Trong khi đó, tới nay vẫn còn nhiều người đang vô tình hoặc chủ ý cho phép các ứng dụng truy cập vị trí, bản ghi cuộc gọi và các thông tin khác chỉ vì muốn được sử dụng miễn phí các công cụ, tính năng nào đó. Thực tế này đặt ra một thách thức "mới nổi": làm thế nào để bảo mật dữ liệu trong não người trước đà phát triển của công nghệ thần kinh?
Cảm giác lo sợ mơ hồ
Nhiều người trong chúng ta hiện nay đang có một cảm giác lo sợ mơ hồ rằng một ngày nào đó các thiết bị điện tử có thể chống lại chúng ta. Tháng 6-2022, khi Tòa án tối cao Mỹ lật ngược vụ Roe kiện Wade (liên quan phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai), nhiều phụ nữ bắt đầu xóa bỏ các ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt trong điện thoại.
Khi phá thai trở thành bất hợp pháp ở một số bang, nhiều người sợ dữ liệu đó có thể được dùng để truy tố họ nếu lén phá thai. Đây có phải một phản ứng thái quá, hay đó chính là một sự hiện thực hóa của việc chúng ta đã bước vào thời đại mà các thiết bị điện tử sẽ kiểm soát con người?
Vào năm 2016, một người đàn ông ở bang Ohio bị buộc tội tự đốt nhà mình sau khi chiếc máy điều hòa nhịp tim của anh ta hé lộ nghi ngờ về việc đòi tiền bảo hiểm của anh với vụ hỏa hoạn. Hai năm sau đó, trong một vụ việc khác, các quân nhân Mỹ bị phát hiện đã vô tình để lộ vị trí những căn cứ quân sự bí mật thông qua ứng dụng thể dục Strava. Tất cả các câu chuyện tương tự như một lời nhắc nhở chúng ta: hãy tỉnh táo hơn trước khi bấm vào nút "đồng ý" chia sẻ dữ liệu cá nhân, vì giờ đây, ngay cả "ý nghĩ" cũng có thể bị rò rỉ!
Chạy đua phát triển công nghệ thần kinh
Các hãng công nghệ đang đầu tư mạnh tay cho công nghệ thần kinh, những thứ có khả năng ghi lại và phân tích các xung điện của hệ thần kinh. Các nền tảng giao tiếp giữa bộ não và máy tính đem lại những lợi ích vô cùng to lớn, như hỗ trợ phục hồi bệnh nhân sau đột quỵ và giảm bớt các cơn động kinh.
Các tai nghe EEG, tai nghe điện não đồ có thể theo dõi sóng não, thường được game thủ dùng để điều khiển các nhân vật nhưng cũng có khả năng phát hiện khi tài xế xe tải mất tập trung. Hơn 5.000 công ty thuộc các ngành khai thác mỏ, xây dựng và các ngành khác ở nhiều nước đang dùng công nghệ này để đảm bảo nhân viên luôn tỉnh táo và tập trung khi làm việc.
Tuy nhiên tờ Financial Times đặt vấn đề nếu việc bắt các tài xế phải đeo loại tai nghe này là cách giữ an toàn tính mạng cho nhiều người, thì trong trường hợp khác, nó có thể trở thành công cụ đàn áp khi người chủ muốn giám sát luôn cả trí não của nhân viên, không cho phép họ lơ mơ dù chỉ là trong ý nghĩ để không ảnh hưởng tới hiệu suất lao động.
Nhà thần kinh học Nita Farahany, giáo sư luật và triết học tại Đại học Duke, đồng ý với nhận định trên. Trong cuốn sách mới có tựa đề Cuộc chiến với bộ não của bạn: bảo vệ quyền được tự do suy nghĩ trong thời đại của công nghệ thần kinh, bà Farahany đã dự báo về một thế giới mà trong đó AI và khoa học thần kinh sẽ kết hợp với nhau để xâm chiếm quyền riêng tư trong tâm trí con người.
Công ty CTRL-Labs ở New York (được Meta mua lại) đã phát triển loại vòng đeo tay cho phép người đeo điều khiển máy tính trước tiên bằng những cử động rất nhỏ của các ngón tay, sau đó là bằng việc phát hiện ý định cử động. Trong khi đó, Công ty Next Sense thuộc Alphabet cũng đang làm loạt tai nghe có thể đọc được dữ liệu hệ thần kinh.
Thúc đẩy "não quyền"
Một nghiên cứu mới từ Viện Nghiên cứu Chatham House tại London (Anh) cho rằng mặc dù AI mang lại những lợi ích hết sức to lớn nhưng rủi ro của nó cũng không kém, trong đó có "sự xói mòn các quyền tự do cá nhân thông qua việc giám sát khắp nơi; và việc thay thế suy nghĩ và phán đoán độc lập bằng sự kiểm soát tự động".
Báo cáo nghiên cứu đó cũng cho biết một vài trong nhiều chiến lược và các nguyên tắc quản trị AI đang được xây dựng thậm chí cũng đã đề cập tới quyền con người. Tuy nhiên quyền được tự do suy nghĩ cũng bao gồm quyền được giữ kín những suy nghĩ riêng và không bị trừng phạt vì những ý nghĩ ấy.
Các tranh luận về việc quản lý công nghệ thần kinh vẫn còn đang ở giai đoạn rất sơ khởi, nhưng cũng đã có một số nhà khoa học thúc đẩy cái gọi là "não quyền" của con người. Nhà sinh học thần kinh Rafael Yuste đấu tranh cho quyền riêng tư của trí não, "để những điều trong hoạt động đầu óc của chúng ta không bị mã hóa mà không được chúng ta cho phép" như lập luận của ông.
Chile gần đây đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa "não quyền" vào hiến pháp và sẽ sớm ban hành luật để quản lý các công nghệ ghi lại hoặc thay đổi hoạt động của não.
Đừng lặp lại sai lầm
Những hậu quả của việc thụ động quá lâu trong ứng xử với mạng xã hội đã khiến nhiều xã hội của chúng ta đang phải vật lộn giải quyết những hành vi vô cùng rối loạn, từ những ám ảnh về hình thể đến cực đoan, tự tử, khiêu dâm. Đã đến lúc không nên phạm sai lầm tương tự với dữ liệu não bộ. Công nghệ có thể trung lập nhưng loài người chắc chắn là không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận