30/10/2024 08:28 GMT+7

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới

Xu hướng 'bỏ phố về quê' không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai. Sự dịch chuyển khó tránh khỏi khi nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu cuộc sống của người lao động có khác trước.

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 1.

Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP.HCM) là nơi thu hút rất nhiều người lao động - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Giải pháp nào để doanh nghiệp không thiếu hụt nhân lực và người lao động dù về quê hay ở lại phố vẫn có thể sống tốt hơn với sự lựa chọn của mình?

TP.HCM cần có những chính sách ưu đãi và hướng đào tạo giúp lao động phổ thông trở thành lao động chất lượng cao.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM):

TP.HCM cần tập trung đào tạo, thu hút lao động trình độ cao

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang có xu hướng cải tiến công nghệ để nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí. Việc này khiến nhu cầu lao động phổ thông giảm đi. Ngược lại, cơ hội cho lao động có tay nghề, chất lượng cao sẽ tăng.

Việc chuyển đổi cơ cấu từ những ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang công nghiệp công nghệ cao ảnh hưởng ít nhiều đến tỉ lệ dân nhập cư vào TP.HCM.

Sau các đợt đầu tư về cơ sở hạ tầng, mở rộng kết nối, việc đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh thành lân cận đã gần và thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Trong khi đó chi phí về mặt bằng tại các khu công nghiệp của TP.HCM lại cao hơn so với các tỉnh thành khác. 

Làn sóng dịch chuyển nhà máy từ TP.HCM sang các tỉnh thành khác là điều khó tránh khỏi.

Một lý do nữa là chuyện giữa thu nhập và chi phí. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở TP.HCM thấp hơn tỉnh lân cận là Bình Dương, trong khi TP.HCM có mức sống quá cao. Muốn trở thành điểm thu hút hàng đầu người lao động, tạo động lực tiếp tục phát triển kinh tế, TP.HCM phải có chiến lược cụ thể.

Dẫu biết việc để người lao động tự học, nâng cao tay nghề sau khi tan giờ làm rất khó, bởi phải lo cho gia đình, cần thời gian nghỉ ngơi nhưng việc này thực sự rất cần. Doanh nghiệp đang sử dụng lao động cũng phải tạo điều kiện, thời gian để công nhân nâng cao tay nghề, kiến thức.

ThS Phạm Bình An (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Rà soát lại chính sách với người lao động

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 3.

ThS Phạm Bình An

Những năm qua kinh tế TP.HCM phát triển cơ bản theo chiều rộng nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế, không đáp ứng phát triển theo chiều rộng.

Diện tích đất khu công nghiệp trên toàn TP.HCM đạt 5.921ha, chỉ chiếm 2,81% so với cả nước, giá đất ngày càng đắt đỏ.

TP.HCM cần tái cơ cấu nền kinh tế hay chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số), nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

TP.HCM hiện vẫn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho cả vùng. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là bước chuẩn bị, đầu tư đón đầu. Dù TP.HCM đã có những chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng thực sự vẫn chưa hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhân lực chất lượng cao chọn nơi nào không chỉ vì với mức lương cao, các khoản hỗ trợ mà còn là ở môi trường làm việc, sự trọng dụng và lộ trình phát triển... Do vậy cần rà soát lại những chính sách để thay đổi cho phù hợp.

Ông Trần Văn Hà (phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang):

Quy luật của thị trường lao động

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 4.

Ông Trần Văn Hà

Theo đúng quy luật của thị trường lao động, khi các tỉnh có công nghiệp, dịch vụ phát triển thì người lao động tìm tới. Sau này quê hương họ phát triển, họ lại trở về, trở thành nòng cốt.

Lương ở các thành phố lớn có thể cao một chút nhưng khó tiết kiệm vì tốn nhiều chi phí từ đi lại, ăn uống, thuê nhà... Những năm gần đây chế độ đãi ngộ, lương thưởng của doanh nghiệp ở tỉnh hấp dẫn, chi phí sinh hoạt ở tỉnh thấp hơn thủ đô.

Lao động làm gần nhà sẽ có hỗ trợ từ gia đình, người thân như trông con, không mất tiền thuê nhà, thời gian đi từ nhà đến nơi làm ngắn... Các doanh nghiệp cũng mong tuyển dụng được lao động địa phương vì nếu sử dụng lao động ngoại tỉnh thì phải lo tìm chỗ ăn, chỗ ở, rồi phát sinh vấn đề về giao thông, an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Minh Cảnh (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa):

Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu lao động

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Minh Cảnh

Sau dịch COVID-19, một bộ phận công nhân thất nghiệp đi làm shipper, xuất khẩu lao động hoặc làm tự do. Khi đơn hàng quay trở lại, thị trường thiếu lao động. Thanh Hóa thiếu khoảng 20.000 lao động từ giờ tới cuối năm.

Nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hóa lựa chọn khu đông dân cư để đặt công ty. Nhiều thanh niên gắn bó với doanh nghiệp địa phương thay vì đi làm ở các tỉnh lân cận (trừ trường hợp đi làm ở Đồng Nai, Bình Dương cả chục năm trước). Công nhân tan ca về với gia đình, xóm làng.

Lương ở thành phố khoảng 7 triệu đồng/tháng thì về huyện, xã có thể chỉ 6 triệu đồng/tháng song người lao động vẫn sống tốt vì không phải thuê nhà, thực phẩm có sẵn...

Tỉnh cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm... để thanh niên gắn bó, xây dựng tương lai trên chính quê hương.

Bà Hồ Thị Kim Ngân (phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động VN):

Định hướng lao động theo thế mạnh của địa phương

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 6.

Bà Hồ Thị Kim Ngân

Trước đây, chúng ta quan niệm có việc làm rồi mới tính đến thu nhập, còn bây giờ nói đến việc làm thì định hướng người lao động làm việc nơi dễ sống, đáng sống. Định hướng xuất phát từ định hướng từng địa phương, ngay từ khâu đầu tư.

Khi đó doanh nghiệp tìm hiểu địa phương, tuyển dụng lao động, ai chưa có tay nghề sẽ được đào tạo. Địa phương nào có tiềm năng gì phát triển cái đó.

Như Đà Nẵng có lợi thế phát triển du lịch, người lao động trên địa bàn cần được định hướng du lịch, làm việc trên quê hương, đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp; hoặc Nam Định có truyền thống dệt may thì lợi thế là nhiều làng nghề, lao động lành nghề, lợi thế phát triển ngành may mặc.

Tổ chức công đoàn sẽ hướng tới việc gợi ý, định hướng việc làm cho người lao động tại đâu để có môi trường làm việc đủ tốt, mức lương đủ sống để gắn bó lâu dài. Các doanh nghiệp được tìm kiếm có thể là môi trường làm việc sạch sẽ, nhiều năm liền không xảy ra tai nạn, không sa thải công nhân khi khó khăn…

Chính từ đánh giá đó, đoàn viên người lao động sẽ thấy được quyền lợi. Chính doanh nghiệp có thể cải thiện thứ hạng, tham gia danh sách nếu tạo môi trường tốt vì người lao động.

Kỹ sư xây dựng Lê Văn Nhân (quê ở miền Trung):

Thu nhập cao nhưng áp lực cạnh tranh nhiều hơn

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 7.

Kỹ sư xây dựng Lê Văn Nhân

Tôi làm việc ở TP.HCM nhiều năm. Sau khi rời TP.HCM, tôi lập tức được một công ty xây dựng khác chào mời (anh Nhân đang làm công trình tại tỉnh Bến Tre - PV). Sống và làm việc tại TP.HCM mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm và kể cả thu nhập.

Đất chật người đông, tôi cảm giác luôn sống trong áp lực và cạnh tranh, áp lực từ việc phải lái xe di chuyển hàng tiếng đồng hồ, cạnh tranh nhiều hơn khi thị trường việc làm gặp nhiều biến động.

Công việc mới tại Bến Tre đang rất thuận lợi, thậm chí khá thoải mái. Thu nhập của tôi có giảm chút ít nhưng nếu công trình cần đẩy nhanh tiến độ thì có thể cao hơn so với lúc ở TP.HCM.

Nguyễn Phú (công nhân may, quê Thừa Thiên Huế):

Lương thấp hơn nhưng chi tiêu đỡ tốn kém

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 8.

Nguyễn Phú

11 năm làm việc tại TP.HCM với tôi là điều rất đáng trân quý. Nhưng sau Tết Nguyên đán 2024, tôi quyết định ở lại quê và không quay lại nữa.

Một phần vì chuẩn bị cưới vợ, phần vì công việc tại TP.HCM cũng không được suôn sẻ.

Đơn hàng ít, không được tăng ca nhiều, vì thế thu nhập giảm nhiều. Lương thưởng, thu nhập giảm trong khi tiền thuê trọ lại tăng, chi phí ăn uống khá đắt đỏ.

Tôi đã bắt đầu công việc mới gần nhà ở quê. Lương cơ bản 5 triệu đồng, nếu tăng ca được gần 9 triệu đồng. So với mức lương ở TP.HCM khoảng hơn 12 triệu đồng (nếu được tăng ca) thì số chênh lệch cũng khá lớn.

Nhưng đổi lại tôi đang được ở cùng gia đình, gần bố mẹ. Chi phí sinh hoạt chỉ bằng khoảng 1/3 so với TP.HCM nên đỡ áp lực phần nào. Thời gian rảnh tôi có thể phụ gia đình làm nông, xem như rèn luyện sức khỏe, tái tạo năng lượng nhưng cũng là cách để tăng thêm thu nhập.

Công nhân bỏ phố về quê: Doanh nghiệp và người lao động cùng tìm cơ hội mới - Ảnh 9.Bỏ phố về quê, bạn bè tôi phần lớn giàu có thành đạt, còn tôi được gì?

Tốt nghiệp đại học 25 năm, tôi quyết tâm ở lại Hà Nội. Đến hiện tại tôi cũng chỉ là một nhân viên bình thường, kinh tế ở mức trung bình, không giàu có như nhiều bạn học khác bỏ phố về quê.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên