Theo Đài CNN, công tố viên trưởng Karim Khan của Tòa Hình sự quốc tế (ICC) cho biết đang xin trát bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar với cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột Israel - Hamas, nổ ra từ ngày 7-10-2023.
Ngoài ra, công tố viên ICC cũng xin lệnh truy nã Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, lãnh đạo Lữ đoàn Al Qassem của Hamas Mohammed Diab Ibrahim al-Masri (được biết đến nhiều hơn với tên Mohammed Deif) và lãnh đạo chính trị của Hamas Ismail Haniyeh.
Ba lãnh đạo Hamas bị cáo buộc "tiêu diệt, giết người, bắt giữ con tin, hãm hiếp và tấn công tình dục tại nơi giam giữ".
Trong khi đó, ông Netanyahu và ông Gallant bị cáo buộc "gây ra sự tiêu diệt; gây ra nạn đói như một phương thức chiến tranh, bao gồm việc từ chối cung cấp cứu trợ nhân đạo; cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột".
Một hội đồng thẩm phán ICC sẽ xem xét đơn xin lệnh bắt giữ của công tố viên Khan.
Phản ứng trước động thái của ICC, cùng ngày, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz cho rằng đây là điều "đáng hổ thẹn", giống như việc (Hamas) tấn công các nạn nhân ngày 7-10-2023.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich mô tả việc Công tố viên ICC tìm cách ra lệnh bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel là “lệnh bắt giữ đối với tất cả chúng ta", đồng thời kêu gọi các nước thân thiện với Israel hành động để giải tán ICC.
Trước đó, khi thông tin ICC xem xét lệnh bắt giữ lãnh đạo Israel xuất hiện vào tháng 4, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố bất kỳ lệnh bắt giữ nào của ICC đối với các quan chức quân sự và chính phủ nước này "sẽ là sự xúc phạm có quy mô lịch sử". Ông nhấn mạnh Israel có một hệ thống pháp luật độc lập để điều tra mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Phản hồi trước bình luận của ông Netanyahu, công tố viên Karim Khan nhấn mạnh "không ai đứng trên pháp luật". Ông cũng khuyến cáo Tel Aviv không nên thách thức các thẩm phán ngay cả khi phản đối thẩm quyền của ICC.
Israel và Mỹ không phải là thành viên của ICC. Tuy nhiên, ICC tuyên bố có quyền hạn đối với Gaza, Đông Jerusalem và Bờ Tây, sau khi các nhà lãnh đạo Palestine chính thức đồng ý tuân theo các nguyên tắc thành lập của tòa án vào năm 2015.
Lệnh truy nã với các quan chức hàng đầu của Israel đánh dấu lần đầu tiên ICC nhắm tới lãnh đạo một đồng minh thân thiết của Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, lãnh đạo đối lập Israel Yair Lapid, Bộ trưởng nội các thời chiến Israel Benny Gantz đều bày tỏ sự phẫn nộ trước động thái của ICC.
"Quyết định xin lệnh bắt giữ ông Netanyahu và ông Gallant thể hiện sự đạo đức giả và sự căm thù người Do Thái. Lệnh bắt giữ họ đồng nghĩa với lệnh bắt giữ tất cả chúng ta", ông Smotrich nói.
Về phần mình, phong trào Hồi giáo Hamas đã lên án quyết định của Công tố viên ICC về việc bắt giữ 3 trong số các thủ lĩnh của nhóm này và yêu cầu hủy bỏ đề nghị trên.
Trước đó, phát biểu với hãng tin Reuters, ông Sami Abu Zuhri, một quan chức cấp cao của Hamas cho rằng động thái của ICC về việc bắt giữ 3 thủ lĩnh hàng đầu của Hamas "đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết".
Israel quyết tâm đánh Rafah
Theo Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 20-5, trao đổi với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, ông Gallant tuyên bố Israel sẽ mở rộng hoạt động trên bộ ở Rafah cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn Hamas và giải cứu được các con tin.
Đồng thời, bộ trưởng Quốc phòng Israel cũng đã trình bày với ông Sullivan về các biện pháp sơ tán người dân khỏi Rafah và thiết lập phản ứng nhân đạo phù hợp.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) ước tính khoảng 810.000 người đã chạy trốn khỏi Rafah kể từ ngày 6-5, khi Israel bắt đầu ra lệnh cho dân thường Palestine sơ tán khỏi và bắt đầu đưa quân đội và xe tăng vào thành phố này.
Israel cũng tuyên bố đã phát hiện ra hàng chục đường hầm nối từ bán đảo Sinai ở Ai Cập tại Rafah. Trước đây, các cơ quan thông tin của Ai Cập đã bác bỏ những đồn đoán về việc buôn lậu xuyên biên giới tới Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận