27/07/2020 09:21 GMT+7

Công nhân Việt ở Guinea Xích đạo, Uzbekistan: Mong từng ngày được về nước

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Theo phương án của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao vừa gửi Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan liên quan, chuyến bay dự kiến chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo sẽ về nước vào trưa 29-7.

Công nhân Việt ở Guinea Xích đạo, Uzbekistan: Mong từng ngày được về nước - Ảnh 1.

Một trong các công nhân Việt có triệu chứng nhiễm COVID-19 tự cách ly tại khu nhà ở tập thể dành cho công nhân ở Uzbekistan - Ảnh: DƯƠNG NGỌC HẢI

Tiếp đó là đoàn công nhân từ Uzbekistan vào đầu tháng 8.

Đang nằm điều trị tại Bệnh viện La Paz ở thành phố Bata (Guinea Xích Đạo) do dương tính với COVID-19, Phạm Ngọc Hoài - 27 tuổi, quê ở Thanh Hóa - kể với Tuổi Trẻ rằng đã phải nhập viện từ đầu tháng 7. Theo Hoài, vào khoảng cuối tháng 6, một lao động Việt bị sốt, khó thở và được đưa đi khám bệnh vì nghi bị... sốt rét. Thời điểm đó, mọi người cũng thắc mắc hỏi công ty là anh ấy có nhiễm COVID-19 không nhưng câu trả lời là không nên các lao động người Việt không đề phòng.

Tại công trường này, có đến 219 công nhân Việt Nam làm cho 3 nhà thầu/công ty Việt Nam khác nhau là Lilama 10, CM Vietnam và Tân Đại Lợi. Tổng thầu là Công ty Duglas Alliance Ltd của Anh.

“Kể từ khi biết kết quả xét nghiệm, không ai nói chuyện với ai. Gọi về nhà gia đình toàn khóc càng khiến chúng tôi buồn hơn. Người dương tính suy sụp tinh thần vì sợ bệnh trở nặng mà không được chữa trị. Giờ mỗi người ngồi một góc.

Anh Dương Ngọc Hải (lao động ở Uzbekistan)

Nhảy tưng tưng như những đứa trẻ

Đa số lao động người Việt làm các công việc như hàn, đổ bêtông, lắp giàn giáo, xây dựng... trên công trình thủy điện Sendje từ giữa tháng 11-2019. Hằng ngày mọi người đi làm chung trên xe buýt lớn, người Việt có đeo khẩu trang nhưng lao động các nước khác thì không.

Ngày 22-6, Hoài làm đêm, mệt đến mức không thể tập thể dục hay ăn sáng. Sau đó, Hoài bị sốt. Lúc mới sốt, ho, Hoài nghỉ tại khu nhà ở, được cho uống thuốc hạ sốt. Khi bệnh nặng hơn, Hoài được đưa đến bệnh viện và có kết quả dương tính với COVID-19.

Khi bệnh COVID-19 xuất hiện ở công trường, mọi người rất hoang mang nhưng ráng động viên nhau chờ đợi được về nước. Hoài gọi điện báo cho mẹ về tình hình sức khỏe và hoàn cảnh của mình. Mẹ khóc nức nở, Hoài phải động viên lại mẹ. Hoài cho biết cuộc sống công nhân ở đây khá tốt, đồ ăn đầy đủ, nhà bếp riêng, nhưng ở bệnh xá hoàn cảnh khác. Tuy nhiên, Hoài cũng xác nhận việc điều trị là một nỗ lực của ngành y tế bản địa vì anh được điều trị miễn phí.

Tại trung tâm y tế nơi Hoài điều trị còn có anh Trương Văn Tiên (40 tuổi, quê ở Thanh Hóa) cũng là bệnh nhân COVID-19. Anh Tiên hết hợp đồng từ ngày 20-5 sau khi làm việc 18 tháng nhưng do dịch bệnh, các chuyến bay không còn, anh bị kẹt ở nước sở tại. Anh nhập viện từ ngày 29-6 đến nay và cũng như các bệnh nhân người Việt nhiễm COVID-19 đang điều trị tại đây, anh chưa biết khi nào được xuất viện. Các anh đã được xét nghiệm 4-5 lần nhưng chưa biết đã âm tính hay chưa. Mong muốn lớn nhất của anh là được về nước để điều trị vì điều kiện y tế của nước sở tại nhìn chung không tốt như ở Việt Nam.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng Việt Nam, tính đến nay có khoảng 120 công nhân Việt tại Guinea Xích Đạo bị nhiễm COVID-19, tức hơn phân nửa số lao động. Vì thế họ mong mỏi từng ngày được trở về quê hương. Hoài kể khi nghe được thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 10-7, chỉ đạo đưa số lao động ở Guinea Xích Đạo về nước, mọi người rất vui mừng. "Anh em chúng tôi kéo nhau ra khỏi phòng nhảy tưng tưng như những đứa trẻ" - Hoài kể với Tuổi Trẻ.

Công nhân Việt ở Guinea Xích đạo, Uzbekistan: Mong từng ngày được về nước - Ảnh 3.

Anh N.T.S. - công nhân Việt Nam được điều trị COVID-19 tại trung tâm y tế La Paz của Guinea Xích Đạo - Ảnh: PHẠM NGỌC HOÀI

Nỗi khổ ở Uzbekistan

Câu chuyện của các lao động Việt tại CH Uzbekistan cũng tương tự như nhóm ở Guinea Xích Đạo: nhiều người nhiễm bệnh và mong từng ngày được đưa về nhà. Họ làm việc cho Tập đoàn dầu khí China Petrolium Jili Chemical Engineering and Construction Co., Ltd (Công ty TNHH Xây dựng và kỹ thuật hóa chất dầu khí Cát Lâm, Trung Quốc - JCC). 226 người sang một lượt, theo hợp đồng 16 tháng, qua Công ty Bảo Sơn, chi nhánh ở Hà Nội.

Dương Ngọc Hải (33 tuổi, quê ở Nghệ An) là 1 trong 6 người làm quản lý lao động Việt Nam ở đó. Hôm 23-7, Hải nhắn tin thông báo với Tuổi Trẻ trong tâm trạng tuyệt vọng: "Giúp chúng em với. Hôm nay có 43 người khó thở nhưng khu vực cách ly điều trị quá tải không còn chỗ nữa". Một số người nhiễm phải nằm chờ bên ngoài do bên trong khu cách ly không còn giường.

Tổng số người Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc làm việc cho JCC là khoảng 700 người. Trên công trường thường có 4.000 - 5.000 công nhân của nhiều công ty khác nhau, các quốc tịch khác, thi công những hạng mục khác.

Hải kể vào đầu tháng 7-2020, có một số người thuộc nhiều quốc tịch, trong đó có 20 lao động Việt, có các triệu chứng sốt cao, ho, mệt mỏi... Số này liên tục tăng nhưng chỉ được cho nghỉ ngơi tại phòng trọ của mình do khu cách ly không có quạt trong khi trời bên ngoài nắng nóng hơn 40OC. Việc thăm khám cũng sơ sài, người bệnh chỉ được cho uống thuốc hạ sốt nhưng thuốc này cũng không nhiều.

Để chuẩn bị đón số lượng bệnh nhân COVID-19 người Việt từ Guinea Xích Đạo và Uzbekistan, dự kiến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương sẽ giải tỏa bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở 2 của bệnh viện vào đầu tuần tới, dành toàn bộ cơ sở hiện có cho bệnh nhân COVID-19 trên 2 chuyến bay và những người trong đoàn. Dự kiến bệnh viện có đủ chỗ phục vụ 500 người cách ly và điều trị.

Do số người có triệu chứng nhiễm COVID-19 ngày càng nhiều, dưới áp lực từ người lao động, ngày 15-7 công ty cho lấy mẫu xét nghiệm những người có triệu chứng. 

Đến ngày 20-7, dù đã dự đoán trước tin xấu, nhóm lao động Việt Nam vẫn không khỏi bàng hoàng: 92 trong số 226 người bị dương tính với virus corona và toàn công trường có 1.000 người dương tính.

Các công nhân Việt Nam sống trong 29 phòng và trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, họ vẫn sống chung với nhau mà không có biện pháp cách ly. 

Hải cho biết anh và các công nhân khác không muốn than vãn nhưng trước hoàn cảnh hiện tại, họ thấy về quê nhà là lựa chọn an toàn nhất cho tính mạng và sức khỏe của họ. Anh Hải khẳng định các công nhân Việt đã trả khoảng 1.800 USD phí xuất khẩu lao động để đi làm tại Uzbekistan. Họ mới làm việc được 6 tháng nhưng tất cả giờ chỉ mong về nước.

Theo thông tin mới nhất, chuyến bay đưa số lao động tại Uzbekistan về nước sẽ được thực hiện trong một ngày đầu tháng 8. Biết được tin này, Hải cùng các anh em thấy thắp lên niềm hi vọng...

'Dọn chỗ' cho hơn 200 bệnh nhân COVID-19 về nước

TTO - Theo thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, trong vài ngày tới sẽ có 2 chuyến bay đưa bệnh nhân COVID-19 về nước từ Guinea Xích Đạo và Uzebekistan.


HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên