Xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo công tác dân nguyện sáng 12-7, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu việc phụ huynh xếp hàng thâu đêm nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 gây băn khoăn. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, nhất là ở TP.HCM, Hà Nội.
"Thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn thi đại học. Truyền thông đưa nhiều, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vào cuộc.
Có phải chúng ta thiếu trầm trọng trường công cấp 3 không? Thực tế này giải quyết thế nào?", bà Nga nêu quan điểm và đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo dân nguyện.
Nêu ý kiến về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết hiện nay số trường THPT ít hơn số trường tiểu học và trung học cơ sở do quan niệm xây thấp hơn.
Thêm vào đó, tỉ lệ học sinh không lên học THPT thì phân luồng bằng điểm thi. Ai điểm thấp phải sang tuyến khác, vì ngoài công lập có trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề...
"Nhu cầu muốn học THPT nhiều, đặc biệt là công lập vì chi phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư thục. Đây là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, cần nghiên cứu giải quyết", ông Vinh nói.
Ông thừa nhận muốn giải quyết không phải là chuyện dễ. Bởi thực tế các địa phương như Hà Nội hay TP.HCM hằng năm đều đầu tư nhiều cho trường lớp. Tuy nhiên bên cạnh nguồn tiền, còn cần quỹ đất, biên chế giáo viên.
Ông dẫn chứng báo cáo của TP.HCM cho thấy có dân số 9,2 triệu người nhưng thực tế ước tính cả vãng lai lên đến 14 triệu người. 5 triệu người chênh ra mà không tính sẽ khó khăn khi đưa ra chính sách phù hợp, dẫn đến thiếu gần 7.000 phòng học.
Đồng tình với đề nghị đưa nội dung này vào báo cáo dân nguyện, ông Vinh cho biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ nghiên cứu sâu, có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết.
Doanh nghiệp kêu vướng phòng cháy, chữa cháy
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy dù trong nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng đã nêu, nhưng thực tế theo phản ánh của doanh nghiệp vẫn vướng, nghẽn.
Do đó ông Thanh đề nghị lãnh đạo Bộ Công an có báo cáo thêm với Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Báo cáo thêm sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay hiện nay khó khăn nhất là ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn mới. Các nội dung này không phải là ngành công an, mà của chủ yếu ngành xây dựng, công thương, ngành kỹ thuật khác.
"Hiện nay việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chậm, rất bất cập. Nhiều công trình đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng không có tiêu chuẩn quy chuẩn nào, chủ yếu áp dụng ngoại lai các tiêu chuẩn nước ngoài.
Rồi tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở liên quan Bộ Xây dựng rất nhiều. Chúng tôi làm việc nhiều cuộc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, thúc đẩy, tập trung nhân lực xây dựng quy chuẩn, hạn chế bớt vấn đề áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài vào xây dựng của Việt Nam
Việc này không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Các bộ ngành phản ứng, vào cuộc tích cực để giải quyết sớm bất cập", ông Hùng nói.
Mặt khác ông Hùng thấy rằng một số kiến nghị của doanh nghiệp, người dân chưa thỏa đáng.
Doanh nghiệp muốn tối ưu hóa lợi nhuận nên muốn hạ thấp các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, gây ra tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản người dân.
"Những gì mang tính cơ bản phải kiên quyết bảo vệ, để doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm thoát nạn, nhất là chung cư cao tầng, công trình tầng hầm... Chúng ta đang thiếu và yếu về giải pháp, cần học hỏi quốc tế", ông Hùng nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận