, đây luôn là TP mở cho mọi di dân và khoan dung đón nhận các văn hóa khác nhau cùng hòa nhập ở vùng đất mới".
Những "từ khóa" mở "khóa" biểu tượng TP.HCM hôm nay
Dưới góc độ nghiên cứu lịch sử văn hóa, TS Nguyễn Thị Hậu lưu ý tính truyền thống ẩn dưới vẻ hiện đại của TP khi thiết kế biểu tượng. Theo bà Hậu, tính truyền thống đó được lưu giữ qua các thế hệ rất bền chặt. Không chỉ trong quá khứ, TP.HCM hôm nay cũng là đích đến của nhiều người nhập cư trong và ngoài nước.
Ngoài lý do có nền kinh tế phát triển, sự quyến rũ của TP còn đến từ văn hóa, truyền thống, lối sống, cách ứng xử giữa người với người kể cả trong buôn bán làm ăn.
Bà Hậu gợi ý bốn "từ khóa" có thể tham khảo để thiết kế biểu tượng TP.HCM hôm nay là "hiện đại, năng động, nghĩa tình, truyền thống".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp nói thêm con người TP thực tế và cởi mở, luôn áp dụng những ý tưởng mới và sáng tạo vào cuộc sống.
Từ tinh thần trên, ông Hiệp mong những thiết kế biểu tượng hữu nghị cũng "phản ánh được tinh thần cởi mở bao dung của một đô thị toàn cầu".
Tác giả Nguyễn Trương Quý kể anh đến tháp Namsan - được xem là biểu tượng của thủ đô Seoul (Hàn Quốc) - và thấy rất đông giới trẻ.
Không chỉ ngắm toàn cảnh Seoul từ đài quan sát, ở đây còn có đài treo ổ khóa tình yêu, có các biển đề khoảng cách từ đây đến các TP khác trên thế giới trong đó có Hà Nội, TP.HCM của Việt Nam.
Anh nói: "Có nhiều cách để thiết kế biểu tượng hữu nghị. Có thể là một thiết kế hoặc một chuỗi thiết kế, miễn sao làm bật nổi vẻ đẹp của TP này trong bối cảnh hôm nay".
Nguyễn Trương Quý cũng đặt câu hỏi lâu nay các biểu tượng văn hóa, di sản thường tập trung khu trung tâm, còn các khu vực khác chưa có nhiều điểm nhấn:
"Thiết kế biểu tượng lần này nên chăng tạo được không gian gắn kết người dân khu trung tâm với những khu vực khác của TP hô ứng vào tinh thần hữu nghị đó?".
Để không vấp "sạn"
Thời gian qua có không ít công trình biểu tượng ở nhiều nơi vấp phải phản ứng của dư luận về tính thẩm mỹ.
Làm sao thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM không "vấp" sạn?
TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng để có một công trình có giá trị biểu tượng, tạo sự đồng thuận của dư luận thì biểu tượng đó phải đưa lên được một hình ảnh mang tính bền vững. "Nay thay mai đổi không thể gọi là biểu tượng được", bà Hậu nói.
Từ góc nhìn của một người nghiên cứu lịch sử và văn hóa, bà Hậu chia sẻ tính bền vững thể hiện trong hai yếu tố.
Một là những đặc trưng tự nhiên của TP. Hai là những đặc trưng văn hóa và truyền thống của TP. Hai yếu tố đó cộng với phần mỹ thuật đẹp sẽ giúp công trình tránh "sạn".
Còn về xấu đẹp cũng tùy nhận định chủ quan từng người, miễn sao đưa ra một công trình biểu tượng thì gợi được cảm giác thân thuộc và nó đúng là TP.HCM. Bà Hậu cũng nói thêm: "Nói thế không có nghĩa phải tả thực. Một công trình biểu tượng đẹp không mang tính minh họa".
Đồng quan điểm, tác giả Trương Quý nói trong câu chuyện này, "đẹp - xấu là một biến số và cũng rất vô cùng".
Theo anh, bao giờ công trình kiến trúc cũng có bốn yếu tố gồm công năng, vật liệu (phản ánh vật liệu thời đại cũng như bước tiến của thời đại ấy), kinh tế và thẩm mỹ. Các ý tưởng dự thi phải thỏa mãn bốn khía cạnh đó trong thiết kế.
Trương Quý cũng lưu ý một nơi chật chội không thể chễm chệ một công trình quá to, một kiến trúc cổ lỗ sĩ cũng sẽ không ăn nhập với thông điệp, bối cảnh hôm nay. Thiết kế phải tạo ra được một không gian lý tưởng thẩm mỹ và cho thấy bước chuyển của thời đại.
Cuộc thi Thiết kế biểu tượng hữu nghị TP.HCM bắt đầu từ ngày 27-10 đến hết 27-12-2023.
Mời bạn đọc gửi bài dự thi vào email: [email protected]. Thời gian nhận bài được tính theo thời gian trên thư điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận