09/08/2021 09:24 GMT+7

Công nghệ hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Chiều 8-8, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện với các bệnh viện trung ương.

Công nghệ hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trải nghiệm hệ thống kết nối Telehealth với các trung tâm y tế huyện - Ảnh: ĐỨC HUY

Đồng thời, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia được chính thức khai trương.

Từ nay, hệ thống y tế cơ sở trong cả nước sẽ được tăng cường năng lực phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 thông qua việc được các bệnh viện trung ương hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa.

Kết nối truyền hình để thực hiện Teleheath tới huyện là mơ ước hàng chục năm của ngành y tế. Nhưng mơ ước ấy lại được thực hiện trong 2,5 ngày vì quyết tâm chính trị từ cấp cao nhất. Nó được thực hiện là vì trong bối cảnh khẩn cấp, không ai còn lo cho cá nhân mình. Nó được thực hiện vì chúng ta có những doanh nghiệp Việt Nam, những doanh nghiệp nhà nước có ý thức về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước, với nhân dân còn cao hơn cả lợi nhuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông)

"5K + vắc xin + thuốc và công nghệ"

Ngay khi hệ thống được kết nối, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng cho Bệnh viện Cần Giờ (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) qua Telehealth.

"Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá.

"Một ngày lên kế hoạch, hai ngày hoàn thành lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện còn chưa được kết nối tại 47 tỉnh, thành phố" là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất tại sự kiện.

Nhiệm vụ thần tốc này do Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện. Chỉ trong hơn hai ngày, hai đơn vị này đã ra quân hoàn thành lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.

Bằng công nghệ, giới hạn giữa các tuyến y tế từ cơ sở đến các bệnh viện trung ương sẽ được khắc phục một cách hiệu quả: các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân COVID-19, sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.

Cũng trong chiều 8-8, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia đã được ra mắt. Trung tâm - với lực lượng nòng cốt là Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Y tế và 20 doanh nghiệp công nghệ số, hàng ngàn chuyên gia, lập trình viên trong và ngoài nước - là nơi hợp lực để phát triển và triển khai thống nhất các nền tảng phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc thành lập Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 và chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ phối hợp cùng Bộ Y tế xây dựng và kết nối nền tảng Telehealth. 

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta đang từng bước hoàn thiện thông điệp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để chống dịch hiệu quả hơn, từ thông điệp 5K tiến tới thông điệp "5K + vắc xin + thuốc" và bây giờ là thông điệp "5K + vắc xin + thuốc và công nghệ".

Xóa khoảng cách với Telehealth

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4-2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo.

Đây được coi là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế, hướng đến mục tiêu "vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn". Tính đến nay, có gần 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên Telehealth, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống này.

Với kỳ vọng Telehealth sẽ giúp mỗi người dân Việt Nam, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên cương, nông thôn... có thể được chăm sóc y tế với chất lượng tốt hơn, hệ thống do Viettel xây dựng lấy người dân và cán bộ y tế làm trung tâm, cho phép các bác sĩ tuyến dưới tiếp nhận công nghệ nhanh hơn. Đồng thời có khả năng kết nối với nhiều hệ thống phần mềm y tế khác nhau, được "may đo" theo đúng quy trình khám chữa bệnh và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, nền tảng này còn có ưu điểm là được triển khai ở tất cả các điểm y tế, phổ cập từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã và người dân. "Nhờ có hệ thống khám chữa bệnh từ xa này mà chúng tôi được trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các giáo sư tiến sĩ đầu ngành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kịp thời can thiệp để cứu chữa cho bệnh nhân" - ông Nguyễn Đức Phú, trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cho biết.

Như khám trực tiếp tại bệnh viện

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu khẳng định: "Việc khám chữa bệnh từ xa này rất thuận tiện cho các bác sĩ chúng tôi trong việc hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm cho đội ngũ y bác sĩ tuyến cơ sở hay vùng sâu vùng xa trên cả nước. Với hệ thống Telehealth do Viettel cung cấp, hình ảnh chụp, siêu âm được truyền chân thực, tải sắc nét; bác sĩ có thể nhìn, nói chuyện trực tuyến với bệnh nhân như đang thực hiện khám trực tiếp tại bệnh viện".

Kết quả này có được nhờ trong hơn 10 năm qua Viettel đã đồng hành cùng với Bộ Y tế đưa các giải pháp công nghệ từng bước xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh. 

Ông Lê Đăng Dũng, quyền chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: "Viettel cam kết cùng với ngành y tế xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh. Công nghệ sẽ kết nối nhiều hơn, cộng hưởng nhiều hơn sức mạnh để chúng ta xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh và cường thịnh".

Mở rộng hệ sinh thái Telehealth

"Đến nay, Viettel đã cùng Bộ Y tế hoàn thiện gần 20 hệ thống giúp người dân được theo dõi và quản lý sức khỏe, chủ động phòng chống bệnh tật; điều trị và nâng cao sức khỏe của chính mình. Các hệ thống nổi bật bao gồm: hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia; hệ thống kết nối mạng có sở cung ứng thuốc toàn quốc; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Và tiếp theo Viettel sẽ đóng góp xây dựng hệ thống đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến để tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khám chữa bệnh" - đại diện Tập đoàn Viettel chia sẻ thông tin.

Viettel cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực để mở rộng hệ sinh thái các giải pháp Telehealth, ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ 3D trong mổ nội soi; công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán; công nghệ thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (VR/AR) mô phỏng giải phẫu học, hỗ trợ điều hướng trong phẫu thuật; chuỗi khối (blockchain) trong xác thực bệnh án; khoa học và dữ liệu (data science) trong xây dựng bộ não phân tích dữ liệu y tế...

Bệnh viện Thống Nhất khai trương trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện Thống Nhất khai trương trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa

TTO - Hệ thống khám chữa bệnh từ xa sẽ hỗ trợ chuyên môn cho y bác sĩ tuyến dưới chẩn đoán, điều trị những ca bệnh khó để có phương án điều trị hiệu quả nhất, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên