Thực tế, vấn đề một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy tại TP.HCM đã được mổ xẻ lâu nay. Dù vậy, ở góc độ nào đó, việc này cũng chỉ mới dừng lại ở phân tích chung, chưa chỉ đúng người, vạch đúng địa chỉ.
Nhưng từ "trận thua" tăng trưởng quý 1-2023 đến những trận thua về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... đã đến lúc "vấn đề cán bộ" được mổ xẻ sâu.
Có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm
Ngay đầu buổi làm việc hôm 16-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TP.HCM sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ.
Các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện, cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chưa rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy thực thi nhiệm vụ. Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này.
Chủ nhà "mở lòng", khách cũng nói thẳng. Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ thẳng: "Cán bộ, công chức TP.HCM có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm".
Ông Dũng dẫn chứng: trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, nội dung hỏi hầu hết thuộc thẩm quyền TP.
Việc này cho thấy có sự đùn đẩy, không phối hợp với nhau. Mặt khác, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành TP chưa chặt chẽ, và sự phối hợp với các bộ, ngành cũng hạn chế, ảnh hưởng đến các khâu hướng dẫn, giải quyết các thủ tục. Việc này cần phải xử lý mạnh.
"Ngoài vấn đề khách quan ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, hai vấn đề lớn nhất của TP phải giải là niềm tin thị trường, tâm lý xã hội và sự e dè, sợ hãi, sợ trách nhiệm của cán bộ. Nếu không giải quyết được ngay sẽ không tạo được đột phá cho những quý sắp tới", ông Dũng nói.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng nhìn nhận tình trạng đùn đẩy trách nhiệm không chỉ diễn ra tại TP mà còn ở nhiều địa phương, có những việc đáng lẽ ra theo thẩm quyền, quy chế làm việc đã quyết được nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn máy móc lấy ý kiến rất nhiều ban, bộ, ngành, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc.
"Không thể đổ lỗi do quá trình xử lý mạnh tay với tham nhũng dẫn đến thực trạng này, cũng như không có việc hình sự hóa các thủ tục hành chính, mà những vụ việc xử lý vừa qua đều đúng pháp luật, như bài thuốc chữa trị căn bệnh tham nhũng", ông Hùng phân tích và kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo tháo gỡ tình trạng này trên cả nước.
Điều chuyển cán bộ không dám làm
Nhìn nhận tình trạng sợ trách nhiệm, trì trệ của một bộ phận cán bộ, công chức là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hạn chế về tăng trưởng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thẳng thắn: "Chúng tôi đang khắc phục, dứt khoát phải khắc phục".
Theo ông Nên, điều thực sự đáng lo hiện nay là nguồn nhân lực của hệ thống chính trị TP quá tải, thậm chí có nơi không đáp ứng được. TP đã quan tâm việc kiểm tra, uốn nắn, giám sát, xử lý rất nhiều nhưng cũng gặp một số khó khăn.
Thời gian tới, cán bộ nào chậm trễ, né tránh, trì trệ, thiếu trách nhiệm, sợ sai phạm không dám làm, cầu an thận trọng quá mức... TP.HCM sẽ có biện pháp xử lý.
Kết luận buổi làm việc, khi nói đến những hạn chế, yếu kém của TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý ngay thực trạng trì trệ của bộ phận cán bộ, đảng viên.
Thủ tướng đề nghị TP.HCM xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, trong đó có biện pháp điều chỉnh, sắp xếp lại cán bộ phù hợp khả năng, năng lực, nhiệt huyết.
Xử lý người vi phạm và kịp thời khen thưởng những người có thành tích. Cùng với đó, rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài.
Thủ tướng đề nghị TP.HCM nâng cao tinh thần trách nhiệm, cộng với các biện pháp về cán bộ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc.
Động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. "Tức là phải bảo vệ cả người dám nói nữa chứ không phải chỉ dám nghĩ, dám làm. Có những cái không đúng phải nói lại, chưa đúng thực tế phải nói nhiều lần", Thủ tướng nhấn mạnh.
* Ông Đào Ngọc Dung (bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):
Giải phóng tư tưởng cho cán bộ, công chức
Vấn đề quan trọng hàng đầu của TP.HCM cũng như các địa phương là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, công chức, những người thực hiện công vụ. Tư tưởng thụ động của một bộ phận cán bộ hiện nay thể hiện ở "3 không" gồm không nói, không tham mưu đề xuất và không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.
Để khắc phục được điều này, không chỉ về chủ trương mà còn cơ chế, quy định làm sao tạo môi trường an toàn cho cán bộ.
* Ông Nguyễn Duy Thăng (thứ trưởng Bộ Nội vụ):
Khẩn trương có chỉ thị tháo gỡ
Hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tuy nhiên, đây là nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí công tác của cán bộ.
* Ông Nguyễn Hồng Diên (bộ trưởng Bộ Công Thương):
Có cơ chế đặc thù giải quyết một số vướng mắc
TP.HCM phải có sự chia sẻ, đồng hành, cũng như có cơ chế để bảo vệ cán bộ trong hệ thống chính trị. Thực trạng hiện nay có cán bộ, công chức làm việc lo lắng ngại trách nhiệm, nhưng cũng có một bộ phận lo lắng. Vấn đề này cần sớm được giải quyết.
Các nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng giao cho TP.HCM
Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Triển khai có hiệu quả nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng nhanh, đền bù, tái định cư, nhất là các dự án giao thông.
Đẩy mạnh cải cách, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, PAPI...
Làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, đi đôi với phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Thành lập ngay tổ công tác do chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Gọi tên điểm nghẽn nhanh tay cắt bỏ
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo TP đều nhấn mạnh: Phải xử lý, điều chuyển với những cán bộ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND TP chỉ thẳng năm sở gồm Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội đang tồn đọng công việc nhiều nhất.
Lãnh đạo TP cũng đã phê bình nhiều đơn vị có tỉ lệ giải ngân đầu tư công quý 1-2023 bằng 0. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy có từ 55 - 63% các lĩnh vực được doanh nghiệp đánh giá có thái độ hỗ trợ tốt và xuất sắc, riêng cơ quan quản lý đất đai và xây dựng là thấp với 43%.
Cùng với đó, hàng loạt dự án bất động sản đang bị vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết. Như vậy cho thấy tại chính những cơ quan đứng đầu về đầu tư, xây dựng, đất đai, quy hoạch - những lĩnh vực hết sức quan trọng trong đầu tư công và tư - là những đơn vị đang "có vấn đề" nhất. Đây có thể là những chỉ số cho thấy cần những sự mổ xẻ sâu, quy trách nhiệm rõ ràng đối với các đơn vị và lãnh đạo đứng đầu.
Như TS Trần Du Lịch mới đây đề xuất, TP.HCM cần công bố các dự án đang chậm trễ thủ tục và nguyên nhân chậm trễ nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Đúng là đã đến lúc không thể chỉ nói vướng, chỉ nói khó khăn, mà phải chỉ ra vướng ở đâu, do cơ chế hay con người sợ làm, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Sau buổi làm việc với Thủ tướng, giới quan sát mong muốn những động thái mạnh tay hơn và thấy rõ hơn của việc xử lý nghiêm trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân lãnh đạo mà bắt đầu có thể chính từ những cơ quan đã được chỉ mặt đặt tên.
LỘC HÀ
Tháo gỡ cho dự án vì quyền lợi người dân
Tại cuộc họp, ông Hồ Đức Phớc - bộ trưởng Bộ Tài chính - cho biết cần tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp làm ăn được họ sẽ trả được nợ ngân hàng, nợ trái phiếu, nợ bảo hiểm, giải quyết được vấn đề lao động.
Theo ông Phớc: "Vấn đề vướng mắc nhiều nhất là vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản. Nếu đưa ra khẩu hiệu không hợp thức hóa cho các sai phạm thì không bao giờ giải quyết được".
Ông Phớc lý giải: đây không phải là vấn đề hợp pháp hóa, mà việc tháo gỡ vướng mắc nhiều khi vì quyền lợi người dân. Trước đây, vì hoàn cảnh, có những sự việc không làm đúng quy định pháp luật. Nhưng những cán bộ đó người vào tù, người về hưu, có người chết rồi nhưng quyền lợi của doanh nghiệp, của dân không ai giải quyết. Thậm chí, có những dự án đã bán sang nhiều đời chủ. Chưa kể có những bất cập quy định pháp luật trước đây dẫn đến những hậu quả, hệ lụy như hiện nay.
"Ví dụ quy định thời điểm tính giá đất là thời điểm giao đất, nhưng thời điểm đó không quy định rõ một ngày, một tháng hay một năm. Khi giao đất, doanh nghiệp thu tiền của người dân xong đi đầu tư dự án khác. Vậy không ai đóng nghĩa vụ tài chính cho ngân sách, quyền lợi người dân không được giải quyết. Xử lý như thế nào", ông Phớc nêu.
Từ đó, ông Phớc kiến nghị đối với những việc thẩm quyền do Chính phủ thì Chính phủ giải quyết; còn thuộc thẩm quyền do Quốc hội hay các cơ quan khác thì báo cáo để các cơ quan quan tâm giải quyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận