Thông tin này đã làm chủ nhân của 76 triệu thẻ ATM trên cả nước rất yên tâm.
Các chủ thẻ càng vui mừng hơn khi việc xử phạt này bắt đầu được áp dụng vào dịp gần tết, thời điểm mà những năm trước thường xảy ra tình trạng máy ATM hết tiền.
Theo cách nói trong kinh doanh xưa nay thì người sử dụng thẻ ATM cũng là “thượng đế”. Nhưng thực tế cho thấy mỗi khi khách hàng sử dụng ATM gặp phải phiền phức như máy hết tiền, máy nuốt thẻ, không rút được tiền mà vẫn bị trừ tiền trong tài khoản... thì nhà cung cấp dịch vụ chưa phải chịu một chế tài nào.
Người thân của tôi sử dụng thẻ của một ngân hàng có chi nhánh tại Q.9, TP.HCM, có lần thực hiện giao dịch định rút 2 triệu đồng nhưng không được nhận tiền lại còn bị trừ vào tài khoản, phải hai lần đến “cầu lụy” ngân hàng (trong khi lỗi thuộc về nhà cung cấp) và 10 ngày sau mới được hoàn trả tiền vào thẻ.
Cũng chính vì sự bất hợp lý này, từng có nhiều người gặp những bực mình khi rút tiền ATM tỏ ra hối hận với chuyện đã đồng ý nhận tiền qua tài khoản thẻ.
Do vậy, nếu thực hiện nghiêm túc nghị định 96 sẽ còn có tác dụng kích thích, làm tăng thêm nhu cầu dùng thẻ ATM, vốn là chuyện Nhà nước đang khuyến khích để giảm bớt việc sử dụng tiền mặt.
Tuy nhiên, điều người dân băn khoăn là mỗi lần gặp những trục trặc khi sử dụng dịch vụ ATM sẽ báo tin cho ai, bằng cách nào?
Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần niêm yết số điện thoại, đường dây nóng của bộ phận có trách nhiệm tiếp nhận thông tin phản ảnh về chất lượng phục vụ của máy ATM ngay tại mỗi buồng máy.
Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra, xác minh kịp thời những tin báo của người dân, tránh tình trạng chủ thẻ bức xúc nhưng không biết kêu ai (nếu gọi về chính ngân hàng ấy thì cũng bằng không) hoặc có phản ảnh mà không ai xử lý.
Việc thành lập các đường dây nóng không còn là chuyện khó làm. Thực tế vừa qua đã có nhiều bệnh viện, nhà ga, bến xe, khu du lịch... thành lập các đường dây nóng, số điện thoại nóng và đã hoạt động hiệu quả.
Thế nên, việc thông báo rộng rãi số điện thoại của cơ quan xử phạt sẽ khẳng định sự kiên quyết trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng người sử dụng ATM, đồng thời buộc nhà cung cấp dịch vụ này có trách nhiệm hơn. Cảnh chầu chực, rồng rắn hàng giờ trước buồng máy, nhưng khi đến lượt đành tiu nghỉu đi tìm chỗ khác vì máy hết tiền, chắc chắn sẽ lùi vào quá khứ.
Việc xử phạt như với dịch vụ ATM không đáp ứng yêu cầu của người sử dụng cũng cần được mở rộng để áp dụng với các loại hình kinh doanh dịch vụ khác như điện thoại di động, Internet, hay truyền hình, điện lực... để chấm dứt việc rớt mạng, bị trừ tiền oan hoặc cúp, cắt bất ngờ (trừ sự cố bất khả kháng) mà bên cung cấp không hề hấn gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận