10/02/2012 07:35 GMT+7

Công khai quy hoạch nhân sự cấp cao

Ông PHẠM QUANG NGHỊ
Ông PHẠM QUANG NGHỊ

TT - “Việc gì bức xúc của dân đều quan trọng với lãnh đạo”. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng phát biểu như vậy.

KmGhKSLK.jpgPhóng to
Ông Phạm Quang Nghị - Ảnh: Việt Dũng

Đất đai đang là vấn đề lớn

Cụ Đặng Huy Trứ có nói một câu rất hay là ‘’nếu như cứ phải mâm cao cỗ đầy thì mới xin được điều mình mong muốn thì những người nghèo chết hết từ lâu rồi”

* Ở cương vị của mình, ông có cảm thấy sức nóng của vấn đề đất đai trong xã hội hiện nay?

- Tôi cảm thấy rất rõ điều đó, cả tính chất khó khăn, phức tạp, đa dạng cũng như những khía cạnh đặc thù và những bất hợp lý đang tồn tại. Tuy nhiên, tôi cho rằng dù vấn đề đất đai có những phức tạp, nhạy cảm nhưng trong cách giải quyết của người lãnh đạo vẫn có thể tìm ra những phương án giảm thiểu dẫn đến xung đột, vẫn tìm ra được những giải pháp có thể thỏa thuận được.

* Nhiều ý kiến cho rằng để nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” sớm đi vào cuộc sống, củng cố niềm tin trong Đảng và trong nhân dân, không những cần triển khai thật tốt các giải pháp đề ra trong nghị quyết này mà đồng thời phải xem xét để xử lý các vụ việc mà dư luận đang hết sức quan tâm theo đúng tinh thần của nghị quyết, đơn cử như vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng?

- Câu chuyện này rất đáng để xem xét, phân tích dưới góc độ không chỉ về chủ trương, chính sách cụ thể mà còn là mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, giữa Đảng lãnh đạo với người dân. Ở nhiều nơi và nhiều việc có thể chưa đến mức độ như ở Tiên Lãng nhưng tính phổ biến thì không thể xem nhẹ.

* Nhiều chuyên gia cho rằng để tiếp tục phát huy nguồn lực đất đai, cần sớm sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan với một cách tiếp cận mới. Ông nghĩ sao?

- Đất đai đang là vấn đề lớn, bức xúc cả về phương diện lý luận và thực tiễn, vi mô lẫn vĩ mô, hoạch định chính sách và thực thi chính sách, đối với người dân cũng như với các cấp chính quyền. Vấn đề đất đai có rất nhiều khía cạnh khác nhau. Chính vì vậy, Chính phủ đang tổng kết việc thi hành Luật đất đai để trình Quốc hội có những sửa đổi, bổ sung cần thiết.

Trong quá trình tổng kết việc thi hành Luật đất đai có rất nhiều vấn đề cần xử lý, ví dụ giữa nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân với việc giao một số quyền cho người sử dụng đất, giữa đất ở, đất được thừa kế từ ông bà, cha mẹ với đất được Nhà nước giao như đồi rừng, mặt nước... là khác nhau.

Một vấn đề khác nữa là thu hồi đất của người dân. Nhiều người nói rằng để sử dụng đất thật tiết kiệm, tránh việc lạm dụng thì phải định giá đất thật cao theo sát giá thị trường, mà nguyên tắc hiện nay cũng đang áp dụng là theo giá thị trường ở thời điểm trung bình. Thế nhưng, ở Hà Nội thế nào là giá thị trường, thế nào là thời điểm trung bình? Nếu lấy giá đất xung quanh hồ Gươm để áp dụng cho khu vực ngoài trung tâm Hà Nội hoặc ngược lại thì đều khó chấp nhận. Hơn nữa, cũng là vị trí, diện tích đất ấy nếu để làm công trình công cộng, làm bệnh viện, trường học thì giá này, làm dịch vụ, kinh doanh thì giá khác... liệu người dân có đồng tình không?

Vì vậy, việc tổng kết thi hành Luật đất đai rất cần được tiến hành khẩn trương, để có những điều chỉnh chính sách sao cho hợp lý hơn, phù hợp với thực tiễn, hạn chế các vấn đề bức xúc, xung đột nảy sinh trong quá trình giao đất và thu hồi đất.

* Theo Luật đất đai 1993, thời hạn giao một số loại đất là 20 năm và đến năm 2013 sẽ hết thời hạn. Hiện nay không chỉ nông dân Hà Nội mà người dân cả nước đang muốn biết chủ trương tiếp theo của Đảng và Nhà nước về vấn đề này như thế nào?

- Đây là công việc của Chính phủ sẽ trình Quốc hội và tôi nghĩ Quốc hội sẽ sớm công bố về vấn đề đó để an dân.

* Cá nhân ông ủng hộ hướng tiếp tục giao đất ổn định, lâu dài hay thu hồi?

- Đây là vấn đề sẽ được bàn kỹ, nhưng theo suy nghĩ của tôi, hướng cơ bản cần ưu tiên là nên ổn định, nhưng không phải là ổn định tuyệt đối giữ nguyên như cũ. Tôi nói ví dụ, hiện nay ở nông thôn những người sinh sau năm 1993, nay đến tuổi lao động mà người ta không có đất sản xuất thì cũng phải có điều chỉnh cho phù hợp. Nếu chúng ta chỉ hướng vào ổn định không thôi thì những người sinh ra trong 20 năm qua không có quyền lợi gì trong việc được giao đất ở địa phương của họ. Đó là những vấn đề cần phải được đặt ra.

Nền tảng văn hóa tốt thì không dễ suy thoái

* Quay trở lại với vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có rất nhiều biểu hiện khác nhau, ví dụ như vụ quan chức ở Sóc Trăng đánh cờ tướng tiền tỉ, hay như ngay trong mùa lễ hội này chúng ta thấy nhiều quan chức cũng chen lấn đi lễ hội, cũng mâm cỗ thật to, cũng lao vào cướp ấn... Phải chăng đó chính là sự suy thoái về văn hóa? Là người từng phụ trách ngành văn hóa của đất nước, ông nghĩ sao?

- Văn hóa là một phạm trù rất rộng, nhưng khi nói đến văn hóa thì nó phải chứa đựng điều gì đó là tiến bộ, là tốt đẹp. Với nhìn nhận như vậy thì bất cứ sự suy thoái nào cũng đều mang tính phản văn hóa, thiếu văn hóa hay nặng hơn nữa là suy đồi về văn hóa. Nếu như ai đó có bản lĩnh chính trị và thật sự là một người có văn hóa thì không trông chờ vào việc đi xin, đi lễ, đi cướp ấn, càng không chạy chức, chạy quyền mà trong phấn đấu người đó sẽ tin vào tổ chức, tin vào tập thể, tin vào Đảng rằng mình tiến bộ thì nhất định được bổ nhiệm vào vị trí xứng đáng. Nếu việc đó chưa đến thì cũng không nên quá nôn nóng chạy đi xin, đi cầu... Vấn đề này liên quan đến bản lĩnh, phẩm chất của mỗi người, đồng thời cũng phản ánh tầm văn hóa. Tôi suy nghĩ nôm na là nếu đi cầu, đi xin mà được thì chắc là người ta đổ xô đi cầu, đi xin hết.

Nếu một người cán bộ, đảng viên có một nền tảng văn hóa tốt thì chắc không thể hoặc không dễ suy thoái về đạo đức, lối sống... Nói như vậy để thấy rằng chúng ta cần nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội. Không phải đến ngày nay, mà từ xưa, ngay cả trong chế độ phong kiến vẫn còn có nhiều vị quan thanh liêm, chính trực. Và như trong dân gian thường nói: “Giấy rách cũng phải giữ lấy lề”. Đó là phẩm chất đạo đức, là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cần cho muôn đời.

* Khi bổ nhiệm cán bộ có thể căn cứ vào nhiều tiêu chí, nhưng phải chăng quy trình lâu nay chưa coi trọng yếu tố văn hóa của người cán bộ, đảng viên, xét từ những biểu hiện như có xa dân không, có vô cảm không? Và vì sao vẫn để lọt những cán bộ không xứng đáng?

- Khi nói đến sự sa sút này thì không loại trừ cả những người làm công việc nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Trong những người làm công việc đó cũng có người sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho nên mới tìm tới những ông sa sút ở bên dưới để bổ nhiệm, chứ nếu tất cả lành mạnh hết thì những ông sa sút ở bên dưới cũng không tìm được chỗ để bấu víu vào. Cho nên lần này trung ương ra nghị quyết “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu rõ sự suy thoái diễn ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp.

* Liên quan đến công tác cán bộ, nghị quyết lần này nhận định đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản?

- Trong vấn đề xây dựng Đảng thì công tác cán bộ luôn chiếm vị trí hết sức quan trọng. Những đánh giá về thành tựu, khuyết điểm của từng giai đoạn cách mạng đều liên quan đến công tác cán bộ. Tại Đại hội VI mở đầu công cuộc đổi mới đã có đánh giá rất sâu sắc, có tính phê bình rất cao về công tác cán bộ, đó là: công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ phạm nhiều khuyết điểm nghiêm trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Lần này, nghị quyết trung ương nêu rõ: “Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”. Nghị quyết trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong vấn đề quy hoạch cán bộ cấp cao. Đặt vấn đề như vậy cũng chính là để tìm cách khắc phục.

* Thưa ông, vấn đề nêu trên sẽ được khắc phục bằng cách nào, tránh trường hợp “mỗi lần có đại hội lại một lần đốt đuốc đi tìm cán bộ” như cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng đề cập?

- Cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng phê phán hiện tượng làm công tác cán bộ thiếu quy hoạch, khiến mỗi lần đại hội lại một lần đốt đuốc đi tìm cán bộ và nhiều khi không tìm được đúng người xứng đáng. Trong công tác quy hoạch cán bộ, chúng ta đã có các quy trình, quy định trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong Đảng chúng ta không gọi là tranh cử nhưng rõ ràng trong Đảng hay trong bất kỳ tổ chức nào thì đều phải có sự lựa chọn. Nói lựa chọn có nghĩa là có sự so sánh giữa người này và người kia, mặt được và mặt chưa được, mặt hơn và mặt kém thông qua việc lựa chọn, đánh giá như vậy để xem xét cụ thể trường hợp nào bố trí vào công việc gì thì thích hợp. Nếu như trước đây chúng ta làm việc đó chưa thật khoa học, chưa thật dân chủ, thì bây giờ phải có biện pháp để làm thật sự khoa học và dân chủ hơn.

Quy hoạch công khai để mọi người nhận xét

* Ông có ủng hộ việc quy hoạch nhân sự cấp trung ương gắn với chức danh lãnh đạo chủ chốt cụ thể của Đảng và Nhà nước và công bố công khai trước trong toàn Đảng, toàn dân?

- Theo tôi, những việc đó lâu nay chúng ta đã làm rồi. Trước mỗi kỳ đại hội đều có công tác quy hoạch cán bộ, một chức danh bí thư ít nhất phải có hai người trở lên trong quy hoạch, tương tự như vậy đối với chức danh chủ tịch hay giám đốc các sở ngành. Có nghĩa là trước mỗi kỳ đại hội thì trong Đảng đã biết trước là trong số những nhân sự như vậy sẽ có một người làm bí thư, một người làm chủ tịch...

Về mong muốn công khai quy hoạch sao cho không chỉ trong Đảng biết mà trong xã hội cũng biết, tôi nghĩ rằng đây cũng là một ý tưởng rất tốt, nên ủng hộ và trên thực tế chúng ta cũng đã làm việc đó đối với lĩnh vực bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Thật ra ở Hà Nội cũng muốn làm như vậy, nghĩa là trước mỗi kỳ đại hội cần công bố công khai quy hoạch nhân sự cho nhân dân biết để mọi người có thể tham gia nhận xét, đánh giá, từ đó có thêm thông tin cho tổ chức xem xét, nhưng vì vừa qua chưa có quy định cụ thể để áp dụng nên TP Hà Nội chưa đưa ra công khai.

Ông PHẠM QUANG NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên