Năm 2019, doanh thu chiếu phim thương mại đạt hơn 4.000 tỉ đồng, tương đương gần 174 triệu USD. Một rạp phim thuộc CJ CGV tại Việt Nam - Ảnh: NHẬT THỊNH
Nhìn lại sau 7 năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra nghị quyết 33; sau 5 năm Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (quyết định 1755), những con số được ghi nhận theo một biểu đồ đi lên có thể coi là những viên gạch đầu tiên xây lên Con đường Việt Nam - con đường đưa những sản phẩm văn hóa có giá trị ra thị trường trong nước và quốc tế.
5 năm ghi nhận những mùa vàng bội thu của điện ảnh và du lịch văn hóa
Năm 2017, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.228 tỉ đồng, tương đương 140 triệu USD. Năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỉ đồng, tương đương khoảng 145 triệu USD. Năm 2019, doanh thu chiếu phim thương mại đạt hơn 4.000 tỉ đồng, tương đương gần 174 triệu USD.
Nghĩa là đến năm 2019, hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc đã đặt mức doanh thu vượt 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ là đến năm 2020 ngành điện ảnh có thể có doanh thu trên 150 triệu USD.
Số lượng phòng chiếu phim trên cả nước là 1.050 tại 204 cụm rạp với khoảng 148.500 ghế. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, trong giai đoạn 2016-2021, cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 41 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 188 phim truyện nước ngoài, 10 phim truyện video, 2 phim tài liệu nhựa, 17 phim tài liệu và khoa học, 25 phim truyện ngắn; cấp 236 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm có nội dung là phim.
Trong 5 năm, doanh thu phim Việt đã trở thành điểm sáng tạo động lực lớn cho những người làm điện ảnh Việt Nam, với 29 bộ phim Việt vượt mốc 50 tỉ doanh thu phòng vé, chỉ riêng 29 bộ phim này đã đạt tổng doanh thu 3.475,5 tỉ đồng, tương đương 151 triệu USD.
Trong đó, Hai Phượng trở thành bộ phim Việt đầu tiên cán mốc triệu USD doanh thu phòng vé năm 2020, để rồi kỷ lục này của phim Việt được phá bởi Bố già với 420 tỉ doanh thu tại thị trường Việt Nam và 1,08 triệu USD tại thị trường nước ngoài.
Nhiều thương hiệu phim Việt ra đời trở thành series phim điện ảnh liên tục lọt top phim ăn khách như Lật mặt và Gái già lắm chiêu. Những đạo diễn, nhà sản xuất các phim ăn khách trở thành những thương hiệu cá nhân đắt giá - những gương mặt đại diện cho thế hệ tiên phong thành công với công nghiệp văn hóa: Trấn Thành, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân, Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng...
Phim Việt đang trở thành sự lựa chọn yêu thích của khán giả, là lý do kéo khán giả ra rạp và quan trọng hơn, phim Việt đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các bom tấn Hollywood, Hàn Quốc trên sân nhà.
Cầu Vàng - Bà Nà Hill: công trình kiến trúc độc đáo tạo nên sức hút cho Bà Nà Hill - điểm đến du lịch văn hóa được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018
Du lịch văn hóa - trước khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 - cũng đã kịp tạo nên những con số ấn tượng.
Năm 2017, du lịch Việt Nam đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 510.900 tỉ đồng, đóng góp 7,91% vào GDP.
Năm 2018, du lịch Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2017, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỉ đồng, đóng góp 8,39% vào GDP.
Năm 2019 du lịch Việt Nam đón khoảng 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỉ đồng. Nghệ thuật biểu diễn luôn là ngành công nghiệp “chạm” tới quy mô công chúng lớn nhất, dù doanh thu còn khá khiêm tốn so với số lượng buổi biểu diễn và số lượng người xem.
Năm 2017, hơn 2.851 buổi biểu diễn được tổ chức, thu hút 1.418.300 lượt người xem, doanh thu bán vé khoảng hơn 72 tỉ đồng. Năm 2018, 2.118 buổi biểu diễn được tổ chức; doanh thu bán vé hơn 104 tỉ đồng.
Năm 2019, các đoàn nghệ thuật ở trung ương và địa phương đã tổ chức dàn dựng 207 chương trình, 10.492 buổi biểu diễn, thu hút 7.023.646 lượt người xem và đạt tổng doanh thu bán vé hơn 110 tỉ đồng.
Hoạt động quảng cáo được chính thức ghi nhận và được điều chỉnh bởi Luật quảng cáo vào năm 2012. Năm 2021, Báo cáo kết quả triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã ghi nhận tổng doanh thu năm 2019 từ hoạt động quảng cáo trên các phương tiện là 65.408 tỉ đồng.
Đến thời điểm thống kê, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
Những thành tựu không được thống kê
Thiết kế và thời trang là những ngành công nghiệp văn hóa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hằng ngày của hàng triệu khách hàng, tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ mà còn là sự biểu đạt trực quan, hữu ích và thức thời của hệ giá trị thẩm mỹ một quốc gia, dân tộc trong cuộc sống hiện đại ở thời đại toàn cầu hóa.
Các thương hiệu thời trang Louis Vuitton, Hermes, Channel, Cartier, Tiffany, Kenzo đã vượt lên vai trò là một hãng đồ da, may mặc, trang sức được ưa chuộng trên toàn cầu để trở thành những đại sứ kiêu hãnh của nền công nghiệp sáng tạo Pháp, Mỹ, Nhật và dẫn dắt xu hướng tiêu dùng thời trang của hàng tỉ người trên Trái đất.
Nhà thiết kế Công Trí - với dấu mốc quan trọng năm 2017 khi anh chính thức tiến vào thị trường Mỹ bằng những đơn đặt hàng của hai khách hàng nổi tiếng: ca sĩ Rihanna và ca sĩ Katy Perry - đã đồng thời cắm cờ Việt Nam trên bản đồ thời trang cao cấp (haute couture) toàn cầu.
Tháng 10 năm nay, tạp chí Hollywood Reporter đã bình chọn Công Trí là một trong ba gương mặt thiết kế nổi bật ở lĩnh vực thời trang tại Mỹ với sức hút trước dàn sao Hollywood.
Điều đáng nói là những thành tựu của cá nhân nhà thiết kế Công Trí cũng như những chỉ số phát triển của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam hoàn toàn không được nói tới trong các báo cáo công nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.
Công Trí - nhà thiết kế Việt Nam đã thành công với sứ mệnh “cắm cờ” Việt Nam trên bản đồ thời trang cao cấp (haute couture) toàn cầu.
Thống kê về ngành thiết kế và thiết kế công nghiệp càng mịt mù hơn nữa. Cả nước có bao nhiêu công ty thiết kế công nghiệp? Thu hút bao nhiêu lao động? Tạo ra doanh thu trong nước có tương xứng với số tiền các công ty sản xuất công nghiệp Việt Nam đã phải trả cho thiết kế?
Tương tự, ngành sáng tạo phần mềm và game được xác định là ngành công nghiệp không khói tỉ đô với giá trị thặng dư siêu ngạch, song, thống kê về sự hình thành và phát triển của lĩnh vực này hoàn toàn không có.
Gần đây nhất, báo chí xôn xao về thông tin được đưa ra từ... Cục Thuế Hà Nội, về những cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân hàng chục tỉ đồng năm 2020 cho nguồn doanh thu trăm tỉ từ viết phần mềm trên Google Play, App Store.
Rồi bất ngờ, tháng 7-2021, game Axie Infinity được cả thế giới biết đến khi đồng token tiện ích của game được giao dịch với mức 42 USD, nâng giá trị vốn hóa của AXS - công ty games Việt Nam do thanh niên 9X Nguyễn Thành Trung lập ra - lên mức 2,6 tỉ USD.
Đến khi đó, chúng ta mới biết về một cộng đồng sáng tạo có khả năng tạo ra những sự nghiệp tỉ đô chỉ sau một thời gian ngắn, với tài nguyên duy nhất và mạnh nhất là sự sáng tạo.
Công nghiệp văn hóa được xác định gồm 13 ngành là các ngành: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.
Số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổng kết 5 năm triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam - tính đến ngày 3-1-2021 - giới hạn ở 5 ngành: điện ảnh; du lịch văn hóa; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo.
Phải chăng một trong những lý do khiến UNCTAD - cơ quan của Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm lập báo cáo toàn cầu về công nghiệp sáng tạo giai đoạn 2002-2015 không đưa Việt Nam vào danh sách là do không thể tìm thấy đủ số liệu thống kê cho trang hồ sơ Việt Nam?
Theo rà soát của người viết bài này, trong số các bộ, ngành liên quan và trong số 63 tỉnh, thành có nhiệm vụ lập kế hoạch cụ thể hóa thực hiện quyết định 1755 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và TP.HCM - thành phố năng động sáng tạo nhất của cả nước, nơi ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ nhất - chưa ban hành kế hoạch triển khai.
Chúng ta có một chủ trương lớn lao, là kết tinh trí tuệ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chúng ta có một Chiến lược lớn lao ở tầm quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn dài hạn.
Và cơ quan được giao phụ trách vấn đề quốc sách này là Phòng quản lý công nghiệp văn hóa, trực thuộc Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Không thể trách một phòng chuyên môn không có khả năng bao quát được sự phát triển vũ bão và sôi động của cả một nền công nghiệp văn hóa đang chuyển mình.
Cũng không thể trách một phòng chuyên môn trong 5 năm không có khả năng thúc đẩy được các cơ quan bộ và chính quyền các thành phố lớn tích cực cụ thể hóa Chiến lược của Chính phủ.
Nhưng có lẽ chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về những vấn đề nội tại từ cơ chế quản lý vĩ mô đến nhận thức và thực hành chuyên môn của từng nhân tố trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa Việt Nam?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận