Phóng to |
Một bằng lái giả bị cảnh sát giao thông Khánh Hòa phát hiện ngày 22-4 - Ảnh: Hoàng Khương |
Có thể nói trình độ của các “lò” làm bằng lái giả đã đạt đến “tuyệt kỹ”. Khi cầm “sản phẩm” của các “lò” này, ngay cả cảnh sát giao thông cũng khó khăn lắm mới phát hiện được.
Ba ngày giao “hàng” tận tay
Sáng 25-4, chúng tôi cùng anh P. - tài xế xe khách đường dài - đến Trung tâm sát hạch Trường trung học Giao thông vận tải thuộc Sở GTVT TP.HCM (Q.12). Anh P. cho biết trước đây anh có bằng dấu E (ôtô chở người trên 30 chỗ) nhưng đã hết hạn sử dụng. Nay anh muốn chuyển qua lái xe đầu kéo container nên tìm... mua một cái bằng giả để hành nghề.
Phát hiện nhiều bằng giả Sở GTVT TP.HCM cho biết từ đầu năm 2011 đến nay, theo yêu cầu xác minh của các địa phương, đã phát hiện khoảng 30 trường hợp bằng lái giả (không có hồ sơ gốc). Trong khi đó, Phòng CSGT và công an các quận, huyện đã phát hiện khoảng 400 bằng lái giả. |
Giả... như thật
Chiều 21-4, sau nhiều lần liên lạc, cuối cùng “trùm” đường dây bằng giả T. (ngụ Thủ Đức) mới chịu xuất đầu lộ diện. Đi cùng chúng tôi là anh N. - một chủ doanh nghiệp vận tải ở Q.7 chuyên “đánh” hàng quá tải quá khổ đi các tỉnh. Nghe anh N. cần mua sáu bằng lái cho tài xế chạy xe đầu kéo, T. vồn vã: “Anh yên tâm, bằng của em tuy giả mà như thật. Tụi tài xế chạy mấy năm nay có sao đâu. Nếu bị phát hiện thì tụi nó đã xử em rồi”.
Theo T., “lò” của anh ta chuyên làm bằng giả (hay còn gọi là bằng “bay”) cho tài xế khắp nước. T. khoe vừa rồi một tài xế xài bằng giả của T. chạy xe ben gây tai nạn, khi đưa bằng giả ra cảnh sát giao thông cũng không phát hiện được. Thấy anh N. có vẻ xiêu lòng, T. tấn tới: “Em làm cho anh dấu E luôn (có thể lái bất cứ loại xe nào), thời gian chậm nhất là một tuần, giá 8 triệu/cái”. Anh N. nói hàng đã về cảng, cần bằng gấp cho tài xế chạy. T. “gút”: “Làm nhanh thì 10,5 triệu/cái, đưa trước 8 triệu, bảo đảm chậm nhất là năm ngày có bằng. Nếu đồng ý anh đưa mỗi đứa hai tấm hình kèm theo ngày tháng năm sinh, tên tuổi, địa chỉ”.
Anh N. hỏi “có hồ sơ gốc không?”, T. tỉnh bơ “có nhưng mà... của người khác”. T. giải thích: “Em lấy một bằng lái đã hết hạn (có hồ sơ gốc) rồi làm hồ sơ xin cấp đổi nhưng điền tên, dán ảnh của anh”. Anh N. đồng ý làm một bằng hạng B2 (xe du lịch chở người đến chín chỗ ngồi) để “kiểm định chất lượng”. Nếu đúng “giả như thật” sẽ làm sáu cái hạng F cho tài xế xe đầu kéo. T. ra giá 4,5 triệu đồng, đưa trước 3 triệu, hẹn một tuần sau giao bằng. Anh N. đưa cho T. một tấm hình và chứng minh nhân dân photo của một người tên K..
Sáng 29-4, T. gọi điện hẹn chúng tôi đến một quán cà phê trên đường Trương Định (Q.3) để giao “hàng”. Gặp chúng tôi, T. nhìn trước ngó sau rồi chìa ra bằng lái hạng B2 mới tinh mang tên N.V.K., cấp lần đầu ngày 6-4-2005, cấp lại ngày 13-4-2011, có giá trị đến 13-4-2016. Theo điều tra của chúng tôi, bằng lái này được làm bằng phôi thật nhưng không có hồ sơ gốc (bằng giả).
“Bình cũ rượu mới”
Loại bằng giả mà cánh tài xế sử dụng phổ biến là bằng A1 (xe hai bánh) được nâng cấp lên dấu B2, D, E, F... Theo tìm hiểu, tại TP.HCM có ít nhất trên mười “lò” sản xuất bằng giả sử dụng “công nghệ” này. Chỉ cần một phôi bằng lái xe hai bánh thật (có hồ sơ gốc) sau đó dùng hóa chất tẩy tên tuổi, ngày tháng, các dấu gạch chéo (không được lái các loại phương tiện này), người ký... rồi dùng công nghệ in điền các thông số khác vào.
Theo tìm hiểu, tại Biên Hòa (Đồng Nai) có một “lò” chuyên “nâng cấp” bằng lái do một người tên Thái cầm đầu. Qua giới thiệu của đồng nghiệp, anh T.H.M. (ngụ Ninh Hòa, Khánh Hòa) gặp Thái đề nghị mua một bằng lái giả hạng C để chạy xe tải. Thái ra giá 12 triệu đồng và hứa “có hồ sơ gốc”.
Sau khi nhận tiền đặt cọc (8 triệu đồng), Thái mua một phôi bằng lái hạng A1 số hiệu do Sở GTVT TP.HCM cấp ngày 11-10-2010 cho một người ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Tiếp đó, Thái tẩy xóa các thông tin trên bằng lái rồi điền tên anh M., năm sinh, thời gian cấp, thời hạn sử dụng, sửa từ hạng A1 thành hạng C (ôtô tải từ 3.500kg trở lên). Ngày 22-4, M. điều khiển xe tải chở ximăng từ Nha Trang về TP.HCM thì bị Đội cảnh sát giao thông Cam Ranh (Khánh Hòa) phát hiện, lập biên bản tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe giả chờ cơ quan điều tra xử lý.
Tại TP.HCM, chúng tôi gặp anh Tâm, chủ doanh nghiệp vận tải ở Q.9, có trong tay gần chục xe đầu kéo rơmooc nhưng chỉ có hai tài xế có giấy phép lái xe hạng F, số còn lại phải đôn (thay thế) lơ xe lên chạy đỡ. Sáng 26-4, chúng tôi đi cùng anh Tâm đến một quán cà phê trên đường D2 (Bình Thạnh) gặp Hải, một “đại lý” cung cấp bằng giả, để đặt làm ba bằng hạng F.
Sau khi “gút” giá 4,5 triệu đồng/cái, Hải yêu cầu anh Tâm cung cấp hình tài xế, chứng minh nhân dân và hẹn 15 ngày sau nhận bằng. Anh Tâm trợn mắt: “Gì mà lâu vậy?”. Hải giải thích: “Bằng của em làm theo lộ trình nên phải mất nhiều thời gian. Đầu tiên phải làm đơn cớ mất và xin cấp phó bản. Rồi phải mất thêm thời gian hoàn tất chương trình học luật (cấp phó bản phải đi học lại lý thuyết). Có được phó bản, đám “đệ tử” dùng kỹ thuật lột hình cũ, thay thế hình mới, đóng dấu giáp lai, ép nhựa...”.
Ngoài các loại bằng giả như đã nói trên, rất nhiều tài xế sử dụng bằng “can” (scan). Theo các tay làm bằng giả, công nghệ làm bằng “can” như sau: dùng một cái bằng thật rồi scan lên máy tính, dùng Photoshop xóa tên tuổi, ngày tháng, sau đó in lại tên, ngày tháng, hạn sử dụng. Loại bằng này nhìn rất đẹp nhưng có khuyết điểm là không có dấu nổi nên chỉ dùng ban đêm.
Theo cảnh sát giao thông, các tài xế còn dùng loại bằng “mẹ bồng con” rất khó phát hiện. Cụ thể, các tài xế đặt các “lò” 2-3 cái bằng giống y hệt các thông tin trên bằng thật mà họ đang có. Từ bằng thật sẽ “dập” ra 2-3 bằng “giả” (dùng phôi thật, in thông tin, giả chữ ký). Ông T., chủ một doanh nghiệp vận tải xe khách chạy tuyến TP.HCM - Tân Phú (Đồng Nai), cho biết mỗi tài xế của ông lận lưng 2-3 bằng “mẹ bồng con” để xài dần. Cảnh sát giao thông cũng “bó tay” vì đối chiếu các thông tin trên bằng lái vẫn có hồ sơ gốc.
Trước nạn bằng lái giả xuất hiện tràn lan, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã có văn bản chỉ đạo cảnh sát giao thông các địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả. Theo đó, tất cả trường hợp dừng xe để kiểm soát đều phải kiểm tra kỹ giấy phép lái xe thông qua các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như đèn cực tím, kính lúp, cơ sở dữ liệu... Khi kiểm tra, cảnh sát giao thông cần tập trung “soi” các đặc điểm: địa chỉ cư trú khác với nơi cấp giấy phép lái xe (không cùng địa phương); sử dụng giấy phép lái môtô sau đó tẩy xóa họ tên, sử dụng phôi bằng giả, photo màu... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận