Đường hành quân trơn trượt, cảnh sát cơ động dò dẫm từng bước, băng qua hàng chục cây số rừng sâu, suối dữ, đồi sạt, cần mẫn "cõng" đồ tiếp tế đồng bào vùng sạt lở Lào Cai.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 1.

Những ngày tháng 10, Lào Cai se lạnh, sương trắng phủ khắp núi đồi.

Dưới bóng cờ Tổ quốc và những tán cây xanh, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an, hăng say rèn luyện thể lực, võ thuật.

Trong giờ giải lao, Trung tá Nguyễn Trung Thành, tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 - cùng cán bộ, chiến sĩ ngồi kể lại cho đồng đội nghe về cuộc hành quân gian nan "cõng" nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở Lào Cai không thể nào quên hơn một tháng trước.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 2.

Anh Thành nhớ những ngày đầu tháng 9, Lào Cai mưa to triền miên. Nước từ hàng trăm khe suối, sông Hồng đổ về gây ngập úng. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhiều nơi.

Ngày 9-9, thấy tình hình mưa lũ phức tạp, tiểu đoàn trưởng Cảnh sát cơ động số 4 gọi điện xin ý kiến lãnh đạo các cấp, xuất quân đi ứng cứu.

Anh Thành huy động cán bộ, chiến sĩ, phương tiện…cùng lực lượng công an địa phương tham gia cứu nạn, cứu hộ bà con vùng lũ. Hai ngày, lính tiểu đoàn dầm mình trong mưa lũ, giúp dân thành phố Lào Cai sơ tán, di dời đồ đạc.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 3.

Vừa chống lũ về, bộ quân phục còn ướt sũng, anh Thành cho quân họp gấp trong đêm, phân công nhiệm vụ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ tham gia hành quân vào bản làng giúp dân.

"Đồng bào vùng sạt lở bị cô lập, đói rét trên những triền núi đang chờ lực lượng vũ trang tiếp tế. Khó khăn, nguy hiểm cận kề nhưng cứu dân là ưu tiên hàng đầu", giọng Trung tá Nguyễn Trung Thành vang khắp phòng họp. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngồi phía dưới cùng hô vang "quyết tâm", xung phong lên đường.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 4.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 luyện tập điều lệnh, võ thuật - Ảnh: DANH TRỌNG

100 cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ được lựa chọn đi vào địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị nạn, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Sáng sớm 12-9, tiểu đoàn thần tốc hành quân bằng ô tô đến thị trấn phố Ràng (Bảo Yên). Qua trinh sát, nhận thấy các tuyến đường như quốc lộ 279, quốc lộ 70 dẫn vào UBND huyện Bảo Yên có hàng chục điểm sạt lở, chia cắt.

Trung tá Thành nhanh chóng bàn bạc với mọi người lên phương án lấy hàng cứu trợ từ điểm tập kết ở thị trấn, gói, buộc "cõng" bộ mang vào tiếp tế các hộ dân bị cô lập.

Lập tức, đoàn quân Cảnh sát cơ động xuống xe, bóc các hộp mì tôm, thùng nước, đồ ăn sẵn, thuốc men ra khỏi các tùng carton. Số nhu yếu phẩm này được xếp gọn vào balo chuyên dụng của từng chiến sĩ.

"Balo hết chỗ chứa rồi, nhưng tôi thấy có thể cho đồ vào bao tải mang thêm tiếp tế cho người dân", Thượng úy Đặng Ngọc Lâm (cán bộ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4) đề xuất.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 5.

Dứt lời, những người lính trẻ liền chất thêm nhu yếu phẩm vào các bao tải, dùng dây chằng, buộc bên ngoài balo. Mỗi người mang khoảng 25kg hàng cứu trợ.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 6.

"Lúc đó anh em chỉ nghĩ mang thêm được một gói mì, vĩ thuốc, chai nước.. cho bà con càng tốt, một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Có chiến sĩ cao 1m63, nặng 52kg nhưng vẫn cõng 25kg nhu yếu phẩm", Thượng tá Lâm bộc bạch và cho rằng "tình quân dân là động lực tiếp thêm sức mạnh phi thường".

Ăn vội mẫu lương khô cho chắc bụng, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động giúp đồng đội gùi hàng lên vai, xắn quần đến đầu gối hành quân vào hiện trường lúc 7h.

Quãng đường khoảng 20km từ thị trấn phố Ràng vào các xã Xuân Hòa, Tân Dương, Việt Tiến (thuộc huyện Bảo Yên)…ngày thường chỉ mất gần 40 phút đi xe, hôm ấy mất gần 6 tiếng đi bộ.

Lực lượng chia quân thành các mũi, mỗi hướng khoảng 20-30 người, "cõng" lên lưng balo, bao tải nặng trịch nhu yếu phẩm, hành quân vào hiện trường.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 7.

Đường quốc lộ bị chia cắt, nhiều điểm dọa sạt, đoàn quân cắt rừng, trèo đèo, vượt suối. Họ đi qua nhiều điểm đồi sạt lở bùn đất nhão nhoẹt, đặc quánh, đặt chân là thụt xuống, bùn lút tận đầu gối.

Gùi hàng trên vai nặng trĩu kéo đôi chân người lính trẻ lún sâu, "sa lầy". Tay chống xuống bám bùn, người đi trước quay lại dùng gậy, dây thừng kéo đồng đội phía sau lên. Tụt giày, dép, dẫm vào đinh…người lính vẫn chân trần bước tiếp.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 8.

"Các đồng chí cố gắng lên. Đích đến là hàng chục mạng sống đồng bào đang đói khát. Bằng mọi giá phải mang đồ đến cứu dân", Trung tá Thành động viên và nhắc nhở các cán bộ, chiến sĩ "phải cẩn thận, đảm bảo an toàn tuyệt đối".

Cùng lúc, phía bên đồi đối diện đất đá đổ sạt "ầm ầm" xuống sông. Tiếng gió rừng rít liên hồi. Âm thanh đất đá sạt lở xuống vọng khắp núi đồi.

Anh Thành ví cảnh tượng hãi hùng "như chỉ có trong phim". Vị tiểu đoàn trưởng nhận định "người nào tâm lý yếu chắc sẽ khiếp sợ, bỏ cuộc".

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 9.

Quãng đường hành quân dài khiến đôi vai chiến sĩ hằn vết bầm tím, có người bị mảnh sành, mỏm đá làm xây xước, cứa rách tay chân.

Sau gần nửa ngày bộ hành, 100 Cảnh sát cơ động đã mang được hàng trăm kg nhu yếu phẩm đến các bản làng bị cô lập. Trước mắt đoàn quân là khung cảnh tan hoang, nhà cửa, cây cối, đất đá chồng chéo lên nhau, "ai nấy đều xót xa".

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 10.

Thấy đoàn quân mặc sắc phục cảnh sát cơ động ướt sũng, gương mặt lấm lem bùn đất, người dân vui mừng, rung rưng nước mắt. Họ giống như những đứa trẻ nhiều ngày sống trong lo lắng, hoảng sợ, không biết bấu víu vào ai, nay tìm được điểm tựa.

"Các chú cảnh sát đến đây rồi. Nhà cửa bị vùi lấp hết, không còn gì nữa, khổ lắm các chú ơi...", một người phụ nữ ở bản Cuông 3 (xã Xuân Hòa) nắm chặt đôi bàn tay anh Thành, khóc mếu máo.

Bà ríu rít "cảm ơn các chiến sĩ "vượt đường xa đến với dân bản. "Thương các chú lắm".

Trong phút giây đó, những người lính tiểu đoàn cũng không kìm được xúc động, đôi mắt ngấn lệ. Với họ khoảng khắc ấy bản thân không còn là lực lượng vũ trang đến với dân mà như con cái trở về nhà giúp gia đình, người thân.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 11.

"Trao đồ đến tay người dân thấy nhẹ lòng hơn. Không phải vì gỡ bỏ được gùi hàng nặng xuống mà vì đã đưa được cái ăn đến với đồng bào", Thượng úy Đặng Ngọc Lâm nghẹn lời.

Những ngày làm nhiệm vụ, người lính tiểu đoàn nhớ nhất gương mặt của cô bé 6 tuổi, chân tay lấm bùn, run run, cõng em nhỏ trên lưng. Hai chị em đi bộ trong chiều mưa từ trên bản Cuông 3 xuống UBND xã Xuân Hòa.

Mẹ ốm nặng, cha không ở nhà, vì quá đói, cô bé đưa em xuống xin đồ ăn, nước uống. Thương hai cháu nhỏ, lính tiểu đoàn hỏi thăm, động viên, mang theo đồ cứu trợ, cõng hai chị em về lại bản.

Chiều dần buông, những người lính trẻ thu xếp quân trang, điểm danh quân số, hành quân trở ra khu tập kết ở thị trấn. Người đồng bào thật bụng định nấu mì mời tiểu đoàn "ăn chắc cái bụng rồi về". Cán bộ, chiến sĩ cảm ơn, không nhận, nhường phần cho bà con.

Cõng nhu yếu phẩm tiếp tế đồng bào vùng sạt lở - Ảnh 12.

Sau biến cố đau thương, cuộc sống những người dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét ở Lào Cai dần hồi sinh, vươn lên mãnh mẽ như những cây xanh giữa đại ngàn.

Những "lá chắn thép" - Cảnh sát cơ động trở về doanh trại tiếp tục học tập, huấn luyện, sẵn sàng "lúc dân cần, lúc dân khó, có công an"

DANH TRỌNG
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0