
Làm công tác xã hội vốn là việc đã trở nên quen thuộc với không ít bạn trẻ trong cuộc sống hiện nay - Ảnh: Q.L.
Có thể nói các đội công tác xã hội tại TP.HCM đã làm được nhiều việc, hỗ trợ nhiều người yếu thế, xây dựng cộng đồng đoàn kết, cùng sẻ chia.
Tuy nhiên thực tế khó phủ nhận rằng hoạt động của các đội gặp nhiều khó khăn, hạn chế nguồn lực, thiếu nhân sự có chuyên môn cũng như việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp.
Nhân viên công tác xã hội: Cầu nối giữa người khó khăn với xã hội
Công tác xã hội là một nghề. Nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản và được cấp giấy chứng nhận hành nghề từ cơ quan có thẩm quyền. Những người làm công tác xã hội ở góc độ nào đó đang nhận vai trò "cầu nối" giữa người gặp khó khăn với các nguồn lực xã hội để phần nào giúp họ vượt qua nghịch cảnh, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Linh, bộ môn công tác xã hội Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay hoạt động công tác xã hội dựa trên ba phương pháp: công tác xã hội cá nhân, công tác xã hội nhóm và phát triển cộng đồng.
Theo chị Phương Linh, điểm giống nhau giữa từ thiện, thiện nguyện và công tác xã hội chính là mong muốn giúp đỡ con người, các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Từ thiện được thực hiện để cùng đóng góp cho xã hội, giúp đỡ mọi người bằng phương pháp cho - nhận. Tuy nhiên cũng có người làm từ thiện với động cơ như muốn xây dựng thương hiệu (với cá nhân) hoặc thực hiện trách nhiệm xã hội (với doanh nghiệp). Riêng công tác xã hội lại là trách nhiệm và động cơ nghề nghiệp hướng đến "phải giúp đỡ con người".
Cũng theo thạc sĩ Phương Linh, công tác xã hội hướng đến thúc đẩy, tăng cường năng lực để góp phần hình thành ý thức, nghị lực phấn đấu vươn lên của một nhóm người, cộng đồng và xã hội.
"Khi liên quan đến tình huống khẩn cấp, cần huy động nguồn lực nhanh thì hoạt động từ thiện làm rất tốt. Nhưng để phát triển bền vững và đi chặng đường dài, công tác xã hội sẽ cần đảm nhiệm vai trò này", chị Phương Linh chia sẻ.
Cần liên kết để cùng mạnh hơn
Anh Nguyễn Hoàng Nhật Hòa, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ kỹ năng và công tác xã hội Mầm Xanh (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM), cho rằng nhất thiết phải luôn khảo sát, đánh giá đối tượng, mục đích trước nếu muốn hoạt động công tác xã hội đó thành công. Khảo sát để biết họ thật sự đang cần giúp đỡ gì, mong muốn gì.
Qua đó đánh giá mức độ khó khăn, nhận diện vấn đề cần giải quyết mới tìm ra phương thức, kế hoạch thực hiện hoạt động phù hợp.
"Đánh giá tổng quan hoạt động sẽ giúp nhận ra chúng ta cần gì, đang có gì, còn thiếu gì. Từ đó lên phương án hỗ trợ, cách tiếp cận nhà tài trợ và cần kêu gọi sự chung tay ra sao", anh Hòa nói.
Bạn Ngọc Thảo, đội trưởng đội công tác xã hội Trường ĐH Tôn Đức Thắng, dẫn thực tế tại TP.HCM hiện có khá nhiều đội công tác xã hội đang hoạt động song dường như không mấy gắn kết. Thảo nói dù cùng chung mục đích, phương thức nhưng phần lớn lại thường chọn hoạt động đơn lẻ theo cách riêng mỗi đội.
Đồng tình, anh Võ Quốc Bình (Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM) nói cũng đau đáu với thực tế này. Trong khi nếu kết nối tốt các đội lại cùng nhau, chắc chắn các chương trình công tác xã hội sẽ đạt quy mô hơn, ý nghĩa hơn và độ lan tỏa cũng rộng hơn.
Anh Bình nêu thực tế Đội Công tác xã hội thanh niên TP.HCM (thuộc Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP.HCM) từng làm công việc kết nối này song chưa như kỳ vọng.
"Tôi cho rằng khi các đội cùng nghĩ về mục tiêu chung, việc kết nối mới thành công. Đôi khi các đội nghĩ rằng tự mình làm được rồi, không cần ai hỗ trợ. Nhưng nếu thử nghĩ xem các đội khác vì lý do nào đó hay nguồn lực hạn chế chưa thể tự làm vậy sao chúng ta không cùng tiếp sức, làm chung. Nếu làm được vậy, tôi tin hoạt động công tác xã hội trên bình diện chung của TP sẽ càng mạnh hơn", anh Bình bày tỏ.
Nâng cao năng lực cho địa phương
Chị Năng Thị Mỹ Duyên, phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Thủ Đức, đặt vấn đề rằng ngoài việc sâu sát với đối tượng thụ hưởng, các đội công tác xã hội rất cần gần hơn với quản lý địa bàn. Chính địa phương hoàn toàn có thể là đối tác cung cấp nguồn lực, vật lực và cả tài chính lẫn nhân lực.
Chưa kể tổ chức Đoàn - Hội, câu lạc bộ, đội nhóm tại chỗ sẽ chia sẻ, định hướng hoạt động một cách hiệu quả, thiết thực nhất trong bối cảnh thực tế của địa bàn.
"Tôi cho rằng đó là cách nâng cao năng lực cho địa phương trong vận động nguồn lực, tổ chức các hoạt động công tác xã hội. Nhìn xa hơn việc này sẽ đem lại sự bền vững để khi chúng ta không làm thì chính lực lượng tại chỗ cũng đã biết cách để tự giải quyết vấn đề cho chính họ", chị Duyên nêu góc nhìn.

Sinh viên giới thiệu các mô hình, cách làm công tác xã hội hay trong khuôn khổ tọa đàm - Ảnh: C.TRIỆU
Rõ đối tượng mới tìm được tài trợ phù hợp
Bạn Hải Yến (đội công tác xã hội Trường ĐH Luật TP.HCM) nói khá khó khăn để tìm được nhà tài trợ vì có khi liên tục bị ngó lơ hoặc lắc đầu dù mới đặt vấn đề hỗ trợ. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Võ Quốc Bình cho rằng đừng đặt nặng việc phải hỗ trợ tiền mặt bởi không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng chi cho hoạt động công tác xã hội.
Đổi lại, các đội xác định cụ thể chương trình hướng đến đối tượng nào cần chăm lo, sẽ cần vật phẩm hay hàng hóa gì và có thể đi tìm nhà tài trợ có sẵn những vật phẩm, hàng hóa phù hợp sẽ dễ giải quyết vấn đề hơn.
"Xác định rõ đối tượng của chương trình gắn với cái nhà tài trợ đang có, và đừng quên trả quyền lợi cho nhà tài trợ tốt mới hy vọng dễ kêu gọi cho lần khác", anh Bình bổ sung.
Ngoài ra, đội công tác xã hội phải thể hiện được mình là ai, uy tín, mức độ tin cậy ra sao ngay từ ấn tượng đầu tiên với nhà tài trợ bởi điều này rất quan trọng. Anh Bình chia sẻ kinh nghiệm rằng đó phải là cuộc gọi trực tiếp, xin phép gặp mặt, đưa văn bản chính thống chứ không thể chỉ là các cuộc gọi hay tin nhắn qua ứng dụng trực tuyến khi mà hai bên còn chưa từng biết nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận