Các chủ xưởng ở trung tâm sản xuất thời trang toàn cầu Bangladesh đưa ra yêu cầu trên, trong bối cảnh công nhân đòi tăng lương nhưng doanh số từ ngành may mặc đang suy giảm.
Ngày 8-11, cảnh sát cho biết một nữ công nhân đã thiệt mạng và một số người khác bị thương ở Bangladesh, trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các công nhân may ném đá đòi tăng lương cao hơn.
Sau một tuần xung đột căng thẳng giữa công nhân ngành dệt may và cảnh sát về vấn đề trả lương, ngày 7-11, Chính phủ Bangladesh cho biết mức lương tối thiểu sẽ tăng 56,25% lên 12.500 taka (114 USD) mỗi tháng kể từ ngày 1-12, mức tăng đầu tiên sau 5 năm.
Mức lương thấp đã giúp Bangladesh trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu và điện tăng vọt đã khiến chi phí sinh hoạt của người dân tại quốc gia Nam Á đang phát triển này tăng vọt.
Ông Siddiqur Rahman, đại diện các chủ nhà máy, cho biết họ cùng lãnh đạo công đoàn và các quan chức đã nhất trí tăng lương.
Trả lời Hãng tin Reuters 8-11, ông Rahman tuyên bố việc tăng lương có thể là một "thảm họa" đối với ngành dệt may của Bangladesh, vốn chiếm gần 16% GDP và tạo ra doanh thu xuất khẩu hơn 40 tỉ USD mỗi năm.
Bangladesh là nơi có hơn 4.000 nhà máy cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu toàn cầu, từ các nhà bán lẻ thời trang nhanh như Inditex (chủ sở hữu thương hiệu Zara) và Gap, cho đến các hãng thời trang cao cấp hơn như Hugo Boss và Lululemon.
Giống như hầu hết các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, các nhà bán lẻ thời trang đang vật lộn với lượng hàng tồn kho cao. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại cũng khiến người mua hàng ở các thị trường trọng điểm ít hơn.
Bối cảnh trên đã khiến xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh giảm 14% trong tháng trước.
Ông Fazlul Hoque, cựu chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh, nhận định đây là "thời điểm không phù hợp" để tăng lương.
"Ngành công nghiệp này đang gặp khó khăn, dòng đơn hàng chậm, nguồn cung cấp năng lượng không đủ và tình hình kinh tế chung không tốt. Trong thời điểm đó, việc tăng lương lớn chắc chắn sẽ khó khăn... nhưng từ góc độ người lao động, tôi đồng ý rằng đây là nhu cầu chính đáng", ông Hoque nói.
Theo ông Hoque, mức tăng lương gần 60% sẽ đẩy tổng chi phí sản xuất tăng thêm 5-6%. Đây là mức tăng mà cả ông Hoque và các chủ nhà máy khác đã yêu cầu khách hàng của họ hỗ trợ.
Lao động chiếm từ 10% đến 13% tổng chi phí của các nhà sản xuất Bangladesh.
Tuy nhiên, vị cựu chủ tịch trên không lạc quan về lời kêu gọi từ các chủ nhà máy.
"Trước đây, chúng tôi thấy họ chỉ tăng một chút, không đủ để trả thêm chi phí... Có thể có những trường hợp ngoại lệ, nhưng có hàng nghìn người mua và không phải ai cũng đồng ý chi trả toàn bộ số tiền. Không có quy định pháp lý nào ràng buộc người mua", ông Hoque giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận