Bề mặt của vật thể với thiết kế mực in đặc biệt có khả năng thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với tia cực tím - Ảnh: MIT CSAIL.
In 3D giờ đây không còn quá xa lạ khi nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng công nghệ này vào các quá trình sản xuất vật thể từ mô hình kỹ thuật số. Tuy nhiên, mới đây các nhà nghiên cứu tại MIT CSAIL một lần nữa đã cải tiến công nghệ này với ColorFab.
ColorFab cho phép in 3D các vật thể có khả năng thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với tia cực tím, có nghĩa là mọi thứ bạn in, từ vỏ điện thoại đến dây chuyền, đều có thể tùy chỉnh màu sắc theo lựa chọn mà không cần phải in lại hoặc mua mới từ thị trường.
Stefanie Mueller, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Ý tưởng này sẽ giúp cắt giảm rất nhiều lãng phí và mang lại những lợi ích tuyệt vời cho cuộc sống. Bằng cách thay đổi màu của vật thể, bạn không cần phải tạo ra các vật thể hoàn toàn mới."
Bí quyết đằng sau khả năng thay đổi màu sắc độc đáo này nằm ở mực in. MIT CSAIL đã phát triển một loại mực đặc biệt kết hợp thuốc nhuộm tiêu chuẩn và thuốc nhuộm ánh sáng.
Bằng cách sử dụng giao diện của ColorFab, bạn có thể lựa chọn màu sắc, tô màu toàn bộ hoặc một phần cụ thể của vật thể, chọn khu vực muốn tùy chỉnh và sau đó kích hoạt màu sắc với tia cực tím.
Sau khi in, vật thể được đưa ra ánh sáng sẽ dễ dàng thay đổi màu sắc ngay, mà không bị giới hạn bởi thiết kế của vật thể.
Hiện tại, toàn bộ quy trình mất khoảng 20 phút nhưng Mueller tin rằng họ có thể tăng tốc độ bằng cách sử dụng tia UV mạnh hơn hoặc tăng lượng thuốc nhuộm thích ứng trong hỗn hợp mực đặc biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận