10/10/2019 09:53 GMT+7

Công khai bán dụng cụ kích điện, đánh bắt cá trái phép

KHÔI NGUYÊN (An Giang)
KHÔI NGUYÊN (An Giang)

TTO - Các dụng cụ xuyệt, kích cá bằng điện đang được bán công khai trên nhiều trang thương mại điện tử. Nhiều trang bán hàng online đang tái diễn cái sai chưa lâu của chính họ.

Công khai bán dụng cụ kích điện, đánh bắt cá trái phép - Ảnh 1.

Rao bán công khai các loại máy kích điện đánh bắt thủy sản trên trang mạng bán hàng online - Ảnh: K.NGUYÊN

Tìm mua hàng trên trang C, tôi bất ngờ khi thấy có người ở An Giang rao bán dụng cụ xuyệt cá. Còn băn khoăn vì sao mặt hàng này lọt qua kiểm duyệt của bộ phận đăng tin lại phát hiện thêm nhiều thông tin bán các loại máy đánh bắt thủy sản khác trên trang này.

Chỉ thay tên gọi

Như bản tin cách nay 2-3 tuần (còn hiệu lực) "Kích cá, lươn chuyên nghiệp" giá 600.000 đồng của một tài khoản ở Sóc Trăng. Người viết công khai: "Hỗ trợ anh em kiếm ăn với mọi điều kiện. Kích cá đánh bộ xuyệt được tất cả các loại cá, lươn. Máy này mình ráp giao khách đặt trước. Anh em nào cần xài thì đặt mình ráp trong 24 giờ hoàn thành...".

Thử tìm thêm thì càng bất ngờ về sự bất tuân thủ cam kết gần đây của các trang bán hàng. Tháng 3-2018, sau khi một tờ báo phản ánh việc rao bán máy kích điện đánh cá tự chế và do Trung Quốc sản xuất, hai trang thương mại điện tử L và S đã gỡ bỏ toàn bộ nội dung.

Đại diện truyền thông của S khi đó đã nói rằng nhận ra sự thiếu sót trong việc cập nhật "máy kích điện" trong danh mục hàng cấm, trang đã rà soát lại và hạ tất cả các sản phẩm này. Giờ lại thấy tái diễn bán sản phẩm dùng đánh bắt cá trái phép... Phổ biến nhất là bán máy chủ yếu cho việc săn bắt cá.

Chỉ khác trước là tìm cách "lách" bằng việc thay đổi tên gọi, chỉ để tên sản phẩm "máy kích điện" chứ không còn kèm cụm từ "xuyệt cá" nhưng vẫn hướng đến nhu cầu "kiếm cá" của khách hàng. Trong khi bên dưới các trả lời khách hàng, người bán cho biết rõ công dụng của các máy.

Đơn cử, trên trang bán hàng S rao bán "Bộ kích điện tử 8 fet 360000w - băm xung 12V - 688 uhf" kèm chi tiết "Nông sâu: 1,5-2m" (cho thấy việc đánh bắt thủy sản). Khi khách hàng hỏi: "Đánh được rô phi không nhỉ?", cửa hàng trả lời: "Bạn lấy loại 10 sò đánh được"...

Người khác đăng tin bán "Biến tần công suất cao 14 fet - Bộ kích điện 14 fet - Inverter 14 fet - 14 fet", phần mô tả chi tiết cho biết sản phẩm dùng cho "môi trường ngọt", lưng chừng vậy đủ để người đọc hiểu.

Trên trang L có chủ cửa hàng bán công khai máy "Kích cá nước ngọt phèn" với lời mô tả sản phẩm giá rẻ chuyên bắt cá rô phi, đảm bảo cá nổi lên "đẹp"... kèm theo đường link video clip sản phẩm trên YouTube của một người nhận chuyên bán xuyệt cá các loại ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Người này còn quay lại cảnh đi xuyệt cá một cách ngang nhiên, vô tư quảng cáo sản phẩm tận diệt thủy sản. Ngoài máy kích cá, xuyệt điện, có trang bán hàng còn bán kèm vợt điện theo máy đánh bắt thủy sản...

Lỏng lẻo quản lý

Việc sử dụng dụng cụ kích điện bắt cá khá phổ biến tại Việt Nam và chưa được ngăn chặn hiệu quả. Có cả những du khách nước ngoài muốn trải nghiệm việc này. Ngày càng nhiều YouTuber ngoại quốc đến Việt Nam quay clip trải nghiệm. Có hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đã tổ chức cho người nước ngoài trải nghiệm thực tế "thú vui" săn bắt cá bằng xuyệt điện, quay clip đăng tải trên mạng xã hội hành vi hủy hoại môi trường và còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tai nạn do dụng cụ kích điện xảy ra thường xuyên cả nước. Gần đây nhất, vào tối 21-6-2019, tại xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), một học sinh 16 tuổi mang máy kích điện ra chích cá bị điện giật ngã quỵ xuống mương nước và tử vong. Trước đó, tại địa phương xảy ra một trận lũ quét, gần 70 hồ cá của người dân bị tràn, người dân địa phương đã dùng kích điện đi bắt cá...

Các trang mạng bán hàng có thương hiệu, uy tín lại để các cá nhân công khai rao bán các máy kích điện, xuyệt điện dùng bắt cá là hành vi khó chấp nhận, tiếp tay cho việc làm sai trái, đi ngược lại văn minh thương mại hiện đại. Thật nguy hại khi các sản phẩm vẫn tiếp tục đến tay người tiêu dùng trước khi các trang mạng này có thể "hậu kiểm". Có hay không việc lỏng lẻo, dễ dãi trong việc đăng tin khi người đăng tin phải chịu phí để nội dung bán sản phẩm xuất hiện trên trang?

Tái diễn chuyện sai

Điều 15, nghị định 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản nêu rõ loại dụng cụ kích cá bằng điện là thiết bị bị cấm sử dụng. Việt Nam đã cấm việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản.

Các trang bán hàng có biết đang tiếp tục tiếp tay cho việc bán sản phẩm có thể tận diệt thủy sản, hủy hoại môi trường sinh thái và gây nguy hiểm cho người sử dụng không? Nhất là lần nữa họ tái diễn việc đã sai (và đã sửa sai) chưa lâu trước đó. Hay tìm cách "qua mặt" nhau bằng cách sử dụng các tên gọi khác của sản phẩm? Nói gì cũng khó phủ nhận được trách nhiệm trong việc quản lý nội dung các sản phẩm đang rao bán trên trang thương mại điện tử này.

Nguy hiểm khi dùng điện lưới 220V kích cá Nguy hiểm khi dùng điện lưới 220V kích cá

TTO - Để bắt được cá tôm từ các ao hồ, ruộng lúa, kênh rạch, người dân nhiều nơi ở Hà Tĩnh đang bất chấp mạng sống của mình dùng dòng điện 220V để kích cá.

KHÔI NGUYÊN (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên