04/01/2014 12:14 GMT+7

Công khai phương án và kết quả xét miễn thi tốt nghiệp

TTO
TTO

TTO - Sau khi TTO đăng tải các ý kiến bạn đọc quanh dự thảo phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và dự kiến sẽ áp dụng từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã có câu trả lời ban đầu các thắc mắc về vấn đề này.

TTO trích đăng toàn văn trả lời.

C8uVegKN.jpgPhóng to
Học sinh tham gia một kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: TTO

* Tại sao Bộ GD-ĐT lại chọn thời điểm này để đưa ra chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp phổ thông?

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) yêu cầu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh”.

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, là việc đưa nghị quyết 29-NQ/TW vào thực tiễn giáo dục, từng bước đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội.

Điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để từng bước triển khai những bước đi vững chắc, nhưng tiếp cận được với định hướng đổi mới chương trình - sách giáo khoa.

* Những điều chỉnh cơ bản của phương án thi tốt nghiệp THPT lần này là gì?

- Những điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT lần này thể hiện ở những điểm căn bản sau:

- Tăng cường phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học, cụ thể là:

+ Xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp cho những học sinh có kết quả học tập và rèn luyện tốt;

+ Sử dụng kết hợp kết quả học tập cả năm lớp 12 cùng với điểm thi tốt nghiệp để xét và công nhận tốt nghiệp.

- Giảm số môn thi, cho học sinh được tự chọn các môn thi còn lại ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn;

- Để đánh giá thực chất hơn năng lực ngoại ngữ của học sinh, bài thi ngoại ngữ sẽ gồm 2 phần: trắc nghiệm và viết luận.

* Tại sao bộ chủ trương mở rộng diện được miễn thi tốt nghiệp?

- Chủ trương mở rộng diện miễn thi là thực hiện định hướng của nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 BCH Trung ương khóa XI về phối hợp kết quả đánh giá trong quá trình học với kết quả thi;

- Việc mở rộng diện miễn thi sẽ giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học THPT, nhất là ở lớp 12 để có thể được miễn thi tốt nghiệp;

- Việc xây dựng và triển khai phương án miễn thi phải được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Danh sách các học sinh được miễn thi phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội giám sát. Việc phân loại học sinh miễn thi và học sinh không được miễn thi thu hút sự quan tâm giám sát của nhiều người, nhiều tổ chức trong và ngoài nhà trường, đây cũng là một giải pháp để yêu cầu việc đánh giá học sinh phải chính xác hơn.

* Cơ sở của việc xác định tỉ lệ miễn thi (như dự kiến là 20%) là gì?

- Bộ chủ trương miễn thi cho tối đa 20% học sinh có kết quả học tập và rèn luyện tốt nhất thuộc tốp đầu. Kết quả thống kê xếp loại học lực của học sinh THPT/GDTX và kết quả xếp loại tốt nghiệp của các tỉnh đạt từ loại khá trở lên cao hơn 20% rất nhiều.

Nếu xác định tỉ lệ miễn thi tối đa 20% nghĩa là đã xét cho những học sinh có kết quả học tập và rèn luyện tốt nhất rồi. Tỉ lệ này có thể được điều chỉnh hằng năm cho phù hợp với thực tiễn dạy học;

- Đây là tỉ lệ tối đa mà các sở có thể sử dụng để xác định các học sinh miễn thi. Tuy nhiên, căn cứ vào các điều kiện cụ thể của hoạt động dạy học để sở GD-ĐT xác định tỉ lệ miễn thi cho từng trường sao cho bảo đảm tổng số học sinh được miễn thi của sở không vượt quá tỉ lệ đã xác định.

* Cơ sở để giảm số môn thi và đưa vào các môn tự chọn?

- Sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình với kết quả thi để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp là cơ sở để giảm số môn thi. Muốn có kết quả tốt nghiệp tốt học sinh phải nỗ lực học tập các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12.

- Giảm số môn thi cũng góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy, đánh giá được năng lực của học sinh;

- Sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng giảm rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây;

- Việc đưa vào các môn tự chọn là giảm áp lực cho các thí sinh, đồng thời phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT là bước chuẩn bị cho việc học tập của các em ở các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.

* Việc cho học sinh tự chọn các môn thi ngoài các môn bắt buộc có dẫn đến tình trạng học lệch của học sinh?

- Bậc học THPT cần chú trọng định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Theo định hướng đổi mới chương trình - sách giáo khoa mới thì tăng cường tích hợp ở lớp dưới, phân hóa mạnh ở bậc THPT. Việc cho phép học sinh lựa chọn môn thi sẽ tạo điều kiện để các em phát huy sở trường và năng lực cá nhân của mình;

- Trong thực tế những năm qua, khi học sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 6 môn thì các em cũng đã dựa vào năng lực của mình để định hướng nghề nghiệp ngay từ khi vào lớp 10 thông qua việc chọn học các môn theo khối thi.

Như vậy nếu “học lệch” chính đáng, nghĩa là trên nền yêu cầu chung học sinh có những cố gắng hơn đối với những môn mình yêu thích, qua đó phát huy được năng lực, sở trường của học sinh để giúp các em chuẩn bị đi vào cuộc sống hoặc tiếp tục học lên sau khi hết bậc THPT thì không có gì phải băn khoăn;

- Việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học cũng sẽ góp phần đảm bảo yêu cầu chung đối với học sinh phổ thông;

- Phù hợp với định hướng đổi mới công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong tương lai gần, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

* Những dự kiến đổi mới trong việc ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay như thế nào để khắc phục tình trạng học sinh học lệch, học tủ?

- Tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn, khắc phục tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn;

- Trong đề thi sẽ tăng các câu hỏi theo hướng học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề, giảm thiểu việc đoán mò và “học tủ”;

- Với môn ngoại ngữ ngoài phần trắc nghiệm như thường lệ sẽ có cả phần viết luận.

* Việc giao cho sở GD-ĐT xây dựng phương án miễn thi cho các trường thuộc phạm vi quản lý có đảm bảo khách quan? Có xảy ra tình trạng “phóng điểm” để giúp học sinh được miễn thi không?

- Trong dự thảo phương án đã chỉ rõ trách nhiệm của sở GD-ĐT và các trường. Sở được giao quyền trong việc xây dựng phương án miễn thi nhưng gắn liền với tự chịu trách nhiệm trước học sinh, phụ huynh và xã hội;

- Các tiêu chí miễn thi, quy trình triển khai thực hiện được ghi trong dự thảo phương án. Ở đây đề cao giám sát xã hội, sự đánh giá của giáo viên kết hợp với đánh giá và giám sát của học sinh, phụ huynh và xã hội.

Hiệu trưởng các trường được tham gia xây dựng phương án miễn thi của sở, thành phần hội đồng xét miễn thi của trường có đầy đủ các đại diện của đảng, chính quyền, đoàn thể, hội phụ huynh và đại diện học sinh;

- Phương án miễn thi, kết quả xét miễn thi đều phải được công khai để nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội giám sát.

* Môn ngoại ngữ là môn học quan trọng đối với học sinh, tại sao bộ không đưa vào làm môn thi bắt buộc?

- Đúng, ngoại ngữ là môn học công cụ rất quan trọng để giúp chúng ta hội nhập quốc tế thành công, nhất là với thế hệ học sinh hôm nay. Chính vì vậy cần có những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học thực chất môn này. Hiện nay chúng ta đang triển khai Đề án ngoại ngữ 2020, trong đó đặc biệt coi trọng đổi mới cách thức thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết).

- Với cách thức dạy, học và thi ngoại ngữ như hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học, thi ngoại ngữ. Để khuyến khích các em yêu thích và học tốt ngoại ngữ thì môn ngoại ngữ được chọn làm môn thi khuyến khích để cộng điểm thi tốt nghiệp.

- Đảm bảo đánh giá môn ngoại ngữ thực chất hơn, tạo điều kiện để bộ và các trường có thời gian triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu của Đề án ngoại ngữ 2020, ví dụ không bắt buộc thi thì các trường mới cử được giáo viên đi học nâng cao năng lực để dạy được chương trình mới.

Như thế không những không ảnh hưởng đến Đề án 2020 mà còn tạo ra những điều kiện cơ sở những tiền đề để đề án được triển khai hiệu quả hơn.

* Theo phương án của bộ, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều đổi mới. Bộ đã chuẩn bị những gì để tổ chức tốt kỳ thi?

- Với những nội dung điều chỉnh đã nêu trong phương án, sẽ có một số vấn đề kỹ thuật của kỳ thi cần phải chủ động giải quyết. Quan điểm là bộ, sở, nhà trường chủ động có phương án để giải quyết những khó khăn, phức tạp của kỳ thi, dành những thuận lợi cho học sinh và phụ huynh.

Cụ thể bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, việc ra đề thi sẽ do bộ đảm nhận, công tác tổ chức thi sẽ đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các hội đồng thi, công tác chấm thi cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn, phần mềm thi tốt nghiệp cũng phải được nâng cấp cho phù hợp.

Tuy nhiên, tất cả những khó khăn này đều có giải pháp để giải quyết triệt để với trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp.

* Bộ GD-ĐT nghiêng về phương án nào? Nếu phương án được ủng hộ thì bộ có áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp 2014 không, phương án này sử dụng đến khi nào?

-Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng dạy học hiện nay, theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bộ nghiêng về phương án 1. Với phương án này sẽ giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội, phối hợp đánh giá quá trình với thi tốt nghiệp nên vẫn bảo đảm đạt được mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT;

- Nếu phương án được các trường và dư luận xã hội ủng hộ, bộ sẽ áp dụng ngay từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Phương án thi này sẽ duy trì ổn định cho đến khi bắt đầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình - sách giáo khoa mới.

* Phương án thi này có gây bất ngờ, làm khó cho học sinh hay không khi thời gian của học kỳ 1 năm học 2013-2014 đã hết?

- Bất ngờ thì có thể có, nhưng làm khó cho học sinh thì hoàn toàn không. Việc miễn thi sẽ giảm áp lực thi cử, giảm tốn kém cho xã hội, việc tổ chức thi cũng gọn hơn nên sẽ có điều kiện để làm tốt hơn các khâu của kỳ thi;

- Học sinh hoàn toàn chủ động để lựa chọn môn thi phù hợp nhất với năng lực của mình. Việc sử dụng kết quả học tập lớp 12 vào xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp sẽ có tác động tích cực đến hoạt động dạy học, từng bước điều chỉnh trở lại hoạt động dạy học ở các nhà trường.

* Thời gian tham khảo ý kiến để hoàn thiện và chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT là bao lâu?

- Bộ sẽ công khai dự thảo phương án thi lên website của bộ, trên báo Giáo Dục và Thời Đại để lấy ý kiến tham khảo của đông đảo các nhà giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong thời gian ít nhất 30 ngày.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, bộ sẽ hoàn thiện phương án để sớm công bố chính thức phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đảm bảo không gây khó khăn cho học sinh.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên