Các ý kiến ĐB tập trung vào việc cần thiết phải ban hành luật để điều chỉnh một thực tiễn đã có, xây dựng khung pháp lý đảm bảo cho các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực dân sự, thương mại và đặc biệt là hành chính, góp phần cải thiện mối quan hệ giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ĐB Vũ Minh Mão (Thái Bình), “giao dịch điện tử góp phần làm tăng tính công khai, minh bạch trong các hoạt động quản lý nhà nước”. Ông đưa ra hai dẫn chứng: giao dịch điện tử trong hệ thống ngân hàng (riêng hệ thống thanh toán liên ngân hàng có thể giao dịch khoảng 10.000 tỉ đồng/ngày, trong khi trước đây phải mất hàng tuần - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy xác nhận) và việc áp dụng “chính phủ điện tử” tại Q.1 (TP.HCM) giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ bảy xuống ba ngày, chi phí giảm đi bốn lần so với giao dịch bằng cách bình thường. Đó cũng là những lý do để nhiều ĐB QH ủng hộ việc ra đời Luật giao dịch điện tử, trong đó có vấn đề giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân.
Tính khả thi của dự án luật, đối tượng nào cần được bảo hộ, phạt bao nhiêu là vừa đối với các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ - đó là những nội dung được ĐB QH thảo luận xung quanh dự luật sở hữu trí tuệ. ĐB Mai Anh (Khánh Hòa) đặt vấn đề: phần mềm trong lĩnh vực tin học được bảo hộ ra sao?
Mặt khác, dự luật qui định các sản phẩm sử dụng kinh phí nhà nước để sáng tạo thì sản phẩm đó thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Nhà nước, nhưng ĐB Mai Anh cho rằng cần có chính sách để cá nhân hoặc người trực tiếp làm nên sản phẩm được hưởng % lợi nhuận từ sản phẩm đó.
Dự luật qui định mức phạt hành chính từ 1-1,5 lần/lợi nhuận thu được đối với những trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo ĐB Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) là “quá nhẹ”. “Nếu người ta thu lợi nhuận 1 đồng mà ta phạt 1,5 đồng tôi đảm bảo với các đồng chí trong QH là ta phải xử lý... mệt nghỉ luôn” - ĐB Hứa Chu Khem nói. Ông cho rằng cần phải có mức chế tài nghiêm khắc hơn, từ 40-100 lần thì mới hợp lý và đủ sức răn đe tình trạng ăn cắp, xài chùa, sao chép... các sản phẩm trí tuệ hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận