26/05/2016 20:25 GMT+7

Công nhân mở rộng đình công, Chính phủ Pháp vẫn cứng rắn

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Đến chiều 26-5, cuộc đình công của công nhân Pháp để phản đối dự luật cải cách lao động tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp vẫn kiên quyết giữ vững lập trường về dự luật cải cách lao động.

Công nhân Pháp chặn đường vào một nhà máy lọc dầu - Ảnh: REUTERS
Công nhân Pháp chặn đường vào một nhà máy lọc dầu - Ảnh: REUTERS

Xăng thiếu, doanh nghiệp khó khăn

Trong diễn biến mới nhất, những công nhân cảng đã tràn vào quảng trường trước tòa thị chính của thành phố cảng Le Harve, đốt pháo sáng quăng khắp nơi. Họ đốt pháo sáng và quăng vào các đài phun nước, tạo thành những cột nước lớn.

Le Harve cũng là một trong những điểm nóng của cuộc biểu tình bởi công nhân đã chặn đường vào một trong những kho dầu lớn nhất nước Pháp.

Song song đó, công nhân ngành điện cũng tham gia đình công. Theo tính toán của tờ Bloomberg, các công nhân điện đình công khiến sản lượng điện sản xuất giảm 4.845 megawatt.

Thủ tướng Manuel Valls cho biết 30% trong tổng số 12.000 cây xăng tại Pháp đang thiếu hụt nguồn hàng.

Còn theo Hãng tin AP, Thứ trưởng giao thông Alain Vidalies thừa nhận tình hình đang rất khó khăn vì công nhân tại 5/8 nhà máy lọc dầu đã đình công, trong khi một nhà máy khác đang đóng cửa bảo dưỡng.

Ông Vidalies cũng cho biết Pháp đã phải sử dụng ba ngày dự trữ khẩn cấp và thông tin rằng nhu cầu tăng gấp ba lần ngày thường do người dân lo sợ thiếu hụt nhiên liệu.

Tại ngoại ô Paris, tài xế 33 tuổi Radwan Salleh cho biết anh chỉ đổ được 30 euro xăng. Trong khi đó thanh niên 22 tuổi Matthieu Daviaud mất cả buổi tối và sáng để tìm được cây xăng còn hàng.

Trong khi đó Bernard Ballaux, chủ một cây xăng, giới hạn mức mua tối đa của mỗi khách hàng là 50 euro.

Tuy nhiên, ông Vidalies khẳng định sẽ không có chuyện nước Pháp mất điện hay thiếu hụt hoàn toàn xăng. Ông Vidalies cho biết đã mở lại được 11 kho xăng, sẽ còn tiếp tục mở thêm và tuyên bố nếu cần, Pháp hoàn toàn có thể nhập khẩu điện.

Dù thiếu xăng nhưng các phương tiện giao thông công cộng tại Pháp cơ bản được đảm bảo. Ba trong số bốn tàu cao tốc đường dài vẫn hoạt động; xe lửa đến London, Anh và Brussels, Bỉ vẫn hoạt động bình thường. Số lượng chuyến bay bị hủy hoặc hoãn tại sân bay Charles de Gaulle chỉ vào khoảng 15%.

Tuy nhiên, các công nhân trong ngành giao thông cho biết sẽ đình công trong tuần sau. Các nghiệp đoàn kêu gọi công nhân tuần hành biểu tình tại Paris trong ngày hôm nay 26-5 và ngày 14-6.

Việc các công nhân giao thông sắp đình công và khó khăn trong mua nhiên liệu khiến nhiều doanh nghiệp của Pháp lao đao. Tổ chức doanh nghiệp và nông nghiệp Pháp đưa ra tuyên bố chung rằng nhiều thành viên của họ phải giảm hoạt động, còn một số khác có thể phá sản. 58% các công ty vừa và nhỏ gặp khó khăn trong khâu giao hàng, còn 47% gặp khó khi mua nguyên liệu.

Chính phủ không nhượng bộ

Dù công nhân đình công trên diện rộng nhưng Chính phủ Pháp vẫn giữ lập trường cứng rắn về dự luật cải cách lao động, trong đó giảm các điều khoản bảo vệ người lao động.

Thủ tướng Manuel Valls nói trên truyền hình BFM: “Có nhiều điểm (trong dự luật) cần nhấn mạnh thêm hoặc làm nhẹ”. Tuy nhiên, ông Valls cũng khẳng định không có chuyện sửa những điểm chính trong luật và chắc chắn càng không có chuyện bỏ luật này.

Tờ Bloomberg cho biết hồi tháng 3, sau vài tranh cãi ban đầu, chính quyền của Tổng thống François Hollande đã thông qua các khoản trong dự luật, trong đó có giảm mức bồi thường sa thải, rồi dùng sắc lệnh đặc biệt để thông qua quốc hội mà không cần tranh luận.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Shaeuble cho biết cuộc đình công biểu tình này thể hiện truyền thống dân chủ của nước Pháp.

Hãng tin AP dẫn lời ông Shaeuble: “Pháp là một đất nước tuyệt vời với nền dân chủ rất mạnh và nước Pháp hoàn toàn có thể sống với những tranh chấp kiểu này”. Ông Shaeuble khẳng định những tranh chấp này không thể khiến Pháp “ngừng cải cách”.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên