Đại tá Hoàng Quốc Việt - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an - cho biết như vậy tại tọa đàm "Chủ động ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa để bảo vệ công nhân lao động” ngày 27-6.
Nhận biết nguy cơ bị “dụ” dùng ma túy
Theo đại tá Việt, ước tính toàn quốc có khoảng 250.000 người nghiện, người sử dụng ma túy. Độ tuổi 18-35 chiếm 70-80%. Trong đó, không ít là người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều tổ chức, đường dây buôn bán ma túy lớn, thu hàng tấn ma túy cùng nhiều vũ khí, tiền liên quan. Tuy vậy, để giảm nhu cầu sử dụng ma túy trong công nhân, người lao động, đại tá Việt nhấn mạnh việc giảm nguồn cung.
Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương tăng cường điều tra, làm rõ tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, đặc biệt ở các cụm, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, ông lưu ý vai trò của công đoàn, chính quyền địa phương trong trang bị kiến thức, kỹ năng, ý thức cảnh giác, phát giác đối tượng liên quan tới ma túy.
Đại tá Việt nêu ví dụ: một gói kẹo có giá khoảng 50.000 đồng nhưng kẹo tẩm ma túy có giá cả trăm nghìn đồng/viên, do đó công nhân cần lưu ý khi được mời chào mua hàng.
“Người lao động đừng bao giờ dùng thử ma túy vì ban đầu nó gây hưng phấn, khỏe mạnh, nhưng lâu dài sẽ lệ thuộc, phải có nghị lực rất lớn mới vượt qua được”, đại tá Việt nói.
Trong khi đó, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nêu rõ người lao động có thể bị dụ dỗ dùng ma túy trong sinh nhật, mừng lên lương, chia tay đồng nghiệp hoặc tụ tập cuối tuần. Bên cạnh đó, người lao động di cư, đến từ miền núi, xa gia đình dễ tìm đến ma túy khi gặp căng thẳng, buồn chán, thu nhập không cao, dụ dỗ từ tội phạm…
Do vậy, ông Hiểu nhấn mạnh vai trò của cán bộ công đoàn trong chia sẻ, động viên, báo cáo cơ quan chức năng cũng như công an để xử lý, giúp đỡ trường hợp công nhân sử dụng ma túy. Về lâu dài, công đoàn sẽ có giải pháp khuyến khích các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ cho công nhân.
Lầm lỡ vì ma túy, làm lại cuộc đời thì mẹ đã đi xa
Đó là tâm sự mà anh Mai Thế B. (45 tuổi), quê Thanh Hóa, người từng có nhiều năm sử dụng ma túy, chia sẻ tại tọa đàm.
Theo anh B., ban đầu anh dùng ma túy vì cảm giác tinh thần khỏe mạnh, phấn chấn. Song khoảng 5-6 tiếng sau, cơ thể bắt đầu mệt mỏi, bản thân lại muốn tìm đến thứ “thần dược” kia. Lâu dần, anh nghiện ma túy lúc nào không hay.
Khi tỉnh táo lại, anh tự trách bản thân, đau đáu vì mình mà mẹ già 90 tuổi, vợ con chán nản. Do vậy, anh B. quyết tâm làm lại cuộc đời.
"Hằng ngày, tôi bảo vợ khóa trái cửa, nằm trong nhà tự cai nghiện. Nhiều lúc tôi nghĩ đến cái chết nhưng nghĩ đến mục tiêu sống, tôi cố gắng. Có ngày, để làm đầu óc tỉnh táo lại, tôi tắm đến 5-6 lần", anh B. tâm sự.
Sau một thời gian, anh dần thoát khỏi ma túy. Trở lại cuộc sống bình thường, anh quyết tâm xin việc. Nhờ sự giới thiệu, hỗ trợ của công đoàn, công an địa phương, anh được một công ty sản xuất nhựa nhận, thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.
Dù cai nghiện ma túy thành công, anh Mai Thế B. vẫn nuối tiếc vì khi trở lại thành người có ích cho xã hội, anh đã không còn cơ hội để gọi mẹ một lần nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận