Hội thảo về các văn bản quản lý văn bằng, chứng chỉ và công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp do Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 4-8 tại TP.HCM. Đại diện các trường đại học, sở giáo dục và đào tạo các địa phương tham gia.
Phải có minh chứng
Tại hội thảo, Cục Quản lý chất lượng cung cấp những điểm mới trong dự thảo về công nhận văn bằng so với quy định trước đây. Một số nội dung cục lấy ý kiến các đại biểu như tách công nhận và xác thực văn bằng, công nhận văn bằng không phân biệt loại hình đào tạo, liên kết đào tạo...
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu có ý kiến là việc công nhận không phân biệt hình thức đào tạo. Nếu như trước đây các quy định liên quan đến công nhận văn bằng đào tạo trực tuyến, từ xa yêu cầu minh chứng khá nghiêm ngặt thì dự thảo mới không còn các quy định này.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội - cho rằng cần có yêu cầu minh chứng hình thức đào tạo để đảm bảo người có tên trên văn bằng học thật, thi thật.
Trong khi đó, ông Dương Tôn Thái Dương - phó ban đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng dự thảo mới có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên ông băn khoăn liệu công nhận không phân biệt hình thức đào tạo có phù hợp luật hay chưa.
"Chuẩn đầu ra của các hình thức đào tạo có tiệm cận chuẩn quốc gia của Việt Nam chưa? Chuẩn đầu ra giữa các nước có tương đương nhau không? Đây là vấn đề hết sức quan trọng không chỉ với người học mà còn các trường, thị trường lao động" - ông Dương nói thêm.
Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Thu Thủy - phó ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng mỗi hình thức đào tạo có đặc thù riêng. Trong các quy định về công nhận văn bằng có nội dung đào tạo thì cần phải có hình thức đào tạo.
Khó khăn khi công nhận văn bằng
Cũng tại hội thảo này, đại diện nhiều trường và sở cho rằng không chỉ người có nhu cầu công nhận văn bằng mà ngay cả cơ quan công nhận cũng gặp khó khăn.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết chỉ trong tháng 5-2023 sở này phải công nhận hơn 50 bằng tốt nghiệp THPT nước ngoài. Người này cho biết có nhiều lúc bị trễ do thủ tục xác minh khó khăn. Theo ông, tính chuyên nghiệp trong vấn đề này của sở chưa cao do còn hạn chế về ngoại ngữ, nguồn dữ liệu tra cứu, khó xác nhận tính tương đồng về chương trình...
Đó là chưa kể một số trường phổ thông được thành lập theo diện đặc biệt, không làm thủ tục cấp phép qua sở. Từ đó ông đề xuất chuyển việc công nhận bằng tốt nghiệp THPT về Trung tâm Công nhận văn bằng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ở khía cạnh trường đại học, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết đang xem xét cấp phép liên kết đào tạo cho một trường thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên chương trình đào tạo của họ chỉ có 72 tín chỉ trong khi Việt Nam quy định 120 tín chỉ. Liệu bằng tốt nghiệp có được bộ công nhận không?
"Sinh viên cùng một khóa, cùng lớp và chương trình đào tạo liên kết với Pháp nhưng có người được bộ công nhận, có người không được" - bà Thủy nêu thực tế. Cục Quản lý cho rằng việc công nhận tùy thuộc vào quy định của thời điểm nộp hồ sơ đề nghị công nhận. Không có chuyện hai người nộp cùng thời điểm nhưng người được, người không.
Tuy vậy, ông Phùng Thanh Thắng - Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng nêu thực tế các sinh viên cùng khóa, cùng chương trình nhưng người được công nhận, người không. Ông Thắng cho rằng mỗi thời điểm có quy định khác nhau nhưng các sinh viên học cùng khóa, cùng chương trình nhưng người được công nhận, người không, như vậy có công bằng không? Ông kiến nghị bộ xem lại vấn đề này.
Lưu ý khi liên kết với các đại học châu Âu
Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Thị Ngọc Bích - giám đốc Trung tâm Công nhận văn bằng Bộ Giáo dục và Đào tạo - khuyến nghị các trường hết sức lưu ý khi liên kết đào tạo với các trường đại học khu vực châu Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha...
Theo bà Bích, hệ thống văn bằng của các nước này khá phức tạp. Có những trường đại học công lập tại Pháp nhưng bằng của họ không phải là bằng quốc gia và chưa chắc được cơ quan có thẩm quyền ở Pháp công nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận