Công nghệ có làm mất đi vẻ đẹp của bóng đá?

NGỌC ANH 22/03/2017 22:03 GMT+7

TTCT - Khi Barcelona lội ngược dòng lịch sử tại Champions League trước Paris Saint-Germain (thua 0-4 lượt đi và thắng 6-1 lượt về), không ít người cho rằng có đến một nửa “công lao” thuộc về trọng tài Deniz Aytekin.

Công nghệ hiện đại đủ sức giúp các quyết định của trọng tài chính xác gần như hoàn hảo, nhưng liệu những CĐV bóng đá có muốn điều đó? -jerseyfootballmag.com
Công nghệ hiện đại đủ sức giúp các quyết định của trọng tài chính xác gần như hoàn hảo, nhưng liệu những CĐV bóng đá có muốn điều đó? -jerseyfootballmag.com


 Vị vua áo đen người Đức đã đưa ra không dưới ba quyết định gây tranh cãi ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu, dù được trợ giúp bởi trợ lý đứng bên cạnh khung thành chuyên trách quan sát những diễn biến trong vòng cấm.

Trong hoàn cảnh công nghệ phân tích băng hình đang là chủ đề rất được quan tâm của bóng đá thế giới, vụ việc ồn ào của ông Aytekin vô tình khơi ra câu hỏi dành cho các liên đoàn bóng đá: trọng tài có cần được video quay chậm ngay trong trận đấu hỗ trợ?

“Nếu Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) không dùng video trong vòng 5 năm tới, họ có thể phải đối mặt với những vụ kiện” - HLV Arsene Wenger của Arsenal nói với ESPN cuối tuần trước.

UEFA trước giờ vẫn nói không với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ trọng tài, theo quan điểm của cựu chủ tịch Michel Platini. Cũng bởi vậy mà trong lúc các giải đấu lớn trên thế giới đã áp dụng công nghệ xác định bàn thắng trên vạch vôi (goal-line), UEFA vẫn đề cao yếu tố con người bằng việc tăng thêm trợ lý cho trọng tài chính.

Nhưng khi biện pháp này không thể làm giảm đi tranh cãi, một phương án khác đã được đề xuất và thử nghiệm hơn một năm qua: sử dụng trợ lý băng hình (video assistant referee - VAR), sự kết hợp giữa con người và máy móc.

Khác với các trợ lý truyền thống, VAR không đứng sát đường biên mà quan sát trận đấu từ xa thông qua băng ghi hình. Họ sẽ tư vấn hoặc cung cấp video quay chậm khi được yêu cầu, giúp trọng tài chính đưa ra quyết định trong những tình huống nhạy cảm.

Biện pháp hỗ trợ kỹ thuật này được thử nghiệm chính thức lần đầu tiên trong trận giao hữu giữa Ý và Pháp tháng 9-2016, sự kiện mà chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino cho là đã “thay đổi lịch sử bóng đá thế giới”.

VAR tiếp tục xuất hiện ở Cúp thế giới các câu lạc bộ sau đó vài tháng và mới đây, Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) xác nhận sẽ ứng dụng VAR tại các giải cúp từ năm 2018.

Việc ứng dụng công nghệ vào bóng đá không dễ dàng được đón nhận, bởi mối hoài nghi về sự suy giảm tính hấp dẫn truyền thống của môn thể thao vua.

“Nó quá rối rắm và không phải là bóng đá” - tiền vệ Luka Modric (Real Madrid) phát biểu sau khi trải nghiệm các trận đấu có sự tham gia của VAR ở Cúp thế giới các câu lạc bộ.

Cầu thủ người Croatia không hài lòng khi màn ăn mừng bàn thắng của anh và các đồng đội bị gián đoạn vài giây, bởi trọng tài cần tư vấn VAR để nhận định lại pha bóng trước đó. Những khoảng dừng như vậy dễ khiến cầu thủ và khán giả cụt hứng.

Chính những người đề ra ý tưởng này cũng không muốn thế. Giám đốc kỹ thuật của Hội đồng các liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) David Elleray khẳng định nguyên tắc sử dụng VAR là “can thiệp tối thiểu, lợi ích tối đa”.

Một ranh giới được vạch ra trong nhiệm vụ của VAR để không làm ảnh hưởng đến dòng diễn biến cũng như cảm xúc mà trận đấu mang lại. Theo đó, trọng tài chính chỉ được yêu cầu trợ giúp trong những tình huống mà một sai sót có khả năng ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, bao gồm công nhận bàn thắng, thổi phạt đền hay rút thẻ đỏ.

Như vậy, trên thực tế các trọng tài vẫn có quyền nói “không” khi tự tin vào nhận định của mình và do đó họ vẫn có thể mắc lỗi. “Câu hỏi không phải là quyết định đó có đúng hay không, mà là nó có sai mười mươi hay không” - ông Elleray chia sẻ.

Sự hấp dẫn của bóng đá được tạo nên một phần bởi tính khó lường trong những quyết định mang tính con người của các trọng tài. Những sai sót của giới cầm còi, ở chừng mực nào đó, vẫn được chấp nhận như một rủi ro khó đoán trong mỗi trận đấu, giống như phong độ của các cầu thủ.

“Thông điệp rõ ràng mà chúng tôi nhận được từ các cầu thủ và HLV là họ vẫn muốn trọng tài tự chủ trong việc đưa ra quyết định - ông Elleray nói - Chúng tôi không muốn biến bóng đá thành bóng bầu dục kiểu Mỹ”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận