Cả thế giới đã có năm học đầu tiên làm quen với các lớp học ảo vì đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Bài học gì đã được rút ra cho năm thứ hai, khi vaccine đã triển khai nhưng chưa rõ liệu đại dịch có sớm chấm dứt hay không? Ảnh: Getty ImagesTạm tròn vai “giải pháp tình thế”Năm 2020, cung cấp giải pháp giáo dục trực tuyến trở thành phân khúc chiến lược của nhiều tên tuổi kinh doanh giáo dục. Tập đoàn Pearson tăng trưởng 14% về mảng dạy học trực tuyến trong 9 tháng đầu năm 2020. Công ty Koolearn Technology chuyên cung cấp các khóa học online ở Trung Quốc tăng gần 225% số đăng ký các gói học chương trình phổ thông. Đó là chưa kể sự bùng nổ của các “lớp học ảo” trên các nền tảng như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet.Tăng trưởng là vậy nhưng các nền tảng công nghệ cho giáo dục (Edtech) vẫn còn nhiều hạn chế. Các “lớp học ảo” nhìn ở góc độ nào đó vẫn giới hạn khi người học thụ động trước màn hình. Zoom cũng khó thu hút và giữ ổn định cho các học sinh nhỏ tuổi, hay ở vùng xa. Chưa tối ưu cũng khó trách, bởi năm 2020 người ta xem học trực tuyến chỉ là một giải pháp tình thế trong lúc chờ đợi dịch bệnh ổn định và trường học có thể mở cửa trở lại.Khi dịch bệnh vẫn chưa dứt điểm, các chuyên gia cho rằng Edtech dù tạm gọi là tròn vai trong năm 2020, cần từ bỏ tâm thế là giải pháp ngắn hạn, do lẽ 2021 sẽ là lúc Edtech bước ra “sân khấu” để đảm nhiệm vai trò kép chính.Để làm thế, các nhà cung cấp Edtech cần thay đổi phương pháp tiếp cận, ứng dụng những nghiên cứu mới về phương pháp dạy học hiệu quả đặc thù cho môi trường trực tuyến nhằm cải thiện kỹ thuật và nội dung, để dạy online không chỉ đơn thuần là “đóng gói” một bài giảng truyền thống rồi đưa lên máy tính.Điều này là rất quan trọng, vì phần đông người học thường không đủ động lực ngồi hàng giờ trước máy tính nghe các bài giảng từ xa, khả năng tiếp thu kiểu gián tiếp qua mạng cũng kém hơn ngồi trực tiếp trong lớp. “Năm 2021 không cần tạo ra nhiều phiên bản lớp học như Zoom, mà các Edtech phải nâng chất, bổ sung nhiều giá trị khác nhau” - TechCrunch nhận định.Đa dạng phương thứcTheo các chuyên gia, năm 2021 Edtech sẽ hướng tới các phương thức dạy và học đa dạng, hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ người học online, có thêm lợi thế cạnh tranh với việc học truyền thống. Chẳng hạn, Công ty Zovio (Mỹ) đang phát triển công cụ Signalz theo dõi mức độ tham gia chương trình học của sinh viên. Signalz có thể tính toán và xác định những bạn có ý định bỏ học, và sẽ thông báo cho cố vấn học tập can thiệp kịp thời. Một công ty Mỹ khác, Edsights phát triển một chatbot để làm bạn với sinh viên, thu thập thông tin về những trải nghiệm đại học. Khi phát hiện sinh viên gặp vấn đề, chatbot trợ giúp kết nối với các tài nguyên hoặc chuyên gia trong trường.Cách học sẽ được tối ưu hóa theo đặc thù từng môn. Ứng dụng Quizlet (Mỹ) đang đẩy mạnh hình thức học từ vựng thông qua các thẻ flashcard trực tuyến. Người học có thể ghi nhớ từ vựng qua nhiều hình thức và trò chơi khác nhau. Trong khi đó, ứng dụng Sketchy có thể tạo ra một bước ngoặt cho việc giảng dạy khoa học nói chung và y khoa nói riêng. Thay vì ôm sách giáo khoa, học sinh sinh viên có thể tự thiết kế tài liệu cho mình trên nền tảng hình ảnh và video trực quan tương tác trực tiếp. Vừa qua, Sketchy huy động được 30 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm.Theo Timothy Yu - nhà sáng lập và CEO của ứng dụng Snapask (Trung Quốc), đa dạng hóa là một xu thế tất yếu với các nền tảng học trực tuyến cũng như Edtech. Khi COVID-19 khiến nhiều trường tạm đóng cửa, các phần mềm Zoom, Google Meet, Microsoft Teams… lập tức lên ngôi. Nhưng theo Yu, những cái tên kể trên chỉ là một trong nhiều loại hình giảng dạy trực tuyến vốn còn rất nhiều tiềm năng.Yu cho rằng những nền tảng và dữ liệu học tập trực tuyến có thể mở đường cho việc cá nhân hóa giáo dục, và những bước phát triển tiếp theo cho xu hướng này có thể được chờ đợi trong năm 2021. Chẳng hạn như ứng dụng Snapask của Yu giúp kết nối từng học sinh đang có thắc mắc về bài vở với mạng lưới hơn 300.000 giáo viên để tìm câu trả lời. Hay ứng dụng Rhithm (Mỹ) tạo một nền tảng giao và làm bài tập. Ở đó, phần mềm sẽ đánh giá cảm xúc và khả năng của từng học sinh rồi đưa ra giải pháp hỗ trợ giáo viên có thể cung cấp các bài giảng, bài tập phù hợp với từng em.Zach Sims - nhà sáng lập nền tảng học lập trình Codecademy (Mỹ) - cho rằng các start-up sẽ chiến thắng nếu biết dùng khả năng kết nối và công nghệ để tạo ra trải nghiệm giáo dục không thể có trong lớp học thông thường. Theo Sims, các Edtech cần thêm chiến lược để thay đổi việc học online từ chỗ đơn thuần chỉ là nghe giảng bằng nhiều giải pháp công nghệ mới, để học trực tuyến không còn là những trải nghiệm gò bó hay rời rạc.“Ông lớn” nào sẽ bứt phá?Theo phân tích của công ty đầu tư CLSA (Hong Kong), các tên tuổi về Edtech của Trung Quốc đã tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ. Đáng nói, “ông lớn” Alibaba có thể sử dụng ứng dụng DingTalk làm nền tảng để mở rộng sang phân khúc học trực tuyến. Start-up trong lĩnh vực viễn thông Prosus (Hà Lan) cũng đang có các kế hoạch lấn sân vào giáo dục. Google với một hệ điều hành mới chạy trên nền máy tính xách tay Chromebook có thể tích hợp thêm những công cụ học trực tuyến mới. Giáo dục trực tuyến hay Edtech có thể vẫn giới hạn ở một mức độ, nhưng năm 2021 sẽ bắt đầu là cơ sở để các “ông lớn” khẳng định mình và chiếm thị phần trong buổi sơ khai này.Tương lai hậu đại dịch sẽ thế nào?Theo Forbes, để cạnh tranh trong thời đại dịch, nhiều trường đại học đã đổ nhiều tiền của vào nghiên cứu hoặc chuyển giao các ứng dụng Edtech. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người bàn đến là liệu khi đại dịch kết thúc, các Edtech có suy yếu theo? Thậm chí, ngay chính lãnh đạo của một số Edtech cũng nghi ngại về tốc độ tăng trưởng của mình nếu đại dịch được kiểm soát ngay trong năm 2021.Trong bối cảnh nhiều loại vaccine đang được triển khai, các trường đang kỳ vọng có thể trở lại như xưa. Trước mắt, học kỳ mùa xuân năm 2021 sẽ là liều thuốc thử. Nhiều nơi đã nới lỏng cho sinh viên trở lại học trực tiếp từ học kỳ tới đây. Tâm lý háo hức xuất ngoại để đến trường của các du học sinh rất dễ nhận thấy, đặt dấu hỏi về “vị thế” của học trực tuyến trong tương lai hậu đại dịch.Ashley Bittner - đồng sáng lập của quỹ đầu tư Firework Ventures - tin rằng các Edtech có thể tiếp tục đặt cược mạnh vào đà đi lên của xu hướng học trực tuyến. Điều này không phải không có cơ sở. Ứng dụng dạy học Byju, một trong những Edtech đi đầu tại Ấn Độ, tiếp tục tăng trưởng tích cực và mới được rót vốn khoảng 12 tỉ USD. Start-up về Edtech Yuanfudao (Trung Quốc) cũng nhận đầu tư 16 tỉ USD trong năm 2020. Năm vừa qua trong vòng đầu tư mạo hiểm, các start-up về Edtech kêu gọi được hơn 10 tỉ USD. Tuy nhiên theo Ashley Bittner, cần cẩn trọng với các kịch bản có thể xảy đến trong thập niên tiếp theo.Trong khi đó, giáo sư Per Andersson (Trường Kinh tế Stockholm - Đại học Stockholm, Thụy Điển) cho rằng vì (hay nhờ) COVID-19 mà các trường học không còn giữ quan niệm họ có thể phát triển trong thời đại này mà không cần tới công nghệ. Andersson tin vào xu hướng tiếp tục phát triển của Edtech, và vạch ra viễn cảnh lý tưởng khi giáo dục trực tuyến thay vì đối đầu sẽ cộng sinh với giáo dục truyền thống. Các Edtech nhỏ sẽ kết hợp với nhau để tăng hiệu quả và làm đối trọng với những “gã khổng lồ” trong lĩnh vực giáo dục. Quan hệ đối tác giữa Edtech và các cơ quan nhà nước sẽ được tăng cường theo hướng liên ngành và xuyên ngành để thực hiện những mục tiêu giáo dục chung.■Dạy học qua game“Game hóa” cũng là một xu hướng mới, nhằm tăng động lực và tương tác cho người học bằng cách kết hợp các yếu tố được thiết kế cho game như kể chuyện, giải quyết vấn đề... Theo báo cáo của công ty trò chơi điện tử Nintendo (Nhật), tỉ lệ tập trung của học sinh ở các lớp có áp dụng những phần mềm game cho học tập đạt tới 92%. Tại Mỹ, theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Columbia, dùng game trong các lớp học có thể giúp học sinh năng động hơn phương pháp truyền thống rất nhiều. Có thể đó sẽ là một trong những xu hướng cho thập niên tới.Một số tựa game có thể kể đến như Ribbon Hero của Microsoft cho học sinh luyện tập cách gõ văn bản hay Duolingo (Mỹ) hỗ trợ học nhiều loại ngôn ngữ mới… Theo công ty phân tích thị trường CB Insights (Mỹ), nền công nghiệp “game hóa” cho giáo dục có thể đạt 1,8 tỉ USD vào năm 2023. Con số này cho thấy một tương lai tươi sáng khi năm 2018 chỉ đạt 450 triệu USD. Tags: COVID-19Công nghệ giáo dụcEdtech
Video: Sự việc cầu thủ Nguyễn Xuân Nam xô xát đổ máu ở đường hầm sân Thống Nhất HOÀNG TÙNG 14/11/2024 Tối 14-11, sau trận CLB Trẻ TP.HCM - PVF-CAND (0-0) ở vòng 4 Giải hạng nhất 2024 - 2025, hai cầu thủ Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn của hai đội đã lao vào nhau xô xát đổ máu trong đường hầm sân Thống Nhất.
Giá vàng thế giới chỉ còn tương đương 78,7 triệu/lượng, liệu đã chạm đáy? ÁNH HỒNG 14/11/2024 Giá vàng thế giới tối nay 14-11 giảm nhanh về 2.559,3 USD/ounce. Như vậy giá vàng thế giới đã bốc hơi 227,8 USD/ounce so với mức đỉnh.
Vừa lên sàn, tập đoàn chuyên bán nguyên liệu của ông Nguyễn Thiên Trúc 'mất' ngay nghìn tỉ BÌNH KHÁNH 14/11/2024 Vừa lên sàn hôm 11-11 với giá 63.000 đồng/cổ phiếu, sau vài phiên điều chỉnh, vốn hóa CTCP Nguyên liệu Á châu AIG 'bốc hơi' hơn nghìn tỉ đồng.
Công ty mẹ Facebook bị châu Âu phạt hơn 840 triệu USD TRẦN PHƯƠNG 14/11/2024 Châu Âu phạt gã khổng lồ Meta, công ty mẹ Facebook, hơn 840 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền và lạm dụng vị thế thống lĩnh để chèn ép các đối thủ.