15/01/2016 09:02 GMT+7

Công tác nhân sự cần công khai, dân chủ hơn

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH thực hiện (lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH thực hiện ([email protected])

TT - Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Thưởng, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng, cho rằng việc nhân dân quan tâm công tác nhân sự trước mỗi kỳ đại hội Đảng là rất đáng quý.

Ảnh: Việt Dũng
Ảnh: Việt Dũng
“Nhiều ý kiến cho rằng công tác chuẩn bị nhân sự cần công khai hơn, dân chủ hơn, các ứng cử viên vị trí chủ chốt phải trình bày chương trình hành động, cạnh tranh dân chủ trong nội bộ Đảng để những người bỏ phiếu có đủ cơ sở lựa chọn… Những ý kiến như vậy cần được cấp có thẩm quyền tiếp thu, nghiên cứu, áp dụng                  
Ông Lê Quang Thưởng (nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng)

* Thưa ông, trước mỗi kỳ đại hội Đảng, sự quan tâm của nhân dân đối với công tác nhân sự rất lớn và cho đến cận kề đại hội thì có rất nhiều luồng thông tin về nhân sự cấp cao. Ông bình luận gì về tình hình này?

- Điều đó cho thấy đa số người dân Việt Nam gắn bó, quan tâm đến sự nghiệp của Đảng, của đất nước, đến tương lai của dân tộc.

Như vậy là rất quý. Cho đến thời điểm này, các thông tin chính thức cho chúng ta thấy công việc chuẩn bị Đại hội Đảng XII cơ bản đạt hơn 90%.

Về nhân sự ứng cử Ban Chấp hành trung ương khóa tới chúng ta đã thấy tương đối rõ rồi, đó là các địa phương đã bầu xong bí thư cấp tỉnh, thành và nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, các ban đảng cũng tương đối rõ những gương mặt sẽ ứng cử vì nhìn vào độ tuổi sẽ biết người nào sẽ tiếp tục.

Người nào chuẩn bị nghỉ thì đã chuẩn bị người kế cận từ nơi khác chuyển về để “chờ” hoặc cấp phó lên thay.

Công việc còn lại là chuẩn bị giới thiệu bốn vị trí nhân sự chủ chốt, Bộ Chính trị cũng đã trình Hội nghị trung ương 14 thảo luận và chốt phương án nhân sự.

Chúng ta cũng biết là lần này có trường hợp “đặc biệt”, tức là trường hợp đã quá tuổi ứng cử Bộ Chính trị nhưng được tiếp tục tham gia khóa tới để đảm nhiệm vị trí đứng đầu Ban Chấp hành trung ương.

Đương nhiên, kết quả cuối cùng chỉ được chính thức công bố khi Đại hội XII bầu ra Ban Chấp hành trung ương khóa mới và trung ương bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

* Một số ý kiến nhận xét rằng trong các kỳ đại hội Đảng gần đây, việc chuẩn bị nhân sự các chức danh chủ chốt, ví dụ như khi đưa ra phương án trường hợp “đặc biệt” cho thấy rằng việc chuẩn bị nhân sự kế nhiệm chưa thật sự hoàn hảo, người ta cũng so sánh với Trung Quốc khi họ công khai thế hệ lãnh đạo kế nhiệm từ rất sớm. Ông nghĩ sao?

- Cá nhân tôi từng đi Trung Quốc nhiều lần và quan tâm nghiên cứu vấn đề này, có thể khẳng định rằng Trung Quốc họ rất nghiêm về kỷ luật, người đứng đầu đảng và nhà nước có vai trò rất lớn, thậm chí quyết định đến việc lựa chọn người kế nhiệm, trên đã nói là dưới phải nghe.

Còn đối với Việt Nam, tôi cho rằng trước hết là trong công tác cán bộ chúng ta dân chủ hơn, đưa ra nhiều phương án lựa chọn hơn. Đồng thời cần chú ý đến đặc điểm kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền trong cơ cấu chính trị của chúng ta, luôn đòi hỏi sự cân đối, hài hòa.

Điều này đòi hỏi trong khi làm công tác nhân sự cũng phải thảo luận, thậm chí là đấu tranh với nhau rất sôi nổi, nhiều khi đến phút cuối mới thống nhất được.

Công tác nhân sự có những giai đoạn trở nên hết sức khó khăn do giai đoạn đó không bật lên được những nhân vật đặc biệt xuất sắc, có vai trò thủ lĩnh, dẫn dắt như lịch sử từng có như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh.

Công tác nhân sự lại càng trở nên khó khăn hơn đối với những giai đoạn lịch sử thiếu người có vai trò dẫn dắt trong khi tồn tại có nhóm lợi ích vận động cho nhóm của mình, người của nhóm mình.

* Thưa ông, trong những giai đoạn nước lửa của cách mạng trước đây, rồi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, người cán bộ thường phải trực tiếp đối đầu với hiểm nguy, giữa sự sống và cái chết để đưa ra những quyết định, cho nên đã nảy sinh những nhân vật vượt trội và không khó để nhìn ra họ. Trong thời bình điều kiện hoàn toàn khác, nên việc đánh giá cán bộ cũng khó hơn chăng?

- Nhận định đó là đúng, nhưng cũng không hoàn toàn như vậy. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng không quá khó để chúng ta phát hiện ra những lãnh đạo giỏi, những lãnh đạo có tầm.

Ví dụ, nhiều người vẫn nhắc đến trường hợp cố bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Rõ ràng cứ nhìn vào diện mạo của Đà Nẵng, cách thức tổ chức quản lý, phát triển kinh tế - xã hội nơi đây có thể thấy dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh. Khi ông ấy qua đời, đông đảo người dân đã bày tỏ sự tiếc thương. Tôi nghĩ nhân dân ta công bằng lắm.

Nhưng thực tế đang đòi hỏi trong nội bộ Đảng phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo hướng mà nhiều người đã đề nghị là dân chủ hơn, công khai hơn, cạnh tranh hơn. \

Ví dụ, qua hai nhiệm kỳ đại hội gần đây nhất đã xảy ra tình trạng trung ương không bầu đủ số lượng ủy viên Bộ Chính trị như dự kiến, điều này cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự của trung ương khóa trước chưa thật sự hoàn hảo.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng công tác chuẩn bị nhân sự cần công khai hơn, dân chủ hơn, cụ thể như chuẩn bị số dư nhiều hơn để bầu, công khai tên tuổi các ứng cử viên để đảng viên và nhân dân giám sát, có ý kiến khi cần thiết (ví dụ như giám sát các bản kê khai tài sản của người ứng cử, rồi giám sát lối sống, tư tưởng đạo đức...), các ứng cử viên vị trí chủ chốt phải trình bày chương trình hành động, cạnh tranh dân chủ trong nội bộ Đảng để những người bỏ phiếu có đủ cơ sở lựa chọn... Những ý kiến như vậy cần được cấp có thẩm quyền tiếp thu, nghiên cứu, áp dụng.

* Có thể nói giai đoạn tới đây có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, việc thực hiện hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đã hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự báo sẽ tác động rất lớn đến cấu trúc kinh tế - xã hội nước ta. Là một cán bộ lão thành, ông kỳ vọng gì vào ban lãnh đạo mới, đặc biệt là người đứng đầu Đảng trong nhiệm kỳ tới đây?

- Tôi hi vọng vào sự sáng suốt của trung ương sẽ bỏ phiếu lựa chọn được những người xứng đáng nhất để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hội nhập rất quan trọng này.

Người đứng đầu và những người tham gia đội ngũ lãnh đạo trước hết phải có trí tuệ, có tâm huyết, có năng lực lãnh đạo được tích lũy từ thực tế, đồng thời phải “sạch sẽ”.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên