01/07/2016 09:36 GMT+7

Công nghệ theo dõi xả thải hiện nay đâu có khó gì!

NGUYỄN QUỐC THANH 
(TP.HCM)
NGUYỄN QUỐC THANH 
(TP.HCM)

TTO - Đầu tư để có thể giám sát hiệu quả việc xả thải, xử lý chất thải ở các doanh nghiệp chính là sự đảm bảo cho việc vừa gìn giữ được môi trường vừa thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển xã hội.

Nhân viên Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường TP.HCM (ETM) lấy mẫu khí NO2 tại trạm quan trắc không khí đặt ở Trường THCS Hồng Bàng, Q.5 về phân tích nồng độ NO2 có trong không khí - Ảnh: HỮU KHOA
Nhân viên Trung tâm Công nghệ và quản lý môi trường TP.HCM (ETM) lấy mẫu khí NO2 tại trạm quan trắc không khí đặt ở Trường THCS Hồng Bàng, Q.5 về phân tích nồng độ NO2 có trong không khí - Ảnh: HỮU KHOA

Nếu các mối nghi ngại tổn hại cho môi trường đặt không đúng chỗ, thường trực có mặt ở nhiều dự án, kế hoạch phát triển... thì đôi khi cũng mất cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của sân chơi toàn cầu hiện nay.

Cách nào bảo vệ môi trường?

Gần đây, báo chí đã dành sự quan tâm khá đặc biệt để bàn luận về các mối lo tác động xấu đến môi trường sông nước, nhất là đối với một trong những khu vực nhạy cảm môi trường như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, sự việc cụ thể được đề cập nhiều là những lo ngại Nhà máy giấy Lee & Man (Hong Kong - Trung Quốc), đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, “bức tử” sông Hậu.

Về môi trường, đương nhiên là rất cần được bảo vệ, thậm chí phải làm nghiêm ngặt vì thực tế ở nhiều khu vực ô nhiễm đã báo động, chất lượng môi trường đi xuống và hình như mỗi ngày một tồi tệ hơn.

Nhưng bảo vệ môi trường bằng cách nào là hiệu quả, để vừa gìn giữ được môi trường, vừa cân bằng được với hai lĩnh vực còn lại của mục tiêu phát triển bền vững là phát triển kinh tế và phát triển xã hội?

Trên thực tế, hiện nay có những ngành nghề, công nghệ sản xuất lạc hậu... tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, cần phải hạn chế, không khuyến khích đầu tư, thậm chí không cho phép đầu tư. Tuy nhiên, cũng có những dự án vốn đầu tư không nhỏ, có thể mang lại nhiều công ăn việc làm nhưng bị từ chối cấp phép, trong đó có lý do lo ngại sự an toàn cho môi trường trong lâu dài.

Việc cứ thấy lo ngại, không yên tâm điều gì đó về mặt môi trường là “nói không” với các dự án đầu tư có thể chưa phải là cách tiếp cận sát với mục tiêu phát triển bền vững.

Thực tế, ngành nghề sản xuất nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ ô nhiễm, rủi ro về môi trường, song mức độ ảnh hưởng thực tế như thế nào, đến đâu, nhiều hay ít không chỉ phụ thuộc vào công nghệ sản xuất lạc hậu hay hiện đại, tính khả thi của những giải pháp xử lý chất thải, mà còn phụ thuộc phần nhiều vào năng lực kiểm soát, quản lý việc xử lý chất thải...

Đặc biệt yêu cầu này có được thực hiện nghiêm túc hay không? Những vấn đề tiêu cực để cho qua những sai phạm này sai phạm nọ có được kiểm soát và loại trừ hay không?

Đầu tư các công cụ giám sát

Loại trừ các yếu tố tiêu cực do con người, về mặt công nghệ hiện nay đã cho phép thiết lập các hệ thống máy móc để có thể đo đạc, theo dõi chất lượng xử lý chất thải một cách liên tục.

Đơn cử như việc giám sát liên tục chất lượng xử lý chất thải; giám sát từ xa, không cần phải đến ngay tại họng xả và lấy mẫu chất thải phân tích... đã trở thành yêu cầu thiết thực.

Ngày nay công nghệ đã cho phép làm điều này để góp phần chống gian dối trong xử lý chất thải, đồng thời có thể phát hiện, báo động ngay tức thời khi một chất ô nhiễm nào đó không được xử lý đạt yêu cầu quy định.

TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã xây dựng hệ thống theo dõi kiểu này, áp dụng cho xử lý nước thải.

Mặt khác, Chính phủ Việt Nam đã có quy định các nguồn thải trên 1.000 m3/ngày đêm đều phải đầu tư hệ thống quan trắc và giám sát tự động, được đấu nối đưa số liệu thẳng về cơ quan quản lý theo dõi liên tục 24/24 giờ.

Thêm vào đó, với mỗi ngành nghề, các nhà chuyên môn có thể tính toán được một cách tương đối lượng nước thải ít nhất phải thải ra tương ứng với công nghệ, quy trình sản xuất... mà các cơ sở sản xuất áp dụng.

Ngoài các chất ô nhiễm cần kiểm soát, hệ thống quan trắc tự động còn cho phép đo lưu lượng nước thải xả ra bằng thiết bị cảm ứng đặt ngay cửa xả.

Chỉ cần trong một thời gian nhất định, một cơ sở nào đó được hệ thống ghi nhận xả thải ít hơn bình thường hoặc ít hơn lượng nước thải mà công nghệ, quy trình sản xuất đó lẽ ra phải thải ra, thì hoàn toàn có thể kiểm tra để xác định nguyên nhân, xử lý kịp thời.

Hình ảnh của camera quan sát tại các cửa xả, các bộ phận xử lý nước thải cũng được truyền về nơi đặt trung tâm theo dõi của các cơ quan quản lý.

Để không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai vì sự phát triển ở hiện tại thì nhất định môi trường phải được kiểm soát, bảo vệ. Nhưng yêu cầu bức thiết này phải được đầu tư, hỗ trợ bằng các công cụ, công nghệ, giải pháp khả thi cho quản lý, kiểm soát hiệu quả.

Làm được điều này sẽ góp phần tạo điều kiện và sự yên tâm trong phát triển nhiều ngành nghề sản xuất, loại trừ được những nghi ngại môi trường bị hủy hoại hoặc không được kiểm soát..., để xã hội có nhiều của cải, công ăn việc làm hơn và ngày một phát triển hơn.

Sử dụng “tai mắt” của cộng đồng

Ngày nay, ở một số nước còn phát huy tối đa “tai mắt” của cộng đồng dân cư để giám sát việc xả thải của các cơ sở sản xuất, chẳng hạn như ở Nhật, bằng cách đặt một bảng điện tử trước cổng cơ sở sản xuất và công bố trên đó các thông số chất lượng xử lý chất thải để người dân theo dõi liên tục.

Bảng điện tử này được kết nối để lấy thông tin trực tuyến, liên tục từ hệ thống quan trắc và giám sát tự động ở mỗi cơ sở sản xuất.

NGUYỄN QUỐC THANH 
(TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên