12/03/2019 10:06 GMT+7

Công nghiệp văn hóa hay thủ công, truyền nghề và... hên xui?

LINH ĐOAN ghi
LINH ĐOAN ghi

TTO - Xung quanh chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều mục tiêu cụ thể liên quan đến ngành nghệ thuật biểu diễn, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến người trong cuộc.

Công nghiệp văn hóa hay thủ công, truyền nghề và... hên xui? - Ảnh 1.

Khán giả xem kịch tại nhỏ 5B Võ Văn Tần - Ảnh: T.T.D.

Ở nước ngoài, họ đưa nghệ thuật vào giảng dạy trong học đường từ bé. Được đào tạo thì người ta mới hiểu mới yêu và mong muốn được đi xem biểu diễn nghệ thuật

Ông Huỳnh Anh Tuấn (giám đốc sân khấu kịch Idecaf)


* Ông Huỳnh Anh Tuấn (giám đốc sân khấu kịch Idecaf):

Thành phố có biết bao nhiêu người đi xem kịch?

Ông Huỳnh Anh Tuấn

Ông Huỳnh Anh Tuấn (giám đốc sân khấu kịch Idecaf) - Ảnh: T.T.D.

Hiện tại nghệ thuật biểu diễn ở TP.HCM gồm kịch nói, cải lương, hát bội... chưa có cái gọi là công nghiệp văn hóa mà thật ra chỉ là thủ công, truyền nghề và... hên xui!

Không ở đâu mà làm sân khấu kịch dễ như ở ta, cứ thuê mướn rạp, gắn bóng đèn, âm thanh, ánh sáng chỉnh theo ý đạo diễn là được, không cần phải học tập, đào tạo bài bản.

Vì vậy dẫn đến các hoạt động hết sức bấp bênh. Sân khấu kịch xuống dốc là do đâu? Không phải là do những yếu tố khách quan mà do chúng ta phát triển không căn cơ nên một cơn gió lạ thổi qua cũng dễ đổ bệnh.

Chúng ta thiếu hẳn cả một hệ thống đào tạo bài bản từ người sáng tạo đến người hưởng thụ nghệ thuật.

Ở các trường nghệ thuật mấy chục năm mà không có khoa biên kịch, sinh viên học 2-3 tháng đã nhảy ra làm diễn viên.

Hiện tại sân khấu học đường đang mạnh ai nấy làm, chưa có một nghiên cứu kỹ càng cách đưa vào trường học như thế nào cho chuẩn, với một chiến lược đồng bộ và hiệu quả.

Tôi cho rằng việc thành phố đưa ra mục tiêu là tốt nhưng phải thực tế. Riêng mục tiêu ngành nghệ thuật biểu diễn đạt trên 30% cả nước, với kinh nghiệm của người làm sân khấu lâu năm, tôi cho rằng mục tiêu này là không tưởng.

Thành phố đã bao giờ làm thống kê chi tiết xem trung bình bao nhiêu người dân thành phố đến xem kịch chưa? Công ty tôi đang có sân khấu múa rối nước Rồng Vàng được xem là địa điểm phục vụ khách du lịch hiệu quả nhất nhì thành phố.

Mỗi đêm chúng tôi phục vụ 300-400 khách nhưng so với lượng khách du lịch đến thành phố thì mỗi năm chúng tôi chỉ đạt chỉ tiêu khoảng 4%. Còn ở sân khấu kịch, Idecaf thuộc đơn vị khá mạnh ở thành phố, nếu tính khả quan mỗi tuần diễn 3 - 4 suất thì tôi ước tính đạt chỉ tiêu không tới 5%. Vậy thì 30% làm sao mà đáp ứng nổi?

* Đạo diễn Lê Nguyên Đạt (trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM):

Cần chiến lược dài hơi chứ không phải là con số

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt (trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) - Ảnh: THANH HIỆP

Tôi cũng cho rằng việc đặt ra mục tiêu là động thái tích cực chứng tỏ thành phố có sự quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên việc đặt mục tiêu doanh thu trên 30% của cả nước là không khả thi. Chúng ta đang ở năm 2019, sẽ còn kịp làm gì để đến năm 2020 đạt được mục tiêu?

Không nhìn đâu xa, nhìn ở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thôi, lãnh đạo đã có cuộc làm việc gì với nhà hát để cụ thể hóa những hành động tiến tới việc đáp ứng mục tiêu trên?

Kịch, cải lương... nhìn thì có vẻ có hoạt động đó nhưng rõ ràng là bấp bênh và còn mang tính thời vụ. Tôi nghĩ cái chúng ta cần là chiến lược dài hơi chứ không phải là con số. Một trong những điều tôi quan tâm là yếu tố con người, đặc biệt là lãnh đạo.

Thành phố cần biết chọn mặt gửi vàng, cần chọn những con người đáp ứng được yêu cầu tiến bộ, có đủ chuyên môn, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lao về phía trước. Với các đơn vị công lập phải tính toán khi đầu tư làm tác phẩm phục vụ chính trị hay hướng tới khán giả.

Những năm gần đây thành phố đã có sự hỗ trợ rất tích cực những bộ môn nghệ thuật truyền thống nhưng chúng ta cần kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ việc đầu tư cho hợp lý.

Chứ cứ đổ 1, 2 tỉ đồng dựng vở rồi cũng cách làm cũ, tư duy cũ, vở diễn không phục vụ được nhu cầu công chúng thì thật lãng phí. Tôi cho rằng thành phố nên sớm có những cuộc ngồi lại, bàn bạc, tính toán với các đơn vị nghệ thuật, lắng nghe xem họ cần gì, muốn gì, nhu cầu thực tế ra sao... để có những bước đi cho thật hợp lý.

* Ông Lương Hà (chuyên gia thương hiệu địa phương, NCS Đại học Paris 1 - Pantheon Sorbonne):

Thành phố chưa khai thác hết các giá trị di sản văn hóa

Ông Lương Hà

Ông Lương Hà (chuyên gia thương hiệu địa phương, NCS Đại học Paris 1 - Pantheon Sorbonne)

Ngành công nghiệp văn hóa là một phần của công nghiệp sáng tạo, cần tiếp cận nó như vậy để có thể "giải thoát" các ý tưởng một cách hiệu quả nhất.

Trong đó, du lịch văn hóa là một phạm trù rộng với nhiều nội dung như du lịch di sản văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch sự kiện, du lịch trải nghiệm truyền thống bản địa...

Chính vì vậy, khó có thể khẳng định TP.HCM chưa phát triển du lịch văn hóa, mà có lẽ chính xác hơn phải nói là thành phố chưa khai thác hết các giá trị di sản văn hóa và nghệ thuật biểu diễn phục vụ du lịch.

TP.HCM nói chung và ngành du lịch nói riêng đã và đang mang một hình ảnh năng động, trẻ trung và hiện đại.

Với hình ảnh được nhận diện như vậy, bản thân thành phố được du khách chọn làm điểm đến không nhằm mục đích chính là khám phá văn hóa truyền thống.

Chúng ta nên thoát khỏi tư duy là phải như Bangkok, Hong Kong, Singapore. TP.HCM phải phát huy những hình ảnh tốt đẹp sẵn có và khác biệt. Để được như vậy, việc phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với di sản và nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi phải được triển khai ở trình độ cao hơn.

N.BÌNH ghi

Đã có công nghiệp văn hóa, sao TP.HCM chưa được như Hong Kong?

TTO - Tới năm 2020, ngành điện ảnh TP.HCM sẽ phấn đấu đạt được doanh thu hằng năm chiếm 35% cả nước, số lượng vé bán trên đầu người tại TP.HCM hơn 0,8 (mỗi người dân đi xem phim 0,8 lần/năm).


LINH ĐOAN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên