24/04/2025 22:20 GMT+7

Công nhận đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích quốc gia đặc biệt

Tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho đường Hồ Chí Minh trên biển. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Công nhận đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh: THANH HUYỀN

Tối 24-4, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

Sau năm 1960, phong trào cách mạng tại miền Nam phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu vũ khí phục vụ cho chiến trường rất lớn nhưng các tuyến vận tải trên bộ lại gặp nhiều khó khăn. 

Ngày 23-10-1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 với nhiệm vụ nghiên cứu và mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển để đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam.

Từ chủ trương trên, Trung ương Cục miền Nam chỉ thị các tỉnh miền Nam tổ chức tàu vượt biển ra Bắc để báo cáo tình hình và nhận vũ khí về phục vụ công cuộc kháng chiến. Sau thời gian kiểm tra thăm dò địa hình, bến Vàm Lũng được xác định là nơi tiếp nhận vũ khí thuận lợi nhất.

Công nhận đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Khu di tích lịch sử bến Vàm Lũng nằm cạnh dòng sông thông ra biển - Ảnh: THANH HUYỀN

Bến Vàm Lũng gắn liền với Ðoàn 962, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu, bí mật tiếp nhận, cất giấu vũ khí và vận chuyển đến quân giải phóng. Trong số 124 chuyến tàu do Đoàn 962 tiếp nhận, các bến ở Cà Mau đã tiếp nhận 76/124 chuyến. Riêng bến Vàm Lũng tiếp nhận 68 chuyến với hơn 4.300 tấn vũ khí, đạn dược.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy - nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 - chia sẻ trong hoạt động của Đoàn 962, có một nhân tố trực tiếp đến nhiệm vụ của đoàn đó là "nhân dân", vì muốn mở bến phải di dân và phải giữ bí mật nhiệm vụ của đơn vị đối với nhân dân nhưng lại cần sự chở che đùm bọc của nhân dân. 

Chính tấm lòng sắt son, sự đoàn kết quý báu đó đã tạo nên một bến cảng vô cùng đặc biệt: bến cảng lòng dân.

đường hồ chí minh trên biển - Ảnh 3.

Nhiều cựu chiến binh về lại chiến trường xưa để xem mô hình đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh: THANH HUYỀN

Ông Nguyễn Minh Luân - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết di tích đường Hồ Chí Minh trên biển (bến Vàm Lũng) là di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của tỉnh, có ý nghĩa giá trị tinh thần rất lớn trong giáo dục truyền thống của dân tộc; đồng thời tiếp thêm sức mạnh để Đảng bộ tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 và thời gian tới.

"Tôi rất xúc động trước những giá trị của đường Hồ Chí Minh trên biển nói chung và điểm bến Vàm Lũng nói riêng. Nếu như người dân nơi đây không hiến đất, không tạo lá chắn cho bến Vàm Lũng này thì không có được chiến công vẻ vang như hôm nay. 

Cùng với đó là sự mưu trí, dũng cảm của các thế hệ đoàn tàu không số trên biển như giả làm ngư dân, thuyền 2, 3 đáy để chuyển vũ khí và có những lần các chiến sĩ đoàn tàu không số cho nổ tàu và hy sinh khi bị bại lộ. Những hành động cao cả như vậy để lại nhiều bài học quý cho tinh thần quyết chiến đấu đến cùng để đạt mục tiêu độc lập dân tộc", ông Luân chia sẻ.

Công nhận đường Hồ Chí Minh trên biển là Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 4.Kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô đón tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển

Tỉnh Phú Yên tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của tàu không số và đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên